Tại sao tập thể dục giúp ngăn đường huyết tăng cao?
Không chỉ dùng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý mới tác động tích cực đến bệnh tiểu đường mà tập thể dục cũng giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát được lượng đường trong máu. Vậy, tại sao tập thể dục giúp ngăn đường huyết tăng cao?
Tại sao tập thể dục giúp ngăn đường huyết tăng cao?
Tại sao tập thể dục giúp ngăn đường huyết tăng cao?
Đái tháo đường (hay tiểu đường) là một bệnh mạn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của bạn luôn cao hơn mức bình thường do tuyến tụy trong cơ thể không sản sinh đủ hormone insulin, hoặc cơ thể không còn sử dụng insulin hiệu quả. Khi không có đủ lượng insulin cần thiết, cơ thể sẽ phải “vật lộn” để chuyển đổi đường trong máu thành năng lượng.
Các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa thường khuyên người bệnh đái tháo đường tập thể dục thường xuyên để kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn, ngăn đường huyết tăng cao, đồng thời làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng.
Nguyên nhân là bởi tập thể dục sẽ kích thích cơ bắp sử dụng nhiều glucose, dùng nó để tạo năng lượng cho dù insulin có sẵn hay không và giúp tăng nhạy cảm với insulin máu đồng thời làm tăng tác dụng của insulin khiến nhu cầu về insulin của cơ thể sẽ giảm đi.
Chính vì những lý do này, tập thể dục có thể giúp làm hạ glucose trong máu ngắn hạn, ngăn đường huyết tăng cao và khi bạn hoạt động đều đặn thường xuyên, nó cũng có thể giúp bạn làm giảm lượng đường trong máu.
Người đái tháo đường nên tập thể dục như thế nào là hợp lý?
Theo các chuyên gia y tế, mỗi bệnh nhân bị đái tháo đường có khả năng vận động khác nhau nên cần được sự tư vấn của bác sĩ để lựa chọn môn vận động phù hợp.
Nếu tập không đúng, không phù hợp với sức khỏe thì người bệnh đái tháo đường có thể gặp các nguy cơ như: Đau ngực do gắng sức; huyết áp quá cao hay quá thấp; tăng hoặc hạ đường huyết quá mức; làm nặng hơn tổn thương đáy mắt, xuất huyết võng mạc; làm tăng tiểu đạm; loét chân, tổn thương gân, xương và khớp. Thông thường người bệnh đái tháo đường cần tập luyện, phối hợp các kiểu tập khác nhau, tập nặng tăng dần, tập đều đặn và thường xuyên.
Điều lưu ý, lựa chọn thời điểm tập trong ngày: Tùy thời gian làm việc trong ngày nhưng không tập ngay sau bữa ăn chính, không tập quá xa bữa vì nguy cơ hạ đường huyết, tránh đỉnh tác dụng của insulin nếu đang dùng insulin tiêm, nếu tập ngoài trời nên tránh thời điểm quá nóng hoặc quá lạnh.
- Trước khi tập chính nên có giai đoạn khởi động 20-30 phút (làm nóng), tập các động tác nhẹ hay tập giãn cơ tại chỗ. Sau buổi tập cần có giai đoạn thư giãn (làm nguội) 5-10 phút, chủ yếu là tập các động tác nhẹ hay tập giãn cơ tại chỗ.
- Uống đủ nước trước, trong và sau quá trình tập để bạn tránh gặp tình trạng mất nước.
- Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ giai đoạn nào của việc hạ đường huyết. Luôn mang theo những thứ có thể giúp tăng đường huyết như kẹo cứng, thuốc đường hoặc 100ml nước ép hoa quả.
- Đeo máy theo dõi sức khỏe để đề phòng trường hợp khẩn cấp, dịch vụ cấp cứu có thể áp dụng các biện pháp chữa trị thích hợp và kịp thời cho bạn.
- Không tập đi trên nền đá cứng, chọn giày mềm, không trơn trượt và luôn kiểm tra bàn chân sau mỗi buổi tập.
Những môn tập thể dục hữu ích đối với người bệnh đái tháo đường
Người mắc bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh hiệu quả hơn bằng cách thường xuyên đi bộ nhanh. Bài tập này dễ thực hiện lại không tốn quá nhiều sức nhưng vẫn giúp cơ thể được vận động. Ngoài ra, đi bộ nhanh còn giúp giảm lượng mỡ trong máu, tăng cường trao đổi chất, tăng khả năng miễn dịch, tăng cường quá trình tiêu hóa... Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, đi bộ nhanh là một bài tập đơn giản nhưng có thể giúp kiểm soát đường huyết, ngăn đường huyết tăng cao một cách hiệu quả.
- Các bài tập thể dục nhịp điệu (aerobic) như đạp xe, bơi lội, chạy bộ, khiêu vũ... cũng khiến bạn phải sử dụng nhiều nhóm cơ lớn trong cơ thể, từ đó làm giảm lượng đường trong máu một cách tự nhiên. Tốt hơn hết, người bệnh tiểu đường nên tập các bài tập thể dục nhịp điệu ở cường độ vừa phải, vừa đủ để làm tăng nhịp tim và khiến cơ thể đổ mồ hôi.
- Bên cạnh các bài thể dục như bơi lội, đi bộ nhanh, tập thể dục nhịp điệu... một số hoạt động trong gia đình như làm vườn, dọn dẹp nhà cửa... cũng có thể được coi là cách tập luyện tốt với bệnh nhân đái tháo đường.
- Theo lời khuyên của các chuyên gia Trung tâm Y tế Quốc gia Anh (NHS), dù có lựa chọn cách tập luyện nào, người bệnh đái tháo đường cũng nên nhắm mục tiêu vận động ít nhất 150 phút/tuần để tác dụng kiểm soát đường huyết được tốt nhất.
Có thể coi tập thể dục đều đặn là “liều thuốc” tự nhiên hiệu quả, không tốn chi phí mà người bệnh đái tháo đường nên áp dụng. Nhưng bên cạnh đó, người bệnh vẫn cần kiểm soát tốt cả chế độ ăn uống, dùng thuốc đúng cách, kiểm soát tâm trạng và các bệnh đi kèm đái tháo đường như tim mạch, tăng huyết áp, mỡ máu cao... để diễn biến bệnh thuận lợi hơn.
Xem thêm:
- Phòng bệnh tiểu đường với 8 loại bánh mỳ có GI thấp
- Những xét nghiệm cần làm đối với bệnh tiểu đường
- Có phải ăn cơm trắng gây ra bệnh tiểu đường