Thế nào là bệnh viêm họng mãn tính?

Chào bác sĩ! Em là nam, năm nay em 22 tuổi. Cách đây một tuần em có cảm giác như có cái gì ở họng, nuốt nước bọt thì có vướng cái gì đó (đặc biệt là trong lúc miệng hơi khô) nhưng khi ăn cơm thì bình thường và không có vấn đề gì hết. Em rất sợ là bị ung thư hay có khối u gì đó nên đã đi nội soi tổng cộng là ba lần ở bệnh viện Tai-Mũi-Họng, bệnh viện 121, bệnh viện Ung bướu ...

Thế nào là bệnh viêm họng mãn tính? Thế nào là bệnh viêm họng mãn tính?

Chào bác sĩ!

Em là nam, năm nay em 22 tuổi. Cách đây một tuần em có cảm giác như có cái gì ở họng, nuốt nước bọt thì có vướng cái gì đó (đặc biệt là trong lúc miệng hơi khô) nhưng khi ăn cơm thì bình thường và không có vấn đề gì hết. Em rất sợ là bị ung thư hay có khối u gì đó nên đã đi nội soi tổng cộng là ba lần ở bệnh viện Tai-Mũi-Họng, bệnh viện 121, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Cả 3 bản nội soi đều nói em bị viêm họng mãn, viêm amidan mãn, và hôm nay có thể là VA tồn lưu. Cùng với đó có các hạt lympho tăng sinh quá phát. Em tự nhìn thì thấy ở cuối lưỡi có những hạt như hạt đậu trơn láng màu hồng. Nhưng không đau rát gì hết, biểu hiện của em chỉ là thấy vướng khi miệng bình thường và khi nuốt nước bọt thôi. Nên em hoang mang lắm, nhờ bác sĩ giải đáp giúp em để em yên tâm vào chuyện học hành ạ!

Cám ơn bác sĩ rất nhiều.

Dương Minh

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoà trả lời:

Chào bạn!

Theo như bạn mô tả thì có thể bạn bị viêm họng hạt và viêm amidan mãn. Viêm họng hạt là một dạng viêm họng mãn tính quá phát, đó là phản ứng của niêm mạc họng bị viêm nhiễm trường diễn tại vùng họng là nơi chứa rất nhiều lympho bào với nhiệm vụ diệt vi sinh vật. Khi bị viêm trường diễn thì các lympho bào này phải làm việc liên tục trong một thời gian dài và ngày càng to ra, trở thành các "hạt", đó chính là các hạt mà bạn quan sát được chứ không phải là những khối u. Bạn đã khám và nội soi nhiều lần tại bệnh viện Tai-Mũi-Họng, bạn có thể yên tâm điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa và tập trung học hành. Có một số lưu ý để giảm bớt biểu hiện và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng, nên áp dụng một phương pháp đơn giản mà hiệu quả: súc họng bằng nước muối loãng.

  • Nước muối để ngậm cần có độ mặn tương đương với nước canh và ấm hơn thân nhiệt vài độ (nhất là về mùa lạnh) để gây giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, khiến bạch cầu đến đây nhiều hơn. Nên pha sẵn nước muối mặn đựng vào chai, khi súc họng thì pha thêm nước nóng để có độ mặn và độ nóng cần thiết.
  • Trước tiên, cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối đã pha trong khoảng 30 giây. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới súc họng. Xúc họng khoảng 3-4 lần nữa với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa.

  • Cứ 3 giờ súc họng một lần. Nếu họng đang viêm cấp, khoảng cách giữa hai lần súc họng có thể gần hơn. Điều quan trọng nhất là phải nhớ súc họng trước và sau khi ngủ. Với người hay đi tiểu đêm, cần phải súc họng cả trong những lần thức giấc này.
  • Kết quả của việc súc họng nước muối sẽ được thấy rõ sau khoảng vài ngày, đặc biệt đối với những bệnh nhân đang ở đợt cấp.

Chúc bạn sống khỏe!