Thông tin cần biết về thuốc Ephedrin trị viêm mũi, xoang, hen
Ephedrin được chỉ định trong các trường hợp sung huyết mũi trong cảm, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, phòng và điều trị hạ huyết áp trong gây tê tuỷ sống, sử dụng cho bệnh nhân hen để phòng co thắt phế (nhưng không phải là lựa chọn ưu tiên).
Thông tin cần biết về thuốc Ephedrin trị viêm mũi, xoang, hen
Ephedrin được chỉ định trong các trường hợp sung huyết mũi trong cảm, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, phòng và điều trị hạ huyết áp trong gây tê tủy sống, sử dụng cho bệnh nhân hen để phòng co thắt phế (nhưng không phải là lựa chọn ưu tiên).
Ephedrin là một trong những hoạt chất phổ biến xuất hiện trên thị trường dưới nhiều dạng bào chế như tiêm, khí dung, siro.. là thành phần chính trong thuốc nhỏ mũi sulfarin. Thông tin thuốc về cơ chế, tác dụng dược lý, chỉ định, chống chỉ định, tương tác.. sẽ được trình bày trong bài viết sau.
Nguồn gốc hoạt chất ephedrin
Ephedrin là thành phần chính trong dược liệu Ma Hoàng, họ Ma Hoàng ( Ephedraceae)
Trên thế giới, Ma Hoàng có trồng ở cả châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Á, nhưng Ma Hoàng trồng ở châu Âu chứa ít hoạt chất, chỉ có Ma Hoàng mọc ở châu Á có nhiều hoạt chất và được dùng làm thuốc. Trung Quốc là nơi cung cấp Ma Hoàng chính.
Ma hoàng thu hái vào mùa thu vì có hàm lượng hoạt chất cao nhất, nếu hái vào mùa đông hoạt chất giảm còn 50%, sang mùa xuân chỉ còn 25-30%. Ma Hoàng sau khi thu hái được phơi khô.
Cơ chế tác dụng của ephedrin
Ephedrin là hoạt chất có cấu trúc tương đối giống với adrenalin, thuốc tác động lên hệ thần kinh giao cảm, tác dụng trực tiếp và gián tiếp lên các thụ thể alpha và beta của hệ adrenergic, kích thích giải phóng noradrenalin của hệ thần kinh trung ương.
Chỉ định ephedrin
- Dùng để điều triệu chứng sung huyết mũi trong cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm mũi, viêm xoang.
- Ðề phòng hay điều trị hạ huyết áp trong gây tê tủy sống.
- Ðề phòng co thắt phế quản trong hen (không phải là thuốc chọn đầu tiên).
Chống chỉ định ephedrin
- Người quá mẫn với ephedrin. Người bị tăng huyết áp, người đang điều trị bằng thuốc ức chế monoamin oxydase.
- Người bệnh cường giáp, hạ kali huyết chưa được điều trị.
Thận trọng cần lưu ý khi dùng ephedrin
- Thuốc có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương gây khó ngủ, do đó không nên dùng thuốc sau 17 giờ hằng ngày.
- Không dùng thuốc liên tục quá 7 ngày, không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi
- Thận trọng khi chỉ định thuốc cho người bệnh suy tim, đau thắt ngực, cường giáp, người bệnh đang dùng digitalis, người bệnh đái tháo đường, người cao tuổi. Không dùng chung với người đang điều trị tăng huyết áp.
- Ephedrin có thể làm tăng triệu chứng khó tiểu ở người bệnh có phì đại tuyến tiền liệt.
- Ephedrin sử dụng kéo dài không tích lũy trong cơ thể nhưng có thể gây tình trạng quen thuốc, hoặc sung huyết mũi hồi ứng.
- Ephedrin dùng dưới dạng khí dung hay thuốc nhỏ mũi có thể gây tác dụng toàn thân và nguy cơ nghiện thuốc.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai vì ephedrin qua được nhau thai, thời kỳ sổ nhau, nồng độ thuốc trong thai bằng khoảng 70% nồng độ trong máu mẹ. Ephedrin làm thay đổi nhịp tim thai nhi, không nên dùng ephedrin trong 3 tháng đầu thai kỳ, thời kỳ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn của ephedrin
Tác dụng thường gặp
- Tuần hoàn: Ðánh trống ngực.
- Thần kinh trung ương: Ở người bệnh nhạy cảm, ngay cả với liều thấp ephedrin cũng có thể gây mất ngủ, cảm giác lo lắng, lú lẫn, đặc biệt khi dùng đồng thời với cafein.
- Tiết niệu: Bí tiểu, tiểu khó.
Tác dụng ít gặp
- Toàn thân: Chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi.
- Tiêu hóa: Ðau bụng, buồn nôn,.
- Thần kinh: Run, lo lắng, bồn chồn, mất ngủ
- Cơ xương: Yếu cơ. Khác: Khát.
Tác dụng hiếm gặp
- Tiêm ephedrin trong lúc sinh gây nhanh nhịp tim thai
- Tự dùng thuốc quá nhiều dễ dẫn đến loạn tâm thần, nghiện thuốc.
Liều lượng và cách dùng
- Chỉ định điều trị triệu chứng sung huyết mũi kèm theo cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm xoang: Nhỏ mũi hay xịt dung dịch 0,5% ( trẻ nhỏ dùng dung dịch nồng độ 0,25 - 0,5%). Không nhỏ thuốc liên tục quá 7 ngày, không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi.
- Chỉ định trong điều trị tụt huyết áp khi gây tê tủy sống: Tiêm dưới da ephedrin hydroclorid 50 mg, tiêm trước 30 phút khi gây tê tủy sống.
- Phòng cơn hen co thắt phế quản: uống Ephedrin hydroclorid hay ephedrin sulfat liều 15 - 60 mg, chia làm 3 đến 4 lần / ngày, hoặc tiêm dưới da Ephedrin liều 15 - 50 mg, nếu cần có thể tiêm nhắc lại. Liều tối đa ephedrin 150 mg/ngày.
Ephedrin hiện nay không phải là chỉ định thường xuyên trong hen nữa, thay vào đó là sử dụng thuốc kích thích chọn lọc trên thụ thể beta 2 tác dụng ngắn hoặc kéo dài, ví dụ như salbutamol.
Tương tác thuốc
- Ephedrin bị mất hoặc giảm tác dụng khi dùng chung với các thuốc ức chế beta không chọn lọc Ephedrin dùng chung với dexamethason: làm tăng đào thải dexamethason.
- Ephedrin và pseudoephedrin bị tích tụ trong cơ thể khi sử dụng natri bicarbonat để kiềm hóa nước tiểu hoặc thuốc kiềm hóa nước tiểu khác, thuốc tích tụ gây ngộ độc biểu hiện các triệu chứng như: run, lo lắng, mất ngủ, nhịp nhanh. Toan hóa nước tiểu bằng amoni clorid tăng đào thải ephedrin ra khỏi cơ thể.
- Sử dụng hydroxyd nhôm chung với pseudoephedrin là tác dụng của thuốc xuất hiện sớm hơn.
- Ephedrin phối hợp với theophylin làm tăng tác dụng phụ của theophylin. Các tương tác khác tương tự như adrenalin và các thuốc giống giao cảm khác.
- Không dùng ephedrin với các thuốc ức chế enzym mono amino oxydase không chọn lọc vì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp kịch phát, có thể gây tử vong và tăng thân nhiệt, nguy cơ này vẫn tồn tại sau 15 ngày khi ngừng dùng các IMAO. Ephedrin có thể làm mất tác dụng hạ huyết áp của guanethidine, bethanidine và debrisoquine khi dùng chung.
- Thận trọng khi dùng ephedrin chung với các thuốc mê halogen bay hơi, khuyến cáo ngừng sử dụng ephedrin vài ngày trước khi gây mê bằng các halogen bay hơi
Tương kỵ
Trong dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, ephedrin tương kỵ vật lý với hydrocortison và với một vài bacbiturate.
Quá liều ephedrin và xử trí
- Điều trị triệu chứng khi quá liều ephedrin, dùng thuốc làm toan chuyển hóa để tăng thải ephedrin khỏi cơ thể, hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho ngộ độc và quá liều ephedrin.
- Liều tử vong ở người trưởng thành là 50 mg/kg, ở trẻ em 2 tuổi liều tối thiểu gây chết bằng đường uống là 200 mg.
Bảo quản thuốc
Bảo quản trong lọ kín, tránh ánh sáng.
Ephedrin dạng tiêm phải kê đơn và bán theo đơn. Ephedrin là hoạt chất thuộc danh mục tiền chất dùng làm thuốc theo Luật dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08, tháng 5 năm 2017 của Chính Phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc cần phải kiểm soát đặc biệt.
Giá thuốc Ephedrin
Giá thuốc Ephedrin dao động từ 60.000-75.000 đồng/hộp 10 viên, bán tại các nhà thuốc (theo đơn).
Xem thêm:
- Viêm xoang mũi uống thuốc gì cho nhanh khỏi ?
- Khi bị viêm xoang uống thuốc gì?