Tại sao 3 tháng nên thay đũa, khăn rửa mặt và 1 tháng thay miếng bọt rửa bát một lần?
Trong khi tuổi thọ của chúng vốn chỉ có hạn, sử dụng quá thời gian này thậm chí chúng còn đem đến những mối nguy hiểm cho sức khỏe con người. Đó là lý do chúng ta nên thay mới đồ dùng trong nhà định kỳ, bao gồm cả miếng bọt rửa bát.
Tại sao 3 tháng nên thay đũa, khăn rửa mặt và 1 tháng thay miếng bọt rửa bát một lần?
Đũa ăn, khăn rửa mặt hay bọt rửa bát là những đồ dùng hàng ngày trong nhà. Hầu hết mọi người chỉ nghĩ đến việc thay thế chúng khi chúng cũ, hỏng, không thể dùng được nữa.
1. Bao lâu thì nên thay mới đũa ăn một lần?
Nhiều chị em có thói quen dùng đũa rất tiết kiệm, đũa không bị gãy hay mốc thì vẫn cứ để dùng thậm chí dùng từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên cách tiết kiệm này chẳng hề tốt tẹo nào.
Có những nghiên cứu đã thống kê được số lượng vi khuẩn trên một đôi đũa ăn có thể là hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu vi khuẩn.
Kể cả khi chúng ta sử dụng đũa mới thì lúc cọ rửa đều có thể để lại vết trầy xước trên đũa. Và theo thời gian, những vết trầy xước này là chỗ bám dính cặn bã thức ăn, dầu mỡ, bọt rửa chén... Nếu không được rửa sạch, phơi chưa ráo nước đã cất vào hộp, cộng thêm việc không khử trùng hoặc thay đũa theo định kỳ sẽ hình thành ổ vi khuẩn, nấm mốc, virus.
Những đôi đũa gỗ sử dụng trong thời gian dài, vết trầy xước trên thân đũa càng ngày càng sâu, càng nhiều thì khả năng dung nạp vi khuẩn gây bệnh sẽ ngày càng lớn. Nhất là những vi khuẩn như E.coli, khuẩn tụ cầu vàng, khuẩn Helicobacter pylori, nấm Aspergillus flavus (độc tố có thể gây ra bệnh ung thư).
Không phải tất cả vi khuẩn đều gây hại đối với cơ thể, tuy nhiên, khi hệ miễn dịch của chúng ta suy giảm, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào hệ hô hấp gây ra các bệnh về đường hô hấp. Hoặc tấn công vào dạ dày gây ra bệnh viêm dạ dày, hay phá vỡ sự cân bằng trong đường ruột gây ra nôn ói, tiêu chảy.
Chúng ta vẫn thường khử trùng đũa gỗ cũ hoặc mới bằng cách ngâm đũa trong nước sôi ít nhất 15 phút. Cách này đúng là có thể tiêu diệt vi khuẩn, nấm, virus và các chất hóa học. Nhiều người tin tưởng cách làm này có thể tiêu diệt mầm bệnh gây hại nên vẫn yên tâm sử dụng đũa tới 1-2 năm.
Tuy nhiên, khả năng sinh sôi của vi khuẩn đáng sợ hơn bạn nghĩ nhiều, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh có thể tích tụ và khó tiêu diệt khi chọn các vết xước trên đũa để ẩn nấp. Bởi vậy, cách khử trùng đũa gỗ bằng nhiệt độ cao chỉ có hiệu quả trong một giới hạn nhất định.
Do đó bạn nên thay mới đũa ăn sau khoảng 3-6 tháng sử dụng.
2. Bao lâu nên thay mới khăn rửa mặt một lần?
Nếu bạn vẫn giữ thói quen dùng khăn mặt đến khi rách nát mới chịu thay khăn mới thì hãy xem xét lại nhé.
Một khảo sát được Hiệp hội dệt may của Trung Quốc tiến hành để khảo sát về thói quen sử dụng khăn và lượng vi khuẩn trên khăn của người dùng ở 5 thành phố lớn đã cho thấy: Trên khăn lau mặt có chứa khuẩn tụ cầu vàng, nấm Candida albicans, khuẩn E.coli và các vi khuẩn gây bệnh khác.
Trước tiên đó là do khăn lau mặt thường tiếp xúc với nước, lại không thường xuyên được phơi khô dưới ánh mặt trời nên sẽ tạo độ ẩm lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.
Thứ hai là khăn rửa mặt thường để trong nhà vệ sinh, môi trường ẩm ướt của nhà vệ sinh dễ khiến khăn mặt trở thành ổ vi khuẩn.
Thứ ba là mỗi lần sử dụng khăn mặt, vi khuẩn trên da mặt và từ những nguồn khác di dời đến khăn, kết hợp với những vi khuẩn trên khăn rửa mặt sẽ không ngừng sinh sôi. Thời gian sử dụng khăn mặt càng lâu thì vi khuẩn sinh sôi càng nhiều và nhanh.
Thông thường, những loại vi khuẩn này sẽ không gây hại đến sức khỏe, nhưng chỉ cần bạn có vết thương hở trên người hoặc hệ miễn dịch suy giảm, thì số vi khuẩn trên khăn có khả năng sẽ gây ra bệnh.
Thêm nữa khăn mặt, khăn tắm thường được dệt bằng chất liệu cotton, lâu ngày vi khuẩn rất dễ ký sinh trong các kẽ sợi bông, khó làm sạch. Việc phơi nắng hay luộc với nhiệt độ cao chỉ tạm thời khống chế không làm cho số lượng vi khuẩn sinh sôi chứ không tiêu diệt được hoàn toàn vi khuẩn. Và khăn dùng lâu cũng sẽ bị cứng, có hại cho da.
Tốt nhất là nên thay khăn mặt sau 3-4 tháng sử dụng.
3. Miếng bọt rửa bát cần thay thường xuyên
Nhà bếp cũng là nơi ẩm ướt chứa nhiều vi khuẩn (trực khuẩn, khuẩn Moraxella catarrhalis, nấm mốc, nấm men). Và vật dụng chứa nhiều vi khuẩn nhất trong bếp phải kể đến mút rửa chén. Đó chính là lý do chúng ta nên thay mút rửa bát thường xuyên khoảng 3 tuần một lần. Cũng có thể chọn cách làm sạch miếng rửa bát bằng cách làm ướt rồi cho nó vào lò vi sóng quay 2 phút, cách này giúp bạn tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, mút rửa chén là nơi cư ngụ của nhiều vi khuẩn, nên chỉ khoảng 2 ngày sau khi khử trùng là vi khuẩn trên mút rửa chén đã có thể sinh sôi nhanh chóng.
Để đảm bảo vệ sinh thì chúng ta nên thay mút rửa bát sau mỗi 3-4 tuần sửa dụng. Thêm nữa, khăn lau trong nhà bếp cũng nên phân ra từng loại riêng biệt (loại để lau dao thớt, loại để lau bát đĩa) để tránh làm lây lan vi khuẩn với nhau.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý giặt sạch mút rửa sau mỗi lần sử dụng và phơi ở những nơi thông thoáng, tránh ẩm mốc.
Đũa, khăn rửa mặt, mút rửa chén... đều là những vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên bạn cần biết chúng chỉ có thời hạn sử dụng nhất định cho từng loại. Vì nếu dùng lâu dài và quá tuổi thọ sử dụng, những món đồ quen thuộc này sẽ sở thành mối nguy với sức khỏe của bạn. Để đảm bảo an toàn và tránh nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe hãy nhớ kỹ thời gian sử dụng tối đa cho mỗi vật dụng và biết được cách sử dụng bảo quản vật dụng khoa học như thông tin được chúng tôi chia sẻ trên đây.
Xem thêm:
- Bạn có biết miếng bọt rửa bát bẩn hơn cả bồn cầu hay không?
- Nắm vững tuyệt chiêu này để có gian bếp sạch, an toàn
- Tác dụng của nước muối sinh lý và giá một chai nước muối sinh lý