Tăng 250% ca sốt xuất huyết tại Tp Hồ Chí Minh: Làm gì để phòng tránh?

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình trạng dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam đang ở mức báo động do số người nhiễm bệnh trên cả nước gia tăng liên tục, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh. Tính từ đầu năm tới 14/2/2019, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại thành phố Hồ Chí Minh tăng 249%, đặc biệt có 2 ca đã tử vong.

Tăng 250% ca sốt xuất huyết tại Tp Hồ Chí Minh: Làm gì để phòng tránh? Tăng 250% ca sốt xuất huyết tại Tp Hồ Chí Minh: Làm gì để phòng tránh?

Bạn biết gì về bệnh sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm và vật trung gian truyền bệnh chính là muỗi vằn (tên khoa học là muỗi Aedes aegypti). Đây là loại muỗi sống gần con người, thường ở xung quanh nhà và nơi làm việc của con người.

Vi-rút sốt xuất huyết được chia làm 4 loại hay còn gọi là 4 tuýp khác nhau và chúng đều có khả năng gây bệnh cho người. Một người nếu trước đó đã từng bị mắc bệnh do 1 tuýp vi-rút gây ra, sau đó bị nhiễm tiếp 1 tuýp vi-rút khác thì rất dễ phát triển thành bệnh sốt xuất huyết thể nặng.

vicare.vn-tang-250-so-nguoi-mac-benh-sot-xuat-huyet-tai-tp-ho-chi-minh-lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-body-1

Báo động bệnh sốt xuất huyết tại TP HCM

Những tháng sau Tết là giai đoạn chuyển mùa với thời tiết mưa ẩm tạo điều kiện rất thuận lợi muỗi phát triển và gia tăng về số lượng cá thể. Tại thành phố Hồ Chí Minh, điểm nóng dịch bệnh sốt xuất huyết đang tập trung tại quận 7, quận 12, huyện Hóc Môn

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán hằng năm là chu kỳ đi xuống của dịch bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên thực trạng năm 2019, số ca mắc bệnh tại bệnh viện vẫn luôn ở mức báo động.

Số ca mắc sốt xuất huyết chỉ trong tuần vừa qua (8-14/2) được ghi nhận là 713 trường hợp. Tổng số ca bệnh từ đầu năm 2019 đến nay là vào khoảng 6.733 ca, thống kê cùng kỳ năm 2018 chỉ có khoảng 1.931 ca. Như vậy, số người mắc sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh đã tăng 249% với 2 ca tử vong.

Vì sao tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, bất thường?

Tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết gia tăng được cơ bản nhận định là do các tác động tiêu cực từ hệ lụy biến đổi khí hậu, các vấn nạn ô nhiễm môi trường, quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa và tình trạng di dân tự do. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan nhất vẫn là do sự thiếu ý thức phòng bệnh của cộng đồng, điều này vô tình tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh có điều kiện sinh sôi phát triển thuận lợi và gây bệnh cho người.

Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe cộng đồng?

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là một bệnh phổ biến, đặc biệt là ở khu vực duyên hải miền Trung và miền Nam. Do chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh, phương pháp kiểm soát sốt xuất huyết chủ yếu sử dụng các biện pháp xua muỗi, diệt muỗi, diệt bọ gậy và sử dụng các biện pháp hoá học khi xuất hiện các ổ dịch.

Nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trên diện rộng, ngành y tế thành phố đã và đang kêu gọi người dân cùng hợp tác với cơ quan y tế, chính quyền địa phương trong việc phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực có ổ dịch, nơi tập trung các hộ gia đình, cơ quan - xí nghiệp, trường học - ký túc xá, khu công nghiệp, nhà trọ... thường xuyên triển khai các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi.

vicare.vn-tang-250-so-nguoi-mac-benh-sot-xuat-huyet-tai-tp-ho-chi-minh-lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-body-2

Sở Y tế phối hợp với các Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh đã ra khuyến cáo về các biện pháp dự phòng hữu hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết là:

  • Đậy kín hoặc lật úp các vật dụng chứa nước sạch để muỗi không đẻ trứng. Thường xuyên súc rửa và thay nước các dụng cụ nước sử dụng hàng ngày. Thả cá vào các bể nước hòn non bộ để cá diệt lăng quăng. Sắp xếp gọn gàng hoặc loại bỏ các vật phế liệu như chai, lọ, hộp... thu gom và tiêu hủy các vật phế thải khác xung quanh nhà.
  • Mỗi hộ gia đình cần chủ động diệt muỗi bằng các phương pháp truyền thống như: dùng bình xịt, vợt điện, máy xua muỗi. Các thành viên cần tránh để muỗi đốt ban ngày lẫn ban đêm bằng cách sử dụng kem/ xịt chống muỗi. Đốt nhang muỗi và đặt gần cửa để muỗi không bay vào nhà hoặc nơi làm việc. Nên mặc quần áo dài tay, màu sắc tươi sáng (đặc biệt vào lúc sáng sớm và chiều tối). Ngủ mùng cả đêm và ngày. Đối với một số hộ gia đình có điều kiện, nên sử dụng cửa lưới chống muỗi bay từ ngoài vào.
  • Đặc biệt: cần đến các cơ sở y tế để thăm khám khi có triệu chứng sốt cao đột ngột trong 2 - 7 ngày, dùng thuốc hạ sốt vẫn không thuyên giảm, kèm theo một trong số các triệu chứng như: nhức đầu, đau nhức cơ khớp, nổi ban da, chấm xuất huyết dưới da (ấn vào không mất đi), chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu chân răng... Đối với gia đình có người thân mắc bệnh sốt xuất huyết, cần thông báo cho trạm y tế địa phương gần nhất để có giải pháp khoanh vùng và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan và bùng phát trên diện rộng.

Xem thêm:

  • Trị ngứa sau khi bị sốt xuất huyết như thế nào?
  • Phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết
  • Sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà không?