Tại sao người lớn cũng nên đi tiêm phòng vacxin sởi
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch. Căn bệnh này thường gặp ở trẻ em và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Việc tiêm phòng vacxin sởi là điều cần thiết để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh. Tiêm phòng sởi cũng đã được đưa vào trong lịch tiêm chủng quốc gia dành cho trẻ em
Tại sao người lớn cũng nên đi tiêm phòng vacxin sởi
. Vậy tại sao người lớn cũng nên đi tiêm phòng vacxin sởi?
1. Tại sao người lớn cũng nên tiêm phòng vacxin sởi?
Tiêm phòng vacxin sởi là cách phòng bệnh sởi hiệu quả nhất hiện nay, bởi sau khi tiêm phòng đầy đủ, cơ thể sẽ có được miễn dịch tốt nhất. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vacxin sởi là loại vacxin rất hiệu nghiệm. Theo đó, khi tiêm 1 liều thì có khoảng 93% trẻ sẽ được ngăn ngừa bệnh, khi tiêm 2 liều thì có đến 97% trẻ sẽ được ngăn ngừa bệnh.
Cũng theo CDC ước tính trước khi có chương trình tiêm chủng, thì mỗi năm có tới 3-4 triệu người mắc bệnh sởi, và có đến khoảng 400 - 500 người trong số đó bị tử vong. Một câu hỏi được đặt ra đó là: bệnh sởi thường xảy ra ở trẻ em, và bệnh sởi đã được đưa vào trong lịch tiêm phòng mở rộng cho trẻ em, vậy tại sao người lớn cũng nên đi tiêm vacxin phòng sởi?
Bệnh sởi tuy thường gặp ở trẻ em, song cũng có thể bắt gặp ở người lớn do chưa tiêm phòng vac xin sởi hoặc đã tiêm rồi nhưng chưa tiêm đủ liều. Chính vì vậy những người lớn cũng cần tiêm vacxin phòng sởi. Sau khi tiêm đủ hai liều, bạn sẽ có được miễn dịch với căn bệnh này suốt đời. Việc làm này không chỉ giúp bản thân được phòng bệnh, mà còn làm hạn chế khả năng lây lan và bùng phát bệnh thành dịch.
Đặc biệt là đối với những chị em phụ nữ trong độ tuổi vị thành niên, đang trong độ tuổi sinh nở sinh sống, làm việc hoặc học tập ở những nơi đông người như sinh viên, nhân viên văn phòng, công nhân,... nên tiêm vacxin phòng bệnh sởi. Cần phải tiêm trước khi mang thai ít nhất 3 tháng, để phòng bệnh cho bản thân, có một thai kỳ khỏe mạnh và em bé khi sinh ra, trong 6 tháng đầu cũng có được miễn dịch do mẹ truyền cho qua sữa.
Bởi theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết có những trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi (chưa tới tuổi tiêm chủng - 9 tháng tuổi) đã mắc sởi là do mẹ không có miễn dịch, nên không thể truyền miễn dịch sang cho con được. Tỷ lệ trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh sởi đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Cụ thể:
- Các năm trước đây chỉ có khoảng 3% trẻ mắc bệnh sởi là dưới 9 tháng tuổi.
- Năm 2016 - 2017, tỷ lệ này đã tăng lên gần 20%.
- Năm 2017, riêng ở Hà Nội ghi nhận có 83 ca mắc sởi, thì có đến một phần ba là các trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.
Chính vì vậy mà sắp tới, ông Nguyễn Thành Long sẽ đề nghị với Cục Y tế dự phòng về việc tiêm phủ vacxin phòng sởi ở người lớn, trong đó đặc biệt tập trung vào các bà mẹ chuẩn bị mang thai, để trẻ có được miễn dịch do mẹ truyền cho trong những tháng đầu chưa tiêm chủng.
Trường hợp nào không nên tiêm vacxin phòng bệnh sởi?
- Phụ nữ đang mang thai không nên tiêm phòng vacxin sởi cho đến khi sinh con.
- Những người bị dị ứng với vacxin. Nếu bạn không biết mình có nằm trong trường hợp này hay không thì hãy nhờ sự tư vấn của các bác sĩ.
Trường hợp đã bị phơi nhiễm sởi nhưng lại chưa tiêm phòng sởi thì có nên tiêm vacxin phòng sởi nữa hay không?
Tình trạng phơi nhiễm là khi chúng ta tiếp xúc với người đang bị bệnh sởi hoặc tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Khi này, người phơi nhiễm sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh, chứ chưa thể khẳng định chắc chắn là sẽ bị bệnh. Chính vì vậy những người bị phơi nhiễm rất cần được tiêm phòng, phải tiêm trong vòng 72h đầu ngay sau khi phơi nhiễm thì mới có hiệu quả phòng bệnh.
2. Người lớn có thể sử dụng những loại vacxin phòng bệnh sởi nào?
Trên thế giới hiện nay đã có hàng chục loại vacxin phòng bệnh sởi ở dạng đơn hoặc dạng phối hợp. Tại Việt Nam có 03 loại vacxin sởi thường dùng đó là:
- Vacxin sởi dạng đơn MVVAC: loại này được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Loại này được tiêm cho trẻ mũi đầu tiên lúc 9 tháng tuổi.
- Vacxin phối hợp 2 trong 1: vắc xin Sởi - Rubella (MR) được tiêm cho trẻ lớn hơn 12 tháng tuổi. Loại vacxin này cũng được sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia, là mũi tiêm thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Khi tiêm loại vacxin này, cơ thể sẽ có miễn dịch với bệnh sởi và cả bệnh Rubella.
- Vacxin phối hợp 3 trong 1: vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella (MMR) được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Loại vacxin này không được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ có tại các đơn vị tiêm chủng dịch vụ. Khi sử dụng loại vacxin này sẽ phòng được 3 bệnh cùng một lúc đó là sởi, quai bị và Rubella.
Như vậy, người lớn có thể sử dụng được tất cả mọi loại vacxin sởi. Tuy nhiên, người lớn thường được khuyến cáo sử dụng loại vacxin phối hợp để cùng một lúc có thể phòng tránh được nhiều bệnh. Mọi người có thể đến các phòng tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và hướng dẫn tiêm phòng vacxin sởi thích hợp.
Tóm lại: Người lớn cũng nên đi tiêm phòng vacxin sởi để có thể phòng bệnh cho bản thân, đồng thời làm hạn chế khả năng lây lan của bệnh cho những đối tượng khác, đặc biệt là trẻ em. Đặc biệt đối với chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nên tiêm phòng để có thai kỳ khỏe mạnh và có miễn dịch truyền cho em bé trong những tháng đầu khi chưa đến tuổi tiêm chủng.
Xem thêm:
- Người lớn có cần tiêm vaccine sởi hay không: Đây là câu trả lời chính xác nhất!
- Vì sao người lớn cần tiêm phòng sởi - rubella ?
- Người lớn có nên tiêm phòng sởi?