Tất cả những điều bạn cần biết về tình trạng hạ canxi trong máu

Hạ canxi trong máu là tình trạng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bạn. Nguyên nhân gây bệnh, ai có nguy cơ mắc và bệnh có gây biến chứng gì nguy hiểm không?

Tất cả những điều bạn cần biết về tình trạng hạ canxi trong máu Tất cả những điều bạn cần biết về tình trạng hạ canxi trong máu

Hạ canxi là tình trạng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về tình trạng này. Vậy hạ canxi do nguyên nhân gì, cách điều trị và ngăn ngừa như thế nào, cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Hạ canxi là gì?

Canxi là một trong những chất điện giải của cơ thể - là khoáng chất có khả năng tích điện khi hòa tan trong máu. Hầu hết canxi của cơ thể được lưu trữ trong xương và răng. Chỉ một lượng nhỏ canxi được lưu thông trong máu, nhưng lượng nhỏ canxi này lại vô cùng cần thiết đối với cơ thể và có những vai trò quan trọng như sau:

  • Tham gia vào hoạt động trao đổi chất của các tế bào.
  • Tham gia vào hoạt động của hệ thống thần kinh. Dây thần kinh cần canxi để chuyển tiếp các thông điệp giữa não bộ với bộ phận khác của cơ thể.
  • Tham gia vào hoạt động của các cơ bắp.

Hạ canxi, hay còn được gọi là hạ canxi máu, là tình trạng nồng độ canxi trong máu thấp hơn mức bình thường. Hạ canxi máu có thể là hậu quả của việc cơ thể giảm hấp thu canxi hoặc tăng bài thải canxi.

Biểu hiện của hạ canxi là gì?

Những biểu hiện của hạ canxi mà bạn có thể gặp như sau:

  • Co cứng cơ bắp.
  • Dị cảm ở tứ chi: cảm giác tê rần như bị kim châm hay kiến bò.
  • Thay đổi tâm trạng, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm hoặc cáu kỉnh.
  • Suy giảm trí nhớ.
  • Huyết áp tụt.
  • Nói khó hoặc nuốt khó.
  • Cảm giác mệt mỏi.
  • Hội chứng giống Parkinson (Parkinsonism) với các dấu hiệu như run, co cứng các chi, vận động chậm chạp, giảm các động tác ở tay.
  • Phù nề đĩa thị (thần kinh chi phối cho mắt) có thể ảnh hưởng đến thị lực.

Những biểu hiện của hạ canxi nặng bao gồm:

  • Ngứa ran nhiều nơi, thường gặp ở môi, lưỡi, ngón tay và bàn chân.
  • Đau nhức cơ.
  • Co thắt các cơ ở cổ họng (co thắt thanh quản) có thể dẫn đến khó thở.
  • Chuột rút và co thắt cơ bắp (tetany).
  • Co giật.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Suy tim sung huyết.

Những biểu hiện của hạ canxi trong thời gian dài bao gồm:

  • Da khô có vảy.
  • Móng tay giòn và dễ gãy.
  • Tóc thô cứng.
  • Sỏi thận hoặc lắng đọng canxi ở nhiều nơi trong cơ thể.
  • Mất trí nhớ.
  • Đục thủy tinh thể.
  • Bệnh chàm.
  • Chuột rút cơ bắp ở vùng lưng và chân thường xuyên.

Tuy nhiên, một số trường hợp hạ canxi có thể không có bất kỳ biểu hiện nào. Nguyên nhân là do nồng độ canxi trong máu lúc này chưa đủ thấp để gây ra các biểu hiện mà bạn có thể nhận thấy được.

vicare.vn-ngan-ngua-hieu-qua-tinh-trang-ha-canxi-body-1

Nguyên nhân gây hạ canxi là gì?

Nguyên nhân phổ biến nhất của hạ canxi là do suy tuyến cận giáp, xảy ra khi tuyến cận giáp tiết ra một lượng hormone tuyến cận giáp (PTH) ít hơn bình thường. Hormone PTH có tác dụng làm tăng canxi trong máu để đối phó với tình trạng hạ canxi. Do đó, nồng độ hormone PTH thấp sẽ dẫn đến việc canxi trong máu bị hạ. Tình trạng suy tuyến cận giáp có thể do các lý do sau đây:

  • Suy tuyến cận giáp bẩm sinh: không có tuyến cận giáp khi sinh, chẳng hạn như trong hội chứng DiGeorge.
  • Tuyến cận giáp bị vô ý cắt bỏ trong phẫu thuật cắt tuyến giáp, do tuyến cận giáp khá nhỏ và nằm ngay mặt sau của tuyến giáp nên trong quá trình phẫu thuật cắt tuyến giáp rất dễ xảy ra nhầm lẫn này.
  • Các bệnh lý ung thư ở vùng đầu và cổ.

Ngoài suy tuyến cận giáp, hạ canxi còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra, bao gồm:

  • Không cung cấp đủ lượng canxi hoặc vitamin D trong chế độ ăn uống của bạn. Riêng vitamin D còn có thể được cung cấp thông qua việc da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vitamin D là một chất rất quan trọng trong việc hỗ trợ hấp thu canxi cho cơ thể, nếu thiếu vitamin D thì cơ thể sẽ rất khó để hấp thu được canxi.
  • Hạ magiê máu gây suy giảm hoạt động của hormone PTH trong việc duy trì ổn định nồng độ canxi trong máu.
  • Nhiễm trùng.
  • Viêm tụy.
  • Tập thể dục với cường độ cao.
  • Căng thẳng thường xuyên.
  • Rối loạn lo âu.
  • Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như phenytoin, phenobarbital, rifampin, alendronate, ibandronate, risedronate, acid zoledronic, calcitonin, chloroquine...
  • Tiêu chảy, táo bón hoặc các rối loạn đường tiêu hóa khác ngăn cơ thể bạn hấp thu canxi đầy đủ.
  • Rối loạn chức năng thận, dẫn đến đào thải quá nhiều canxi qua nước tiểu và khiến thận không thể hoạt hóa được vitamin D thành dạng hoạt động (dạng duy nhất của vitamin D có thể giúp hấp thu được canxi).
  • Các bệnh lý ung thư đã di căn.

Những ai có nguy cơ bị hạ canxi?

Những trường hợp có nguy cơ bị hạ canxi cao hơn những người khác, bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, vì nhu cầu canxi lúc này tăng cao do canxi cần cho cả bà mẹ lẫn đứa con nên có thể không được cung cấp đầy đủ.
  • Trẻ sơ sinh, vì cơ thể của trẻ còn chưa hoạt động tốt ngay sau sinh, đặc biệt đối với những trẻ có bà mẹ bị đái tháo đường.

Làm thế nào để chẩn đoán hạ canxi?

Để chẩn đoán hạ canxi, bác sĩ có thể sử dụng các bài kiểm tra về thể chất và tinh thần nhằm phát hiện ra các dấu hiệu của hạ canxi.

Một bài kiểm tra về thể chất có thể bao gồm:

  • Tóc thô cứng.
  • Da khô tróc vảy.
  • Móng giòn.
  • Cơ bắp tăng trương lực.
  • Nhịp tim bất thường.

Một bài kiểm tra về tinh thần có thể bao gồm:

  • Suy giảm trí nhớ.
  • Ảo giác.
  • Lú lẫn.
  • Cáu gắt.
  • Co giật.

Bác sĩ cũng có thể thực hiện hai dấu hiệu Chvostek và Trousseau. Đây là các dấu hiệu có liên quan đến hạ canxi.

  • Dấu hiệu Chvostek là một phản ứng co giật nhẹ cơ mặt khi các dây thần kinh mặt bị kích thích bằng cách gõ.
  • Dấu hiệu Trousseau là một cơn co thắt ở tay hoặc chân xuất hiện do thiếu máu cục bộ hay hạn chế cung cấp máu cho các mô.

Bên cạnh đó, hạ canxi còn có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu để đo nồng độ canxi, trước khi các biểu hiện của hạ canxi xuất hiện và trở nên rõ ràng. Đo nồng độ canxi trong máu là một phương pháp xác định tình trạng hạ canxi rất chính xác. Đây là một xét nghiệm đơn giản và có giá thành rẻ nên rất nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện được xét nghiệm này.

Ngoài ra, xét nghiệm máu còn được thực hiện để đánh giá chức năng thận và đo nồng độ của các chất liên quan như hormone PTH và vitamin D. Các chất khác trong máu có thể được đo để giúp xác định nguyên nhân của hạ canxi.

Kết hợp giữa các bài kiểm tra về thể chất và tinh thần với xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng hạ canxi của bạn.

Hạ canxi được điều trị như thế nào?

vicare.vn-ngan-ngua-hieu-qua-tinh-trang-ha-canxi-body-2

Trong hầu hết các trường hợp, hạ canxi có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp hạ canxi nghiêm trọng và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng, do đó đòi hỏi bạn không được chủ quan.

Các phương pháp điều trị cụ thể cho hạ canxi bao gồm:

Thuốc và chế độ ăn uống

Nhiều trường hợp hạ canxi có thể dễ dàng được điều trị bằng việc sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống.

Uống thuốc có chứa canxi và vitamin D, cũng như sử dụng các loại thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng này có thể giúp điều trị được hạ canxi.

Nếu bạn bị hạ canxi nặng, rất có thể bác sĩ sẽ bổ sung canxi cho bạn thông qua việc tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

Bên cạnh đó, việc dành thời gian dưới ánh nắng mặt trời lúc sáng sớm sẽ làm tăng sản xuất vitamin D cho cơ thể của bạn. Bạn chỉ nên cho da tiếp xúc với ánh nắng lúc sáng sớm vì ánh nắng vào thời điểm này thường rất dễ chịu và có rất ít tia cực tím - tác nhân chủ yếu gây ung thư da, khác với ánh nắng vào buổi trưa và buổi chiều.

Điều trị nguyên nhân gây hạ canxi

Nếu một nguyên nhân gây hạ canxi được xác định, việc điều trị nguyên nhân này có thể giúp tình trạng hạ canxi của bạn mau chóng chấm dứt và ít bị tái phát.

Hạ canxi có nguy hiểm không?

Thông thường, tình trạng hạ canxi sẽ khỏi nếu bạn được điều trị tốt. Hạ canxi tuy có một số biểu hiện khá nghiêm trọng nhưng hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, nó sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Riêng đối với những người bị hạ canxi mãn tính có thể phải dùng thuốc trong suốt cuộc đời của họ.

Những người thường xuyên bị hạ canxi máu có nguy cơ mắc bệnh loãng xương vì xương của họ sẽ giải phóng canxi vào máu để giúp làm tăng nồng độ canxi trong máu.

Các biến chứng khác của hạ canxi bao gồm:

  • Sỏi thận.
  • Suy thận.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Rối loạn hệ thống thần kinh gây ra các biến chứng về thần kinh và tâm thần, chẳng hạn như lú lẫn, mất trí nhớ, mê sảng, trầm cảm, ảo giác...

Tuy nhiên, các biến chứng trên vẫn còn khả năng khỏi hoàn toàn nếu được điều trị.

Làm thế nào để ngăn ngừa hạ canxi?

vicare.vn-ngan-ngua-hieu-qua-tinh-trang-ha-canxi-body-3

Hạ canxi có thể được ngăn ngừa một cách hiệu quả dựa vào các biện pháp sau đây.

Bổ sung canxi trong chế độ ăn uống

Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng hạ canxi bằng cách bổ sung đầy đủ lượng canxi thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Hãy lưu ý rằng các thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như sữa và các sản phẩm được làm từ sữa, cũng có thể có nhiều chất béo bão hòa, do đó bạn nên lựa chọn các thực phẩm giàu canxi nhưng không có hoặc có rất ít chất béo nhằm ngăn ngừa tình trạng tăng cholesterol máu – một nguy cơ cao dẫn đến các bệnh lý tim mạch. Bạn có thể bổ sung được từ 1/4 đến 1/3 nhu cầu canxi được khuyến cáo hàng ngày thông qua một khẩu phần sữa tươi và sữa chua.

Các loại thực phẩm giàu canxi khác bao gồm:

  • Cá mòi (trong dầu) 106 gam có chứa 351 mg canxi.
  • Cá hồi (cá hồi hồng, đóng hộp, có xương) 85 gam có chứa 183 mg canxi.
  • Đậu phụ (không cứng) 1/3 chén (80 ml) có chứa 434 mg canxi.
  • Đậu Edamame (đông lạnh) 1 chén (240 ml) có chứa 71 - 98 mg canxi.
  • Đậu trắng 1 chén có chứa 161 mg canxi.
  • Cải rổ (nấu chín) 1 chén có chứa 268 mg canxi.
  • Bông cải xanh (nấu chín) 1 chén có chứa 62 mg canxi.
  • Quả sung (sấy khô) 5 quả sung có chứa 68 mg canxi.
  • Nước cam vắt 1 ly (240 ml) có chứa 364 mg canxi.
  • Bánh mì ngũ cốc 1 lát (27 gam) có chứa 36 mg canxi.

Bên cạnh đó, canxi còn được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác như bông cải xanh, cải xoăn, mì ống, ngũ cốc, đậu nành... Để biết một loại thực phẩm nào đó có canxi hay không và lượng canxi bao nhiêu, bạn có thể kiểm tra trên nhãn của thực phẩm đó.

Nhu cầu canxi (tính theo mg) được khuyến cáo hàng ngày trong chế độ ăn uống như sau:

  • Trẻ dưới 7 tháng: 200 mg
  • Trẻ từ 7 đến 12 tháng: 260 mg
  • Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 700 mg
  • Trẻ từ 4 đến 8 tuổi: 1.000 mg
  • Trẻ từ 9 đến 13 tuổi: 1.300 mg
  • Thanh thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi: 1.300 mg
  • Người lớn từ 19 đến 50 tuổi: 1.000 mg
  • Nam giới từ 51 đến 70 tuổi: 1.000 mg
  • Phụ nữ từ 51 đến 70 tuổi: 1.200 mg
  • Người lớn từ 71 tuổi trở lên: 1.200 mg
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú: 1.200 mg

Mặc dù việc bổ sung đầy đủ canxi theo nhu cầu của cơ thể là một điều vô cùng cần thiết, tuy nhiên cần đảm bảo rằng bạn không được bổ sung quá nhiều. Do khi bổ sung quá nhiều canxi có thể gây táo bón, cũng như làm giảm khả năng hấp thu sắt và kẽm của cơ thể và có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Một số nghiên cứu đã nghi ngờ rằng những người bổ sung một lượng canxi cao có thể tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt và bệnh tim mạch, nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu mới để có thể làm sáng tỏ vấn đề này. Tuy nhiên, một điều khá may mắn là hầu hết mọi người đều khó có thể bổ sung quá giới hạn lượng canxi thông qua một chế độ ăn uống thông thường. Việc bổ sung quá nhiều canxi chủ yếu là do lạm dụng các thuốc có chứa canxi.

Sau đây là giới hạn lượng canxi tối đa mà bạn có thể bổ sung được hàng ngày.

  • Trẻ dưới 7 tháng: 1.000 mg
  • Trẻ từ 7 đến 12 tháng: 1.500 mg
  • Trẻ từ 1 đến 8 tuổi: 2.500 mg
  • Trẻ từ 9 đến 18 tuổi: 3.000 mg
  • Người lớn từ 19 đến 50 tuổi: 2.500 mg
  • Người lớn từ 51 tuổi trở lên: 2.000 mg
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú: 2.500 mg.

Bổ sung vitamin D

Vitamin D rất quan trọng vì nó làm tăng tốc độ hấp thu canxi vào máu của bạn.

Do đó để ngăn ngừa tình trạng hạ canxi, bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin D vào chế độ ăn uống của mình. Các thực phẩm giàu vitamin D bao gồm:

  • Cá có dầu, chẳng hạn như cá hồi hay cá ngừ.
  • Nước cam vắt.
  • Sữa tươi.
  • Nấm Portobello.
  • Trứng.

Cũng như các sản phẩm sữa giàu canxi, một số sản phẩm sữa giàu vitamin D cũng có thể có nhiều chất béo bão hoà không tốt cho sức khoẻ nên bạn cần lưu ý.

Ngoài ra, bạn cũng nên cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào lúc sáng sớm để kích thích cơ thể tăng sản xuất vitamin D.

Thay đổi lối sống

Ngoài việc tích cực bổ sung canxi và vitamin D, việc thay đổi lối sống cũng có thể giúp bạn ngăn ngừa tình trạng hạ canxi. Một số thay đổi trong lối sống bao gồm:

  • Duy trì trọng lượng cơ thể cân đối và khoẻ mạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá và rượu bia.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Healthline - MSD Manuals - NIH - WHO)

Xem thêm:

  • Những trường hợp nào có nguy cơ hạ canxi máu?
  • Canxi trong chế độ dinh dưỡng của con bạn