Tại sao ung thư vòm họng dễ tái phát?
Sau khi điều trị xong ung thư vòm họng cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta đã chữa khỏi hẳn căn bệnh này. Vì vậy việc, theo dõi và kiểm tra sức khỏe thường xuyên cũng như phòng ngừa tránh tái phát là điều vô cùng cần thiết.
Tại sao ung thư vòm họng dễ tái phát?
Ung thư vòm họng
Vòm họng là đoạn nối mũi với họng. Ung thư vòm họng có thể phát triển nhanh hoặc chậm. Ung thư vòm họng phát triển nhanh có thể phá hủy các mô bình thường ở xung quanh và lan sang các khu vực khác của cơ thể (di căn). Người châu Á và Bắc Phi có nguy cơ bị ung thư vòm họng cao. Hút thuốc, uống rượu quá nhiều, không khí ô nhiễm và nhiễm độc mũi - họng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Bệnh rất khó được phát hiện và thông thường, khi phát hiện, khối u đã phát triển lớn.
>>> Xem thêm: Ung thư vòm họng là gì
Nguyên nhân gây bệnh ung thư vòm họng
Hiện tại, chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây ung thư vòm họng tuy nhiên có rất nhiều giả thiết:
Do virus: Virus Epstein - Barr có liên quan đến ung thư vòm họng. Qua nhiều nghiên cứu thấy ung thư vòm họng có liên quan đến virus Epstein – Barr (EBV). Kháng thể chống virus EBV cao ở các bệnh nhân ung thư vòm họng loại biểu mô không biệt hoá.
Yếu tố di truyền. Nhiều trường hợp ung thư vòm họng được phát hiện trong một gia đình. Tỉ lệ tăng cao của kháng nguyên HL - A2 ở vị trí thứ nhất và sự thiếu hụt ở vị trí thứ hai của kháng nguyên BW46 hình như tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện ung thư vòm họng.
Do môi trường. Môi trường tác động gây bệnh ung thư vòm họng. Kiều dân Trung Quốc di tản sang Mỹ ít bị ung thư vòm họng hơn ở trong nước làm cho người ta nghĩ tới vai trò của môi trường tác động vào bệnh này. Tổn thương chức năng tế bào lympho T kèm theo nhiễm EBV mãn tính là hai yếu tố nguy cơ cao đã được xác định.
Thức ăn và cách chế biến được cho có liên quan tới ung thư vòm họng. Thức ăn chế biến qua các khâu lên men như rượu, bia, cá muối, dưa khú, nước mắm có chứa nhiều chất Nitrosamin có liên quan đến một số loại ung thư của đường tiêu hoá, và ung thư vòm họng.
Độ tuổi: Ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thấp nhất là 5 tuổi và cao nhất là 85 tuổi. Tuy nhiên, lứa tuổi hay gặp nhất từ 30 - 55 chiếm tỉ lệ 70%.
Giới tính: Bệnh gặp ở cả hai giới, tuy nhiên tỉ lệ nam/nữ = 2,5/1.
Phương pháp điều trị
Tùy theo tình trạng của bệnh nhân cũng như giai đoạn phát triển của bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị hợp lý. Một số phương pháp điều trị hiện đang được áp dụng.
Xạ trị đơn thuần:
Chỉ định cho các giai đoạn sớm T1, T2, N0, N1, M0
Kỹ thuật xạ trị: Dùng liều 2Gy ngày, 10Gy tuần, tổng liều xạ cho T1, T2: 65 - 70Gy; N0: 50Gy; N1: 60 - 65Gy.
Hoá trị kết hợp với xạ trị:
Chỉ định cho các giai đoạn muộn T3, T4, N2, N3 và một số trường hợp M1.
Các hoá chất chủ yếu theo phác đồ 5FU kết hợp với Cisplatine, ba đợt sau đó chuyển sang xạ trị phối hợp.
Kỹ thuật xạ trị như trên, tổng liều xạ cho T3, T4 từ 70 - 75Gy; N2, N3 trung bình 65 - 70Gy, thời gian 7 - 8 tuần.
Phẫu thuật
Chỉ định cho các trường hợp hạch còn sót lại sau xạ trị 2 tháng.
Nguy cơ ung thư vòm họng tái phát
Vì ung thư vòm họng có nguy cơ tái phát cao nên việc thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh cũng như tích cực phòng bệnh sau khi điều trị là điều vô cùng cần thiết.
Đặc biệt cần tránh: sử dụng thuốc lá, chất kích thích, tránh các môi trường độc hại và chú ý tới việc vệ sinh cũng như nghiêm túc điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Người bệnh ung thư vòm họng nên chú ý đi khám lại thường xuyên để theo dõi sức khỏe và nhằm hỗ trợ điều trị , ngăn ngừa và phát hiện sớm khi xuất hiện những dấu hiệu ung thư tái phát.
Khi tái khám kiểm tra định kỳ, người bệnh có thể được khám vị trí khối u nguyên phát ở vùng vòm họng, cổ, chụp MRI, chụp CT, chụp X-quang ngực, chức năng tuyến giáp, chức năng tuyến yên đối với những người từng điều trị bức xạ vùng cổ, đồng thời thực hiện các xét nghiệm, đánhgiá các chức năng thần kinh sọ não, thị lực, thính lực, tình trạng răng và vệ sinh răng miệng,...
Thời gian khám định kỳ của bệnh nhân ung thư vòm họng sau điều trị được các bác sĩ khuyên là:
Nếu là năm thứ nhất sau điều trị bệnh thì cứ cách 1 – 3 tháng tái khám một lần.
Nếu là năm thứ hai thì cách 2 – 4 tháng tái khám.
Nếu là năm thứ ba là 4 – 6 tháng tái khám
Sau 5 năm thì cách 6 – 12 tháng tái khám một lần để hỗ trợ phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.
Điều trị ung thư vòm họng tái phát
Các bệnh nhân ung thư vòm mũi họng phát triển dai dẳng kéo dài, sau khi điều trị lần đầu xong, trong vòng 4 tháng sau, nếu kiểm tra lại vẫn còn tồn tại tế bào ung thư trong vòm họng hoặc trường hợp ung thư biểu mô vòm họng tái phát sau 4 tháng điều trị bệnh, khi kiểm tra lại khu vực vòm họng có tế bào ác tính thì sẽ được các bác sĩ chỉ định điều trị ung thư tái phát.
Phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh nhân ung thư vòm họng tái phát là xạ trị ngoài nhắc lại với trường chiếu nhỏ và tập trung, có liều lượng khá hạn chế và kết hợp với xạ trị áp sát nếu người bệnh đáp ứng đủ những điều kiện để thực hiện.
Phương pháp hóa trị cũng có thể được cân nhắc bổ sung kết hợp nếu phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh và sức khỏe tổng quát của từng bệnh nhân.
Người bệnh ung thư vòm họng tái phát cũng có thể được phẫu thuật xạ trị định vị bằng máy gia tốc SRS hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u nếu được. Việc cân nhắc này là do vòm họng nằm ở vị trí khuất sâu, khó can thiệp nên phương pháp phẫu thuật ít khi được áp dụng mà chủ yếu chỉ dùng để nạo vét hạch cổ hoặc điều trị giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân.