Thoát vị rốn ở thai nhi có nguy hiểm không?
Đa phần thoát vị rốn ở thai nhi không nguy hiểm nhưng một số trường hợp có kèm theo các dị tật phối hợp hoặc có biến chứng. Do đó việc chẩn đoán trước sinh có thể giúp phát hiện sớm các biến chứng thoát vị rốn thai nhi để kịp thời điều trị.
Thoát vị rốn ở thai nhi có nguy hiểm không?
Thoát vị rốn là gì?
Thoát vị rốn là tình trạng bất thường thành bụng thai nhi, hở vùng rốn nên các tạng trong bụng như dạ dày, ruột, đôi khi có cả gan bị đẩy ra bên ngoài ổ bụng 1 phần hay hoàn toàn và những tạng này nằm trong 1 túi phúc mạc vô trùng.
Bình thường vào khoảng tuần lễ thứ 9 – 10 của thai kỳ, ruột nằm bên ngoài thành bụng, đến tuần 12 thai kỳ, ruột xoay và di chuyển vào ổ bụng cùng với sự phát triển cơ thành bụng khép kín lại. Nếu trường hợp các cơ thành bụng không khép hoàn toàn ở đường giữa bụng thì có thể gây thoát vị rốn khi sinh, hoặc sau này trong cuộc sống.
Nguyên nhân thoát vị rốn ở thai nhi
Hiện nay vẫn chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây thoát vị rốn cũng như cách phòng ngừa trong thai kỳ. Một trong những nguyên nhân gây thoát vị rốn thường gặp là có bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, từ đó làm cơ thành bụng yếu và không phát triển tương thích với quá trình xoay của ruột gây nên tình trạng này.
Thoát vị rốn thai nhi có nguy hiểm?
Thoát vị rốn ở thai nhi không gây nguy hiểm nhưng một số trường hợp có kèm theo các dị tật phối hợp hoặc có biến chứng. Thoát vị rốn cũng thường kèm theo những bất thường khác như: tim bẩm sinh, bất thường hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu và chi.. Vì vậy việc chẩn đoán trước khi sinh có thể giúp phát hiện sớm các biến chứng này để kịp thời điều trị.
Với sự tiến bộ của y học, hiện nay cho phép phát hiện bệnh chính xác ngay từ thời kỳ bào thai. Thoát vị rốn ở thai nhi có thể được chẩn đoán bởi siêu âm trước sinh vào quý thứ hai của thời kỳ thai nghén. Nếu phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ đồng thời thăm khám cẩn thận các cơ quan khác như: siêu âm tim, bộ phận hô hấp, ngoài ra, kiểm tra cân nặng và khả năng sinh non của các bà mẹ... Những trẻ có thoát vị rốn thường có tỷ lệ cao đẻ non và chậm phát triển bào thai.
Ngay sau khi sinh, trẻ bị thoát vị rốn xuất hiện màng bọc và phúc mạc bảo vệ các quai ruột. Tuy nhiên màng bọc có thể bị vỡ, dây rốn được vùi trong màng bọc. Với những tổn thương lớn, kích thước thoát vị rốn trên 5cm chứa gan cũng như các quai ruột, ngược lại tổn thương nhỏ chỉ có ruột. Khi có các dấu hiệu bất thường bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng cẩn thận để phát hiện các dị hình thể khác và tiến hành chụp đánh giá bằng hình ảnh.
Ngoài ra siêu âm tim để đánh giá các dị tật về tim. Tất cả các trẻ có bất thường về quai ruột để được xem xét các dị tật phối hợp để được đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất.
Khoảng 80% các trường hợp thoát vị rốn có các dị tật khác kèm theo. Các dị tật kèm theo sẽ làm cho việc chữa trị phức tạp và nguy cơ tử vong cho trẻ cũng cao hơn. Nên các sản phụ cần được chẩn đoán trước sinh, bởi phát hiện thoát vị rốn có thể đồng thời phát hiện thêm những dị tật phối hợp nguy hiểm.
Những dị tật kèm theo như: mạch chủ hai van; dị tật sinh dục tiết niệu gặp ở 20% các trường hợp; dị tật bất thường về nhiễm sắc thể (thường gặp nhất là 3 nhiễm sắc thể 13,18,21) gặp 48% các trường hợp; bất thường về tim gặp 28% các trường hợp. Bên cạnh đó, những dị tật về tim gồm: thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, tim nằm bên phải, Fallot 4; động sọ mặt khoảng 20%; dị tật thoát vị hoành gặp 20%. Dị tật về cơ xương, cột sống, các chi , hình thể bên ngoài cũng có thể gặp; dị tật thiểu sản phổi thứ phát do rối loạn phát triển lồng ngực như lồng ngực bé,...
Trẻ bị thoát vị rốn thường có thêm các hội chứng liên quan nguy hiểm gồm:
- Ngũ chứng Cantrell: Trẻ bị khiếm khuyết thành bụng ở giữa, tim lạc chỗ, dị dạng xương ức, thoát vị hoành, tim bất thường.
- Hội chứng Beckwith - Wiedemann: Lưỡi phì đại, bán phì đại, hạ đường huyết, bất thường về rốn.
- Phức hợp OEIS (omphalocele, exstrophy of the bladder, imperforate anus and spinal deformity): Thiểu sản bàng quang, không hậu môn, dị dạng cột sống.
Phương pháp điều trị thoát vị rốn?
Sau sinh tùy vào khối thoát vị lớn hay nhỏ, số tạng thoát vị ra ngoài nhiều hay ít mà kết quả phẫu thuật khác nhau. Với khối thoát vị nhỏ, ngay sau sinh bé được phẫu thuật đưa khối thoát vị vào ổ bụng và đóng kín thành bụng lại, kết quả tương đối tốt.. Với khối thoát vị lớn và có nhiều tạng thì có thể tiến hành phẫu thuật nhiều thì và thời gian nằm viện kéo dài, kết quả phẫu thuật cũng kém hơn.
Phẫu thuật khối thoát vị thường được chỉ định cho những trường hợp như:
- -Khối thoát vị to lên khi bé được 1 hoặc 2 tuổi.
- Thoát vị không mất đi khi bé lên 4.
- Thoát vị bị nghẹt.
Khi mổ thoát vị, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ tại chân rốn và khối thoát vị được đưa trở lại vào ổ bụng, lỗ hở ở thành bụng được đóng lại.
Những dị tật và biến chứng đi kèm với thoát vị rốn thai nhi khá đa dạng và phức tạp. Bởi vậy, các bà mẹ nên đi khám thai thường xuyên và định kỳ để có thể kịp thời phát hiện những bất thường của thai nhi. Từ đó, có phương pháp điều trị và chăm sóc tốt nhất để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh
- Những điều cần biết khi chăm sóc da, mắt và rốn cho trẻ sơ sinh
- Chuyện lạ có thật: Những đứa trẻ không có rốn bẩm sinh