Tại sao đái tháo đường dẫn đến biến chứng suy thận?
Bệnh thận nói chung hay suy thận nói riêng đều là những chứng bệnh nguy hiểm và phổ biến trên thế giới hiện nay. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ mắc chứng suy thận của những người bị đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với những người khỏe mạnh. Vì sao lại như vậy? Liệu đái tháo đường và bệnh suy thận có quan hệ gì với nhau? Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Tại sao đái tháo đường dẫn đến biến chứng suy thận?
Bệnh thận nói chung hay suy thận nói riêng đều là những chứng bệnh nguy hiểm và phổ biến trên thế giới hiện nay. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ mắc chứng suy thận của những người bị đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với những người khỏe mạnh. Vì sao lại như vậy? Liệu đái tháo đường và bệnh suy thận có quan hệ gì với nhau? Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Bệnh đái tháo đường và sự ảnh hưởng đến thận
Bệnh tiểu đường hay còn có tên gọi khác là bệnh đái tháo đường là loại bệnh mãn tính, có biểu hiện cụ thể là lượng đường trong máu của bạn luôn cao hơn so với định mức. Điều này bắt nguồn từ việc cơ thể thiếu hụt Insulin để chuyển hóa glucose.
Vậy thì liệu căn bệnh này có ảnh hưởng gì đến thận không?
Câu trả lời là có. Khi bạn không kiểm soát tốt tình trạng bệnh, đường trong máu sẽ tăng cao và gây hại đến nhiều bộ phận quan trọng khác như tim, mắt, mạch máu, dây thần kinh... và tất nhiên không bỏ qua cơ quan thận. Nếu để điều này kéo dài, theo thời gian, thận của bạn sẽ trở nên suy yếu chức năng, hay còn gọi tắt là bệnh suy thận.
Theo nhiều thống kê từ các chuyên gia, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến biến chứng suy thận thông qua các tổn hại như:
Mạch máu bị thu hẹp
Nếu như bị tiểu đường trong thời gian dài và lượng đường huyết luôn ở mức cao, các mạch máu của thận sẽ dần bị thu hẹp lại, dẫn đến tắc nghẽn mạch. Thận không nhận đủ máu cần thiết để hoạt động. Khi đó, thận của bạn sẽ gặp tổn thương, rò rỉ Albumin vào trong nước tiểu và thoát ra ngoài thông qua các hoạt động sinh lý. Khi đó, nồng độ Albumin sẽ giảm sút nhanh chóng và điều này sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng bởi Albumin là protein có chức năng giữ dịch lỏng trong máu, giúp nuôi dưỡng mô và vận chuyển khoáng chất – hormone cần thiết cho cơ thể.
Hệ thần kinh tổn thương
Bị đái tháo đường, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ chịu nhiều tổn thương về mặt thần kinh. Các dây truyền thần kinh sẽ không còn nhanh nhạy và linh hoạt, ảnh hưởng đến việc truyền tín hiệu giữa bộ não và các cơ quan khác. Nếu như bàng quang của bạn không nhận được tín hiệu từ thần kinh trung ương, bạn sẽ không thể cảm giác được khi nào thì bàng quang đầy. Nếu tình trạng này kéo dài, thận sẽ chịu sức ép lớn và bị tổn thương.
Viêm đường tiết niệu
Nước tiểu thường xuyên tích tụ trong bàng quang không chỉ khiến thận bị tổn thương do sức ép mà còn có khả năng dẫn đến bệnh nhiễm trùng. Nguyên nhân đến từ việc các vi khuẩn liên tục sinh sôi và phát triển trong nước tiểu. Đặc biệt, nước tiểu của người bị bệnh đái tháo đường sẽ có lượng đường cao hơn. Đây là nguồn dinh dưỡng của vi khuẩn. Vì thế, chúng lại càng sinh trưởng mạnh. Tình trạng nhiễm trùng bàng quang đôi khi có thể ảnh hưởng và gây bệnh suy thận.
2. Dấu hiệu nhận biết thận đã bị tổn thương do bệnh đái tháo đường
Thông thường, khi ở giai đoạn đầu của bệnh, đái tháo đường sẽ không gây ra nhiều dấu hiệu. Bệnh chỉ được phát hiện khi bạn làm các xét nghiệm máu cần thiết. Và bệnh tiểu đường cũng cần một khoảng thời gian nhất định để dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy thận.
Khi bị bệnh tiểu đường và phát hiện ra một số dấu hiệu như:
- Tăng cân nhanh.
- Mắt cá chân sưng tấy.
- Ban đêm đi vệ sinh nhiều.
- Huyết áp cao...
Thì có khả năng bệnh của bạn đang ảnh hưởng đến thận. Lúc này, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện kiểm tra và xét nghiệm máu - nước tiểu – huyết áp nhằm làm rõ bệnh tình của mình. Việc điều trị sớm luôn tạo điều kiện tốt nhất để bạn thoát khỏi “án tử” của bệnh đái tháo đường.
Trường hợp bệnh tiểu đường của bạn đã dẫn đến biến chứng lớn là suy thận, bạn sẽ gặp rất nhiều triệu chứng rõ rệt như:
- Buồn nôn hoặc nôn mửa liên tục.
- Không có cảm giác ngon miệng khi ăn.
- Thường xuyên mệt mỏi.
- Ngứa toàn thân.
- Đau cơ chân, nhức mỏi cơ thể.
- Thiếu máu hoặc nồng độ máu luôn ở mức thấp.
Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy bạn đã gặp phải vấn đề to lớn ở thận. Vì thế, việc cần làm lúc này là phải tìm gặp ngay các bác sỹ để có hướng điều trị phù hợp.
3. Cần làm gì khi bệnh tiểu đường gây tổn thương thận?
Như đã nói ở trên, việc trước hết phải làm khi cảm thấy thận bị tổn thương chính là tìm gặp bác sỹ chuyên khoa để thăm khám – điều trị cụ thể.
Tiếp đó, cần phải lưu ý thực hiện các nhiệm vụ sau đây để bảo vệ mình:
- Kiểm soát đường trong máu: bệnh tiểu đường bắt nguồn từ lượng đường trong máu tăng cao. Do đó, cách tốt nhất để hạn chế biến chứng thận từ nó là phải kiểm soát được lượng đường này ở mức ổn định thông qua chế độ dinh dưỡng, các hoạt động thể chất và lối sống lành mạnh. Bạn cũng có thể dùng Insulin theo chỉ định từ bác sỹ.
- Dùng một số thuốc ức chế ACEi hay ARBs: khi mắc bệnh thận và có chỉ định từ bác sỹ, bạn nên dùng các thuốc ức chế ACEi (ức chế men angiotensin) và ARBs (ức chế thụ thể Angiotensin) để làm giảm tình trạng suy thận của bệnh nhân đái tháo đường.
- Hạn chế đạm trong các bữa ăn: chỉ ăn vừa đủ đạm cần thiết. Từ nhiều nghiên cứu, khi thực hiện chế độ ăn ít đạm, thận sẽ giảm được 1 phần lớn áp lực và do đó sẽ duy trì hoạt động khỏe mạnh của thận lâu hơn.
- Một số nhiệm vụ khác: hạn chế ăn muối, không dùng thuốc kích thích, và phải báo ngay cho bác sỹ khi có bất thường trong đường tiết niệu là những lưu ý không thể bỏ qua.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của đái tháo đường đối với cơ quan thận. Hãy cẩn thận và thường xuyên thăm khám để có các giải pháp sức khỏe phù hợp nhé.
Xem thêm:
- Những biến chứng đái tháo đường thai kỳ bạn cần biết
- 10 dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường