Tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh
Ở thai nhi, lệ đạo vốn dĩ là một ống đặc và nó chỉ trở nên rỗng khi ở những tháng cuối của thai kỳ. Khi trẻ được sinh ra, đa phần các trẻ đã có lệ đạo thông suốt để có thể dẫn nước mắt nhưng có một số trẻ bị tắc lệ đạo. Khi gặp tình trạng tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh, cha mẹ phải xử lý như thế nào?
Tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh
Lệ đạo là gì?
Nhiều người vẫn chưa có khái niệm chính xác về lệ đạo. Lệ đạo chính là hệ thống đường dẫn nước mắt từ vùng hồ lệ tới khe mũi dưới, bao gồm: điểm lệ, lệ quản, túi lệ và ống lệ mũi. Nước mắt được tiết ra từ các tuyến lệ, sau khi bề mặt nhãn cầu được làm ướt, phần nước mắt còn lại sẽ được đổ vào điểm lệ, vào lệ quản, vào túi lệ, tiếp tục qua ống lệ mũi rồi đổ ra ngách mũi phía dưới. Khi gặp các bệnh về đường lệ, nước mắt sẽ ứ đọng và nước mắt sẽ chảy ra, nhiều khi còn tiết ra cả mủ và chất nhầy.
Trường hợp tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh
Các bệnh lý thường gặp khi tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh là không có điểm lệ, túi lệ bị rò và tắc ống lệ mũi bẩm sinh.
Với trường hợp trẻ không có điểm lệ: mắt trẻ thường ướt, ở khe mi có đọng nước mắt, viêm kết mạc kéo dài. Khi đưa trẻ đi thăm khám, sẽ không thấy các điểm lệ. Khi quan sát thấy dấu tích của điểm lệ qua kính hiển vi, có thể dùng đầu kim nhọn thăm dò và xuyên qua điểm bít điểm lệ. Ở nhiều trẻ, màng bít điểm lệ này rất mỏng, có thể tiến hành cắt màng che này đi để lệ đạo của trẻ được thông. Tuy nhiên nếu lệ quản bít hoàn toàn thì cha mẹ cần xin ý kiến bác sĩ để tiến hành phẫu thuật nối thông túi lệ cho trẻ khi trẻ lớn hơn.
Trẻ bị rò túi lệ bẩm sinh: với những trẻ gặp trường hợp bệnh này, cha mẹ sẽ thấy trên da của trẻ, ở vùng góc trong của mắt có một lỗ nhỏ. Nước mắt sẽ thỉnh thoảng chảy qua lỗ này khi trẻ lớn dần lên. Nếu như ống lệ mũi của trẻ thông, sẽ đóng được lỗ rò túi lệ. Nếu ống lệ mũi cũng bị tắc, cần tiến hành phẫu thuật đóng lỗ rò kèm nối thông túi lệ mũi cho trẻ.
Trẻ bị tắc ống lệ mũi bẩm sinh: Trẻ sẽ thường xuyên bị chảy nước mắt, kèm theo cả viêm kết mạc, nước sẽ trào ra khi ấn vùng túi lệ, có thể có cả mủ và dịch nhầy. Tắc ống lệ mũi có thể tự thông khi trẻ được 4-6 tháng tuổi. Cha mẹ cần cho bé tới các bác sĩ để nhận được biện pháp điều trị phù hợp nhất. Đối với những trẻ tầm từ 2-3 tháng tuổi, cha mẹ có thể day, xoa vùng túi lệ kết hợp với tra mắt bằng dung dịch kháng sinh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên tiến hành bơm thông lệ đạo ngay lần đầu tiên bởi có thể việc này sẽ gây ra những tổn thương cho trẻ. Và khi thông lệ đạo không nên thông quá 3 lần và sau 3 lần thông mà không thấy có kết quả, hãy dừng việc này lại và chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của bác sĩ.Khi con bị tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể làm gì?
Như đã trình bày, khi gặp tình huống tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể áp dụng kỹ thuật, xoa nắn nhẹ nhàng ở trẻ theo đúng các hướng dẫn sau:
Đặt trẻ nằm và bạn hãy dùng một tay để giữ lấy đầu trẻ. Hãy đặt ngón trỏ của tay kia lên góc trong mắt của trẻ, sau đó bạn hãy hướng lên trên tạo với trục mắt của bé một góc từ 10-15 độ. Sau đó, bạn hãy ấn nhẹ đầu ngón tay trỏ và day ngược lên phía trên, đồng thời day cả về phía mắt để mủ nếu có trong túi lệ sẽ được loại bỏ ra ngoài.
Cha mẹ hãy dùng bông lau sạch mủ nhầy và nhỏ từ 1-2 giọt kháng sinh vào túi kết mạc của trẻ. Chờ từ 1-2 phút rồi đặt ngón tay trỏ vào vị trí ban đầu rồi ấn một lực vừa phải và miết dọc tay xuống cánh mũi của trẻ. Hãy lặp lại động tác này từ 10-15 lần.
Khi thực hiện động tác này trong vòng 1 tháng mà không thấy có dấu hiệu khả quan ở trẻ, cha mẹ hãy đưa trẻ tới các cơ sở y tế để nhận được sự tư vấn và thăm khám của bác sĩ chuyên khoa. Và trẻ trên 12 tháng tuổi có thể điều trị bằng phương pháp bơm thông lệ đạo nhưng hiệu quả không cao, cha mẹ có thể đợi trẻ lớn hơn để phẫu thuật nối thông túi lệ mũi.