Tại sao bị mụn cóc?
Mụn cóc là một khối u sần sùi, trắng, nhỏ, thường mọc trên da bàn tay hay bàn chân, trông giống một chùm súp lơ nhỏ. Mụn cóc có thể xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, đặc biệt là các vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Tại sao bị mụn cóc?
Nguy hiểm hơn, mụn cóc cũng có thể ở bộ phận sinh dục. Vậy tại sao bị mụn cóc và làm thế nào để điều trị mụn dứt điểm cóc, chúng ta sẽ cùng xem giải đáp qua bài viết sau đây.
1. Mụn cóc là gì?
Mụn cóc là những u nhỏ tăng sản lành tính ở lớp thượng bì, bề mặt thường sần sùi. Mụn cóc gây ra bởi virus HPV (Human Papilloma Virus), chúng xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Mụn cóc có thời gian phát triển lâu, có thể vài tháng mới nhìn thấy được.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ở trẻ em tỷ lệ mắc cao hơn do chúng hiếu động và thường xuyên làm trầy xước chân tay, hay đi chân trần, cắn móng tay, nghịch đất cát ... Virus HPV thường sống ở những nơi ấm - ẩm nên việc đi chân đất ở những nơi này sẽ dễ bị mụn cóc bàn chân hơn. Nguyên nhân thường gây mụn cóc ở người lớn là làm móng, cắt khoé móng chân, tay... nhất là ở phụ nữ.
Ở các bệnh nhân suy giảm miễn dịch như bệnh nhân bị ung thư máu, lymphoma hay nhiễm HIV/AIDs dễ bị mụn cóc và thường lâu khỏi hơn.
2. Các dạng mụn cóc thường gặp
Mụn cóc có 2 dạng thường gặp:
Dạng mụn cóc thông thường (Common warts)
Là những cục sẩn cứng nhô trên da, bề mặt sần sùi, hình tròn, kích thước từ 2 đến vài chục milimet, có màu xám. Có thể gặp mụn cóc này ở bất cứ vùng nào trên da, thường gặp nhất là ở bàn tay do tiếp xúc nhiều. Mụn cóc cũng có thể mọc ở một số vị trí đặc biệt như:
- Ở dưới lòng bàn chân, dưới móng tay, dưới móng chân và khi chạm vào thường gây đau nhói.
- Mụn cóc Mosaic (Mosaic Warts): là dạng gồm nhiều mụn cóc nhỏ mọc thành chùm ở lòng bàn chân, gót chân.
- Mụn cóc ở bộ phận sinh dục (Genital Warts): Gặp ở bộ phận sinh dục cả nam và nữ, xung quanh hậu môn, có triệu chứng gần giống với bệnh mào gà. Dạng này thường dễ lây lan khi quan hệ tình dục
Dạng mụn cóc phẳng (plane warts)
Là những sẩn nhỏ hơi nhô cao trên bề mặt da, nhìn và sờ kỹ mới phát hiện được. Chúng có kích thước từ 1mm đến 5mm, màu vàng nâu, bề mặt trơn láng. Loại mụn cóc này lây lan nhanh nên thường có vài chục đến hàng trăm cái mọc trên da, có thể gặp dạng mọc thành vệt dài gọi là hiện tượng Koebner. Các vị trí thường gặp là ở mu bàn tay, cẳng tay, mặt cổ. Mụn cóc đã lây lan nhiều sẽ phải điều trị nhiều lần, tốn nhiều thời gian, công sức.
3. Tại sao bị mụn cóc?
Mụn cóc rất phổ biến, theo thống kê, có hơn 40% dân số trên thế giới bị mụn cóc. Virus HPV và các siêu vi trùng khác xâm nhập vào cơ thể, gây nên mụn cóc thông qua các con đường sau đây:
- Qua các vết trầy xước, cắn móng tay, bị vật nuôi cắn, vệ sinh tay chân kém, hay đi chân trần. Trường hợp này thường gặp ở trẻ em do tính hiếu động, ưa nghịch đất cát và chưa ý thức được việc giữ vệ sinh chân tay.
- Lây từ người này sang người khác do dùng chung đồ cá nhân như khăn, kìm bấm móng...
- Sự suy yếu của hệ thống miễn dịch cũng làm HPV dễ xâm nhập vào cơ thể. Trường hợp này thường gặp ở người lớn tuổi hoặc phụ nữ có thai.
- Lây qua đường tình dục, gặp ở những mụn cóc mọc ở bộ phận sinh dục nam và nữ.
4. Các biện pháp làm giảm nguy cơ lây lan mụn cóc
- Không tỉa, chải hoặc cạo ở khu vực có mụn cóc để tránh lây lan virus.
- Không sử dụng cùng dụng cụ móng tay cắt trên mụn cóc rồi sử dụng chính dụng cụ đó trên móng tay khỏe mạnh.
- Không được cắn móng tay nếu có mụn cóc mọc gần các móng tay.
- Giữ bàn tay như khô nhất có thể, vì mụn cóc sẽ dễ lan sang khu vực khác nếu ở trong một môi trường ẩm.
- Rửa tay thật sạch sau khi chạm vào mụn cóc.
- Không sử dụng chung dép đi trong nhà tắm.
5. Điều trị dứt điểm mụn cóc
Vì đây là bệnh gây ra do virus nên bệnh có thể tự nhiên khỏi mà không để lại dấu vết gì trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên trường hợp này cũng ít xảy ra, chủ yếu là gặp ở trẻ em. Càng để lâu mụn cóc thường có khuynh hướng lây lan ra các vùng khác, do đó cần thiết là nên điều trị càng sớm càng tốt.
Có nhiều phương pháp gọi là "chữa mẹo" trong dân gian nhưng cho đến nay chưa có phương pháp nào đáng tin cậy hoàn toàn vì đã có nhiều người áp dụng nhưng không thấy có kết quả.
Tự điều chỉnh thói quen sinh hoạt:
Chọn giày dép thích hợp, vừa vặn, không chật quá hay rộng quá. Giữ chân luôn khô ráo và thường xuyên thay tất. Dùng các miếng đế lót, đệm lót trong giày dép ở vị trí có mụn cóc để giảm đau nhức, khó chịu. Thêm vào đó, có thể dùng đá bọt nhám trong khi tắm để chà lên bề mặt mụn làm giảm bớt kích thước và độ sần sùi.
Chấm acid lên nốt mụn:
- Khi mụn dưới 0,5cm có thể sử dụng dung dịch acid salicylic và lactic (các biệt dược như duofilm, collomack). Thuốc sẽ làm tiêu hủy, bong tróc các tế bào sừng cùng với virus HPV ở mụn cóc. Tuy nhiên, phải điều trị mất nhiều tuần mới có thể làm mụn biến mất hoàn toàn. Bệnh nhân có thể dùng những chế phẩm này tại nhà, nhưng để sử dụng thuốc hiệu quả hơn, cần rửa sạch vùng chấm thuốc bằng xà phòng.
- Cọ xát nhẹ bề mặt mụn bằng tay hay đá mài, que dũa móng tay... để loại bỏ lớp tế bào chết (do lần thoa thuốc ngày hôm trước) sau đó thoa thuốc lên bề mặt mụn. Hạn chế tối đa thuốc dính ra vùng xung quanh mụn. Đậy kín nắp chai thuốc ngay sau khi thoa và bảo quản ở chỗ mát, vì thuốc rất dễ bay hơi. Nên thoa mỗi ngày 1 lần sau khi tắm. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim - mạch, rối loạn tuần hoàn ngoại vi, mụn cóc đã bị nhiễm trùng... tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc.
Chấm nitơ lỏng:
Biện pháp này hường được chia làm nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 1-2 tuần sẽ cho kết quả tốt, có người khỏi hoàn toàn. Thuốc được sử dụng là khí nitrogen ở dạng hóa lỏng nên có nhiệt độ rất thấp (-196oC). Thuốc ít để lại sẹo hay biến đổi màu sắc da ở vị trí chấm nhưng thường gây khó chịu khi chấm, có thể gây phồng nước và gây đau nhiều ngày sau khi chấm.
Đốt điện (Electrosurgery):
Thường áp dụng cho các mụn cóc dưới 1 cm hay ở vị trí khó tiểu phẫu (ví dụ: ở kẽ ngón chân, kẽ ngón tay). Mụn cóc sẽ được giải phẫu lấy đốt bằng dòng điện cao tần. Ưu điểm của phương pháp này là tiến hành nhanh chóng, đơn giản, rẻ tiền và có thể khoét sâu lấy hết nhân mụn cóc. Bên cạnh đó, đốt điện có các khuyết điểm là thời gian lành vết thương lâu hơn so với tiểu phẩu, chăm sóc vết thương phải kỹ lưỡng hơn, dễ bị nhiễm trùng do vết thương hở và gây chảy máu ở những vết thương to.
Tiểu phẫu (gây tê tại chỗ)
Áp dụng cho mụn có kích thước dưới 2 cm và ở vị trí bằng phẳng như gót chân, cạnh bàn chân, lòng bàn chân... Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là thời gian lành vết thương nhanh hơn đốt điện, chăm sóc vết thương sau mổ dễ dàng, ít nguy cơ nhiễm trùng hơn do vết thương kín nhưng chi phí cao hơn, dễ bị tái phát vì không lấy hết nhân mụn cóc được và có thể để lại sẹo.
6. Những điểm cần lưu ý khi điều trị mụn cóc
Tuyệt đối không được làm bể, rút dịch... bóng nước trên bề mặt vết thương chấm nitơ lỏng. Vết thương có thể bị nhiễm trùng nếu có các dấu hiệu và triệu chứng như sưng, nóng, đỏ, đau, tiết dịch hay mủ, mùi hôi, sốt cao hay ớn lạnh...
Đôi khi mụn cóc tái rất phát nhanh do mụn mẹ đã gieo rắc virus và tạo nhiều mụn con ở những vùng da xung quanh trước khi chúng được điều trị. Các mụn cóc con này có kích thước quá nhỏ nên không thể phát hiện được trong khi điều trị mụn mẹ. Do đó, nên điều trị mụn cóc sớm, ngay khi mới phát hiện để tránh hiện tượng tự lây nhiễm như trên.
Để tránh tái phát, cần tự theo dõi hằng ngày trong 2-4 tuần tại những vị trí tổn thương cũ để phát hiện ngay bất kỳ biểu hiện tái phát nào. Điều trị lại bằng các biện pháp đã đề cập ở trên càng nhanh càng tốt những tổn thương "tái phát", trước khi virus kịp lây nhiễm ra những vùng da xung quanh.
Trường hợp đặc biệt, có khi chỉ cần điều trị mụn cóc mẹ, vài tuần sau các mụn cóc con bỗng nhiên tự biến mất không cần phải can thiệp bất cứ biện pháp nào.
Như vậy, qua bài viết này chúng ta đã tìm hiểu được tại sao bị mụn cóc, các biện pháp để tránh lây lan cũng như điều trị dứt điểm mụn cóc. Hi vọng mỗi người đều thu thập thêm thông tin để giải quyết được mụn cóc - bệnh tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu này.
Xem thêm:
- Đốt mụn cóc ở Bệnh viện Da Liễu
- Những loại thuốc trị mụn cóc đơn giản mà hiệu quả cao bạn nên biết
- Mụn cóc ở ngón chân có nguy hiểm không?