Tế bào gốc là tế bào gì?

Trong những năm gần đây, thuật ngữ tế bào gốc đang được nhắc đến khá nhiều trên những phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong lĩnh vực y học. Vậy thực sự tế bào gốc là gì và vì sao chúng lại được nhắc đến như một loại tế bào “kì diệu” có khả năng trị được các bệnh nan y hiện nay?

Tế bào gốc là tế bào gì? Tế bào gốc là tế bào gì?

Trong những năm gần đây, thuật ngữ tế bào gốc đang được nhắc đến khá nhiều trên những phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong lĩnh vực y học. Vậy thực sự tế bào gốc là gì và vì sao chúng lại được nhắc đến như một loại tế bào “kì diệu” có khả năng trị được các bệnh nan y hiện nay? HoiBenh mời bạn đọc cũng tìm hiểu những thông tin về tế bào gốc là gì qua bài viết dưới đây.

Lịch sử hình thành tế bào gốc là gì?

Từ thập niên 1950, các nhà khoa học đã phát hiện sự có mặt của kháng nguyên trên màng tế bào và kháng thể trong cơ thể. Ứng dụng thành tựu đó, đến năm 1994, nhà khoa học người Sri Lanka – ông Ariff Bongso là người đầu tiên trên thế giới tách thành công tế bào gốc từ phôi của người. Theo sau đó, rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên khắp thế giới tiếp tục nghiên cứu và phát hiện nhiều thành tựu quan trọng trong việc sử dụng tế bào gốc để điều trị và chăm sóc sức khỏe con người.

Tuy nhiên trong lịch sử nghiên cứu tế bào gốc, việc tách chúng từ gốc phôi hoặc thai nhi đã từng có thời gian từng bị lên án dữ dội do các dư luận xã hội và tín ngưỡng tôn giáo của phương Tây, người ta cho rằng việc này là vi phạm y đức. Các tế bào gốc từ người trưởng thành lại ít được quan tâm bởi khả năng cung cấp tế bào mới khá ít, tế bào gốc trưởng thành bị già và khó biệt hóa...

Năm 2004, tại trường Đại học Quốc gia Singapore, PGS. TS. BS. Phan Toàn Thắng là người đầu tiên trên thế giới tách tế bào gốc từ màng cuống của dây rốn trẻ sơ sinh.

Phan Toàn Thắng
PGS. TS. BS Phan Toàn Thắng - Cha đẻ của phương pháp ghép tế bào gốc từ cuống rốn

Đây là một phát minh nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học thế giới, là tiền đề quan trọng trong việc chữa lành các vết thương do phóng xạ, bỏng và đặc biệt là chăm sóc sắc đẹp.

Vậy tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là một loại tế bào sinh học, có khả năng biệt hoá thành các loại tế bào gốc khác nhau, từ đó phân chia để tạo ra nhiều tế bào mới.

Tế bào gốc.

Tế bào gốc được tìm thấy ở những sinh vật đa bào (cấu tạo từ nhiều tế bào). Tế bào gốc có thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành là Stem cell có nghĩa là tế bào nguyên bản chưa biệt hóa thành tế bào có chức năng cụ thể. Ví dụ, tế bào gốc biệt hóa thành tế bào gốc xương, từ tế bào gốc xương mới sinh ra các tế bào xương khác. Do đó, tế bào gốc có khả năng phát triển thành bất kỳ loại tế bào này tùy theo môi trường và nhu cầu của cơ thể.

Vai trò của tế bào gốc là gì?

Khi cơ thể chúng ta bị thương hoặc bị bệnh sẽ khiến các tế bào cũng bị thương hoặc chết đi, lúc này tế bào gốc sẽ bắt đầu hoạt động. Công việc của tế bào gốc đó là sửa chữa những tế bào bị thương, thay tế những tế bào chết và bổ sung nguồn tế bào mới cho cơ thể. Tế bào gốc luôn giữ cơ thể khỏe mạnh và chống lại hiện tượng thoái hoá không bình thường.

Có mấy loại tế bào gốc?

Trong cơ thể con người có rất nhiều loại tế bào gốc khác nhau, chúng được lấy từ các phần khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản có hai loại tế bào gốc chính đó là: tế bào gốc mầm và tế bào gốc trưởng thành. Ngoài ra, hiện nay còn một loại tế bào gốc mới được các nhà khoa học nghiên cứu và lập trình hoá là tế bào gốc vạn năng cảm ứng (gọi tắt là iPSCs).

Tế bào gốc mầm (phôi)

Đây là tế bào gốc lấy từ những cụm tế bào chưa được biệt hoá bên trong phôi thai người từ 4 đến 5 ngày tuổi, vẫn đang trong giai đoạn phát triển phôi bào. Muốn có được tế bào này, hiện nay thường lấy từ những phôi thai tạo thêm trong quá trình thụ tinh nhân tạo (IVF): trong một vài trứng được thụ tinh trong ống nghiệm, chỉ có duy nhất một trứng tốt nhất được cấy vào cơ thể người phụ nữ.

Tế bào gốc phôi

Tế bào gốc mầm này có khả năng biệt hoá thành ba lớp giao tử đầu tiên đó là: ngoại bì, nội bì và trung bì. Hiểu một cách đơn giản hơn nghĩa là nó có khả năng phát triển thành một trong 200 loại tế bào của cơ thể người, tuỳ thuộc vào giai đoạn chiết xuất. Đặc tính này gọi là tính toàn năng. Ngoài ra, tế bào phôi thai còn có khả năng tự sản sinh vô hạn tức là tự làm mới không giới hạn trong điều kiện thích hợp. Từ 2 đặc tính quý giá nêu trên, hiện nay tế bào phôi thai được sử dụng như một liệu pháp để thay thế các mô bị tổn thương hay bệnh tật trong cơ thể người (cả trẻ em và người lớn) để chữa các bệnh như: khiếm thị hoặc chấn thương cột sống, Parkinson, các bệnh về máu và miễn dịch, tiểu đường, ung thư...

Tế bào gốc trưởng thành (tế bào gốc chuyên mô)

Đây là tế bào gốc có tính chất chuyên biệt hơn so với tế bào gốc từ phôi thai. Tế bào gốc trưởng thành là những tế bào chưa được biệt hoá có ở khắp cơ thể người (trẻ em và người trưởng thành), không như tế bào gốc mầm chỉ tìm thấy ở giai đoạn phôi bào. Những tế bào gốc này sẽ sản sinh ra các loại tế bào khác nhau theo nhu cầu của mô hoặc cơ quan chuyên biệt mà chúng khởi nguồn từ đó, chúng có khả năng tái sinh toàn bộ một cơ quan chỉ từ một vài tế bào gốc.

Tế bào gốc trưởng thành

Tế bào gốc trưởng thành cũng giống như tế bào gốc phôi ở khả năng tự tái sinh vô hạn, tự nhân thêm số lượng tế bào giống hệt nhau ở một mô nào đó. Tế bào gốc trưởng thành có một hạn chế đó là: khá khó khăn để chiết xuất và nuôi dưỡng đạt đến số lượng cần thiết so với các tế bào gốc phôi. Tuy nhiên, tế bào gốc trưởng thành thường được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong việc chữa trị các căn bệnh liên quan tới thủ thuật cấy ghép như: bệnh máu trắng, ung thư máu hoặc xương...

Tế bào gốc đa năng cảm ứng (gọi tắt là iPSCs)

Đây là một loại tế bào đa năng, có nguồn gốc sản sinh từ tế bào gốc trưởng thành nhưng lại mang những đặc tính của tế bào gốc phôi thai. IPSCs mang tất cả đặc tính của tế bào gốc mầm nhưng không lấy từ phôi thai, do đó không đụng chạm đến vấn đề đạo đức trong y học. Tế bào gốc đa năng cảm ứng có khả năng sản sinh vô hạn và khả năng làm tăng số lượng của mọi loại tế bào khác trong cơ thể (tế bào thần kinh, tim mạch hay biểu bì da). Tế bào này là một phát hiện mang tính đột phá vượt bậc, nó khắc phục được nhược điểm của tế bào gốc trưởng thành là chỉ sử dụng điều trị tại mô và cơ quan mà chúng khởi nguồn. Ngoài ra, do lấy từ tế bào của chính bệnh nhân nên sẽ không bị chính cơ thể của họ đào thải (từ chối mô ghép – hiện tượng hết sức quan trọng khi cấy ghép tế bào gốc). Hiện nay, các công cuộc thí nghiệm về loại tế bào gốc này vẫn đang được diễn ra.

Tương lai của tế bào gốc trong công cuộc điều trị bệnh

Bản chất của tế bào gốc trong điều trị đó là thay những tế bào bị bệnh hoặc chết. Khi người bệnh được cấy ghép tế bào gốc hoặc những tế bào làm từ tế bào gốc, nhờ khả năng sửa chữa, thay thế hoặc làm mới của tế bào gốc khiến cho bệnh nhân khỏe lại.

Điều trị bệnh bằng tế bào gốc

Ví dụ, với bệnh nhân mắc bệnh về tim, mục tiêu khi điều trị với tế bào gốc đó là sửa chữa sự thiệt hại của trái tim và thay thế bằng các tế bào khỏe mạnh. Bản thân các cơ thể chúng ta vẫn có các tế bào gốc, tuy nhiên khả năng sửa chữa của tế bào gốc mà chúng ta có bị hạn chế. Ví dụ, tế bào gốc của trái tim có thể tự sửa chữa thiệt hại mà nó đang gặp phải, nhưng khi ta đưa vào thêm hàng triệu tế bào gốc thì việc sửa chữa sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Phương pháp điều trị với tế bào gốc có an toàn tuyệt đối?

Khi điều trị bằng tế bào gốc, chúng ta phải đối mặt với 2 nguy cơ đó là sự an toàn (tế bào gốc có khả năng hình thành bướu) và sự tiếp nhận của cơ thể (cơ thể từ chối tế bào gốc). Tuy nhiên, hứa hẹn trong 1 – 2 thập kỷ tiếp theo, sự tiến bộ của y học sẽ khiến tế bào gốc trở thành một phương pháp điều trị bệnh vượt qua tất cả những gì mà con người có thể làm được hiện nay.

Đó là vấn đề của tương lai, còn thực tại tế bào gốc chỉ là một cánh cửa mới được mở ra, chưa có chứng minh khoa học về độ an toàn tuyệt đối của nó. Do đó, cấy ghép tế bào gốc hiện nay thường chỉ tập trung trong các bệnh lý về xương và hệ tạo máu. Việc tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Xem thêm:

  • Vinmec bước đầu thành công ghép tế bào gốc chữa bại não
  • 8 bước lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn ngay cả khi không sinh tại Vinmec
  • Điều trị ung thư buồng trứng bằng tế bào gốc máu tự thân