Thiếu máu não: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Thiếu máu não chiếm tới 1⁄4 các trường hợp tai biến mạch máu não. Việc điều trị cần tiến hành một cách tích cực, tùy theo nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp. Vậy triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị thiếu máu não như thế nào?
Thiếu máu não: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Thiếu máu não chiếm tới 1⁄4 các trường hợp tai biến mạch máu não. Việc điều trị cần tiến hành một cách tích cực, tùy theo nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp. Vậy triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị thiếu máu não như thế nào?
1. Các triệu chứng của bệnh thiếu máu não:
Triệu chứng bệnh thiếu máu não đa dạng và biểu hiện trên từng người bệnh khác nhau, nhưng thông thường sẽ bao gồm những triệu chứng sau:
- Đau đầu: là triệu chứng hay gặp nhất trong bệnh thiếu máu não, biểu hiện đau đầu theo cơn, lúc đầu là đau một vùng cố định sau đó cơn đau đầu có xu hướng lan ra khắp đầu. Người bệnh đau đầu cảm giác nặng đầu, tăng lên khi di chuyển và thay đổi tư thế nhất là lúc mới ngủ dậy. Tuy nhiên triệu chứng đau đầu cũng gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau.
- Hoa mắt, chóng mặt và ù tai: người bệnh có những cơn hoa mắt, chóng mặt thoáng qua, cảm giác mất thăng bằng hay xảy ra khi bệnh nhân thay đổi tư thế đột ngột hoặc nó có thể xảy ra một cách tự nhiên bất kỳ lúc nào, bệnh nhân nếu không có điểm tựa có thể bị ngã gây ra chấn thương rất nguy hiểm. Triệu chứng ù tai cũng thường xảy ra dù người bệnh đang trong không gian khá yên tĩnh.
- Mất ngủ: biểu hiện mất ngủ trên bệnh nhân thiếu máu não thể hiện qua ngủ hay tỉnh giấc, giấc ngủ chập chờn, hay gặp ác mộng, khó vào giấc khi ngủ. Người bệnh mất ngủ nhiều, triền miên là yếu tố bệnh tăng nặng, gây mệt mỏi cho người bệnh.
- Suy giảm trí nhớ: Thiếu máu não gây ra não không đủ cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động của não. Các hiện tượng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ.. xảy ra thường xuyên khiến bệnh nhân dần suy giảm trí nhớ. Ngoài ra nguyên nhân gây ra suy giảm trí nhớ cũng có các bệnh như: teo não, tình trạng thoái hóa tế bào não...
- Tê bì, nhức mỏi tay chân: Người bệnh thỉnh thoảng có cảm giác dị cảm da như tê bì ở đầu ngón tay, cảm giác kiến bò trên da. Nếu nguyên nhân do thoái hóa cổ bệnh nhân thấy đau vùng vai gáy, lan xuống tay.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu não
2.1. Do huyết áp thấp
Huyết áp là áp lực máu lên thành động mạch khi huyết áp xuống thấp thì lượng máu tới các cơ quan bị giảm sút, đặc biệt là các cơ quan ở vị trí xa so với tim hoặc cơ quan ở trên cao cần áp lực cao để đẩy máu tới như não bộ. Với nguyên nhân do huyết áp thấp người bệnh sẽ thấy các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, xảy ra thường xuyên khi thay đổi tư thế đột ngột hay khi đứng lên.
2.2. Do thiếu máu, chất lượng máu kém:
Thiếu máu là tình trạng giảm về số lượng hồng cầu hoặc huyết sắc tố (hemoglobin), máu cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng tới các cơ quan nên khi thiếu máu thì hoạt động của các cơ quan đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là não vì nhu cầu oxy và các chất dinh dưỡng của não rất cao so với các cơ quan khác. Trường hợp khi thể tích máu vẫn trong giới hạn bình thường nhưng tế bào hồng cầu lại suy giảm chức năng thì gọi là chất lượng máu kém, trường hợp này vẫn gây ra thiếu cung cấp chất dinh dưỡng cho các cơ quan.
2.3. Do thoái hóa cột sống cổ
Công việc văn phòng phải ngồi lâu, lối sống lười vận động, tuổi tác, dị tật bẩm sinh....khiến các tổ chức vùng cột sống cổ như đĩa đệm, dây chằng bị thoái hóa. Đốt sống cổ bị thoái hóa có thể gây chèn ép vào hệ thống động mạch sống nền (có chức năng nuôi phần não sau) gây ra tình trạng thiếu máu não.
2.4. Do xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là tình trạng hình thành mảng xơ vữa trong lòng mạch làm thu hẹp lòng mạch. Khi động mạch dẫn máu lên não (động mạch cảnh, động mạch sống nền) bị thu hẹp do mảng xơ vữa dẫn đến lượng máu cung cấp đến não bị giảm gây thiếu máu não. Trường hợp mảnh xơ vữa nằm trong các mạch máu não gây thiếu máu cục bộ não, nếu tình trạng không cung cấp đủ lượng máu sẽ gây ra tai biến mạch máu não (thể nhồi máu não) nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
2.5. Bệnh lý hệ thống tuần hoàn
Các bệnh liên quan tới việc làm giảm chức năng hoạt động của tim như phình đại thất, suy tim làm ảnh hưởng tới việc cung cấp máu tới các cơ quan trong đó có não bộ gây tình trạng thiếu máu não.
2.6. Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân thiếu máu não khác như: bệnh bất thường về cấu trúc và mạch máu não bẩm sinh, các khối u não, tác dụng phụ của một số loại thuốc.....
3. Biến chứng của bệnh thiếu máu não
3.1. Tai biến mạch máu não
Tình trạng thiếu máu não nặng gây ra tình trạng không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho não dẫn đến các tế bào não ngừng hoạt động nếu không phát hiện và điều trị kịp thời các tế bào não sẽ hoại tử và không phục hồi. Các biểu hiện của tai biến mạch máu não như bệnh nhân xuất hiện đau đầu, yếu nửa người từ từ tăng dần, có thể bị liệt một số dây thần kinh sọ ví dụ như dây VII gây méo miệng..,rối loạn đại tiểu tiện....
3.2. Rối loạn giấc ngủ
Người bệnh khó ngủ, ngủ không ngon giấc, giảm chất lượng giấc , ngủ khiến bệnh nhân mệt mỏi, giảm khả năng tư duy, chú ý, giảm hiệu quả công việc.
3.3. Suy giảm trí nhớ
Tình trạng thiếu máu não kéo dài kết hợp với thoái hóa các tế bào não khiến người bệnh rơi vào tình trạng giảm trí nhớ.
3.4. Chấn thương
Do hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng có thể xảy ra bất kỳ khi nào khiến người bệnh dễ ngã gây các chấn thương như vết thương ngoài da, gãy xương, chấn thương sọ não....
4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu não
- Tuổi tác: tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu não tăng theo tuổi.
- Chế độ vận động: Những người ít vận động. Thường xuyên duy trì một tư thế.
- Tình trạng thừa cân béo phì: là khi chỉ số BMI > 23, tình trạng này gây sức ép lên các khớp dẫn đến tình trạng thoái hóa, cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh rối loạn chuyển hóa lipid gây tình trạng xơ vữa mạch.
- Công việc: những người phải làm những công việc nặng nhọc, công việc văn phòng ngồi lâu ít vận động....
- Chế độ ăn uống: Ăn nhiều những thức ăn chiên, xào, rán..Uống rượu bia và các chất kích thích. Hút thuốc lá. Ăn uống không đủ chất dinh dưỡng.
- Người mắc một số bệnh nội khoa: Đái tháo đường. Cao huyết áp. Rối loạn chuyển hóa lipid
5. Những biện pháp hạn chế nguy cơ mắc bệnh
- Tăng cường vận động, hạn chế ngồi lâu một tư thế
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Kiêng rượu bia và các chất kích thích, không hút thuốc lá, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ăn những chất chiên xào rán.
- Kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường huyết.
6. Điều trị thiếu máu não
6.1. Điều trị nguyên nhân gây bệnh
Tìm được nguyên nhân gây bệnh để điều trị thiếu máu não triệt để và có hiệu quả hơn, một số nguyên nhân có thể điều trị được như:
- Thiếu máu: bổ sung các chất cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu như sắt, acid folic, vitamin B12...
- Thoái hóa cột sống cổ: dùng thuốc chống thoái hóa, vật lý trị liệu.
- Xơ vữa mạch máu: dùng thuốc nhằm làm tan và có mảng xơ vữa, trường hợp hẹp nhiều phải can thiệp nong động mạch hay đặt stent.
6.2. Điều trị triệu chứng
Kết hợp với việc tìm và điều trị nguyên nhân phải điều trị các triệu chứng do thiếu máu não gây ra
- Tăng cường dinh dưỡng tế bào não bằng các thuốc như: piracetam, cavinton, tanakan, cerebrolysin, vitamin nhóm B....
- Mất ngủ nhiều có thể dùng các thuốc có tác dụng an thần, gây ngủ như: rotunda, seduxen( không dùng dài ngày tránh gây phụ thuộc thuốc)...
7. Làm thế nào để phòng tránh bệnh thiếu máu lên não?
- Tập luyện thường xuyên các phương pháp như đi bộ, dưỡng sinh, yoga...
- Giảm bớt áp lực tinh thần, thư giãn, tăng cường nghỉ ngơi.
- Chế độ ăn uống khoa học uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, hạn chế ăn những đồ chứa nhiều chất béo.
- Không uống rượu, bia và các chất kích thích, không hút thuốc lá..
Bệnh thiếu máu não không thể coi nhẹ, nên khi phát hiện hay nghi ngờ các triệu chứng liên quan tới bệnh hãy nhanh chóng đi khám để được điều trị kịp thời tránh để lại những biến chứng nặng nề không đáng có.
Xem thêm:
- Bệnh nhân thiếu máu lên não nên ăn gì?
- Thực phẩm hỗ trợ điều trị thiếu máu não hiệu quả
- Thiếu máu não nên ăn gì để nhanh chóng khỏi bệnh?