Thận trọng khi dùng nếu không muốn tử vong vì codein
Dùng codein trong thời gian dài, liều lượng lớn có thể gây nghiện thuốc. Thuốc này còn có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ em dưới 18 tuổi, người mắc bệnh đường hô hấp, phụ nữ có thai và đang cho con bú.
Thận trọng khi dùng nếu không muốn tử vong vì codein
Dùng codein trong thời gian dài, liều lượng lớn có thể gây nghiện thuốc. Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả mối nguy hại mà codein mang lại bởi loại thuốc này còn có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ em dưới 18 tuổi, người mắc bệnh đường hô hấp, phụ nữ có thai và đang cho con bú. Nó là nguyên nhân gây nhiều vấn đề nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Codein là gì?
Codein là thuốc giảm ho, giảm đau (thuộc nhóm thuốc giảm đau opioid), gây ngủ được dùng trong các trường hợp ho khan, đau nhẹ và vừa.
Thuốc có thể tác dụng trực tiếp lên trung tâm gây ho ở hành não người bệnh, làm tăng độ quánh của dịch tiết phế quản, tăng khô dịch tiết đường hô hấp. Thực chất, codein không đủ hiệu lực để giảm ho nặng mà chỉ có thể dùng như thuốc trấn ho trong trường hợp bệnh nhân bị ho khan gây mất ngủ. Tác dụng giảm ho xuất hiện sau 1 - 2 giờ kể từ khi uống thuốc và kéo dài khoảng 4 - 6 giờ.
Trong giảm đau thì codein viên nén thường được kết hợp với các thuốc chống viêm, giảm đau không steroid. Việc kết hợp sẽ làm tăng khả năng giảm đau và bớt táo bón (một tác dụng phụ của thuốc).
Ngoài ra, codein có khả năng giảm nhu động ruột nên còn được dùng trong việc điều trị tiêu chảy do bệnh thần kinh đái tháo đường.
Những vấn đề cần thận trọng liên quan đến codein
Codein được chuyển hóa ở gan tạo ra các hợp chất có hoạt tính morphine và morphine-6-glucuronide. Thuốc có thể gây nghiện và nhiều tác dụng không mong muốn như: khát và có cảm giác khác lạ, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, táo bón (do giảm nhu động ruột) hoặc bí đái. Một số người còn bị hạ huyết áp tư thế đứng khi dùng thuốc hay ngứa, nổi mề đay; suy hô hấp; đau dạ dày....
Thậm chí, trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, tử vong vì codein. Cụ thể:
- Tại New Zealand, từ tháng 1/2008 đến ngày 31/12/2014 có 53 ca tử vong được ghi nhận. Trong đó, codein là nguyên nhân thứ tư trong các trường hợp tử vong vì dược phẩm. Gần đây, Cơ quan Quản lý an toàn dược phẩm và thiết bị y tế của New Zealand (Medsafe) đã đưa ra cảnh báo liên quan đến nguy cơ tử vong của loại thuốc này.
- Trên thế giới, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tổ chức đánh giá phản ứng phụ khi dùng thuốc codein trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến 2015. Kết quả xác định có 64 trường hợp mắc các vấn đề hô hấp nghiêm trọng. Trong đó, có đến 24 trường hợp tử vong liên quan đến việc trẻ em dưới 18 tuổi dùng codein để giảm đau sau phẫu thuật amidan hoặc adenoids (khối tổ chức nằm ở trần vòm họng).
Những đối tượng nên thận trọng khi dùng codein
Trong nhiều trường hợp, việc kê đơn thuốc có codein là cần thiết đối với sức khỏe người bệnh (người đau nhẹ đến vừa, ho khan gây mất ngủ về đêm...). Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây nên thận trọng hoặc tuyệt đối không dùng thuốc chứa codein.
- Trẻ em dưới 18 tuổi không nên dùng thuốc chứa codein vì đã có nhiều báo cáo về tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí gây tử vong ở trẻ em của codein. Cục Quản lý Dược cũng đã khuyến cáo không dùng thuốc giảm đau có codein cho trẻ dưới 18 tuổi, nhất là những trẻ vừa cắt amidan hoặc làm thủ thuật nạo VA.
- Không dùng codein cho những người bị suy giảm chức năng hô hấp, đặc biệt là trẻ em bị bệnh lý đường hô hấp như nhiễm trùng đường hô hấp trên và phổi; rối loạn thần kinh cơ, bệnh lý nặng về tim, đa chấn thương hay vừa phải trải qua phẫu thuật lớn. Bởi những bệnh nhân này có nguy cơ gặp các triệu chứng ngộ độc morphin nghiêm trọng.
- Người thiếu hụt enzym CYP2D6 (để chuyển hóa codein thành morphin) hoặc mang gene chuyển hóa thuốc qua CYP2D6 siêu nhanh. Bởi nếu thiếu hụt enzym thì sẽ không đạt hiệu quả điều trị còn nếu mang gen chuyển hóa siêu nhanh thì sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc với các triệu chứng như rối thở nông, co đồng tử, loạn ý thức, buồn ngủ, buồn nôn, nôn, táo bón và chán ăn. Trường hợp nặng người bệnh có thể bị suy giảm tuần hoàn và hô hấp, đe dọa tính mạng và thậm chí là tử vong.
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú cũng được khuyến cáo không dùng tất cả các thuốc chứa codein. Bởi ở liều điều trị thông thường, codein và chất chuyển hóa có hoạt tính có thể xuất hiện trong sữa mẹ với mức độ rất thấp và dường như không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mang gen chuyển hóa thuốc qua CYP2D6 siêu nhanh thì morphin có thể tăng cao trong sữa mẹ, gây tình trạng ngộ độc opioid, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.
- Người trưởng thành mắc các bệnh ở đường hô hấp như hen, khí phế thũng; người suy giảm chức năng gan thận, có tiền sử nghiện thuốc cần dùng hết sức thận trọng khi dùng các loại thuốc có chứa codein.
Ngoài ra, dù không thuộc những nhóm đối tượng không nên dùng thuốc chứa codein trên thì người bệnh cũng chỉ nên dùng codein ở liều thấp, trong thời gian ngắn nhất có thể. Bởi liều 240 - 540 mg/ ngày có thể gây nghiện. Cách tốt nhất là nên dùng thuốc dưới sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ.
Xem thêm:
- Thuốc ho codein có an toàn cho trẻ?
- Thuốc Codein Sulfat có tác dụng gì?