Tại sao khi giao mùa bệnh sởi gia tăng

Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội từ đầu năm tới nay, số ca mắc mới sởi tại Hà Nội đã tăng cao hơn 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh thì có tới 95% trong tổng số bệnh nhân mắc sởi được thống kê từ đầu năm là những người chưa được tiêm phòng... Đây là một con số đáng báo động trong tình trạng bệnh sởi gia tăng khi giao mùa.

Tại sao khi giao mùa bệnh sởi gia tăng Tại sao khi giao mùa bệnh sởi gia tăng

Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội từ đầu năm tới nay, số ca mắc mới sởi tại Hà Nội đã tăng cao hơn 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh thì có tới 95% trong tổng số bệnh nhân mắc sởi được thống kê từ đầu năm là những người chưa được tiêm phòng... Đây là một con số đáng báo động trong tình trạng bệnh sởi gia tăng khi giao mùa như hiện nay.

1. Vì sao thời tiết giao mùa lại khiến bệnh sởi gia tăng?

Theo các chuyên gia y tế, điều kiện thời tiết giao mùa ẩm ướt, thay đổi thất thường như ở miền Bắc hiện nay là môi trường thuận lợi để virus sinh sôi, phát triển. Bởi mỗi sự thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ, môi trường đều ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Lúc này, hệ hô hấp của trẻ trở nên yếu hơn. Mà bệnh sởi do virus gây ra, thường gặp vào mùa đông xuân và là bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát thành dịch. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ liều. Chính những điều kiện thuận lợi này đã khiến số ca mắc sởi tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2019 và dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch.

vicare.vn-tai-sao-khi-giao-mua-benh-soi-gia-tang-body-1

2. Năm 2019 không chỉ Việt Nam, bệnh sởi cũng gia tăng ở nhiều nước trên thế giới

Theo nhận định của các nhà khoa học, dịch sởi bùng phát tại một số nước như hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu. Điều này sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị đối với gia đình, xã hội so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường.

Ghi nhận được cho thấy năm 2018, bệnh sởi gia tăng tại một số nước khu vực châu Âu, thậm chí sự lây truyền xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi như Đức và Nga.

Cho đến đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Uraina và Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, thì đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại nhiều thành phố như: Atlanta, New Jersey, NewYork, Oregon, Rockland County...

Điều này khiến cho chính quyền nhiều nơi ở những quốc gia ghi nhận dịch sởi đã phải công bố tình trạng khẩn cấp để huy động các nguồn lực và nỗ lực của người dân trong việc khống chế dịch sởi.

Như chúng ta đã biết, sởi tuy là căn bệnh lành tính, dễ lây lan và có thể tự khỏi. Nhưng bệnh lại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm não... thậm chí dẫn đến tử vong. Đặc biệt là với trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Còn phụ nữ khi mang thai bị mắc sởi có thể gây ra sảy thai, đẻ non...

Tại Việt Nam Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cũng cho biết năm 2019 nằm trong chu kỳ dịch (dịch sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm/lần) trong khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thấp do số người chưa tiêm vaccine vẫn còn cao.

Cộng thêm sự tăng cường giao lưu, du lịch giữa các tỉnh; sự biến động dân cư thường xuyên giữa các thành phố lớn trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa... khiến bệnh sởi gia tăng, nguy cơ bùng phát thành dịch cho nguy cơ bùng phát dịch lớn hơn, dịch bệnh khó kiểm soát hơn nếu phát triển thành ổ dịch.

Thậm chí nhiều nơi tại Việt Nam: vùng sâu, vùng xa và những đô thị (có số trẻ biến động lớn) có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ. Do đó, tại các địa phương này có nguy cơ ghi nhận nhiều trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.

3. Chủ động phòng ngừa - biện pháp tốt nhất để ngăn dịch sởi bùng phát trở lại

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - ông Nguyễn Nhật Cảm: Người chưa có miễn dịch sởi, chưa được tiêm phòng thì khi tiếp xúc với nguồn bệnh, tỷ lệ mắc bệnh gần như là 100%. Do đó, người dân cần coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm cá nhân, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho cả mẹ và con.

Người dân cũng cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau từ Bộ Y tế để chủ động phòng bệnh sởi cho người thân và cộng đồng:

  • Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường hoặc các trung tâm tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng sởi.
vicare.vn-tai-sao-khi-giao-mua-benh-soi-gia-tang-body-2
  • Khi phát hiện thấy trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời. Tránh các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Nên hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện
  • Sởi là bệnh rất dễ lây lan. Do đó, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, rửa tay cho trẻ trước khi ăn, sau khi chơi và ra ngoài về. Cùng với đó cần đảm bảo các biện pháp để tăng cường dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe của trẻ.
  • Không nên đưa người bệnh điều trị vượt tuyến khi không cần thiết nhằm tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Chưa kể, môi trường bệnh viện dễ gây lây nhiễm chéo vì sởi là bệnh dễ lây lan ở những nơi đông người. Do đó công tác chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, bệnh viện... cũng cần được đặt lên hàng đầu trong thời điểm nhạy cảm với dịch sởi và các bệnh truyền nhiễm khác như hiện nay.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Với tình hình bệnh sởi gia tăng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang có diễn biến phức tạp như hiện nay thì mỗi người cần chủ động thực hiện các phương pháp phòng ngừa theo khuyến cáo từ Bộ Y tế: tiêm phòng sởi (biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi), thường xuyên vệ sinh mũi-họng-mắt hàng ngày, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao đề kháng cơ thể, khi phát hiện các dấu hiệu cần cách ly người bệnh và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị.

Xem thêm:

  • Trẻ đã tiêm phòng sởi liệu có bị lại không?
  • Bùng phát dịch sởi do không tiêm phòng vắc-xin cho trẻ