Tác hại của tiền sản giật: Suy tim phổi, co giật, tử vong cả mẹ và bé
Đối với phụ nữ có thai, việc theo dõi thay kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi là vấn đề vô cùng quan trọng. Một trong những hội chứng nguy hiểm xuất hiện trong giai đoạn mang thai của bà bầu là tiền sản giật. Tác hại của tiền sản giật là rất lớn: Có thể gây sản giật, rau bong non, rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, chảy máu, phù phổi cấp.
Tác hại của tiền sản giật: Suy tim phổi, co giật, tử vong cả mẹ và bé
Một trong những hội chứng nguy hiểm xuất hiện trong giai đoạn mang thai của bà bầu là tiền sản giật. Tác hại của tiền sản giật là rất lớn: Có thể gây sản giật, rau bong non, rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, chảy máu, phù phổi cấp.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Trung Ương Huế, trong 10 năm từ 2000 - 2009 tỷ lệ tiền sản giật nặng - sản giật chiếm 3,2 % trong tổng số sinh tại bệnh viện. Tiền sản giật có thể gây những biến chứng nặng cho mẹ như: sản giật, rau bong non, rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, chảy máu, phù phổi cấp.
Đặc biệt đối với thai nhi tiền sản giật có thể gây ra những hậu quả như: thai chậm phát triển, suy thai thậm chí có thể gây chết thai, nếu không xử trí kịp thời, ngoài ra tiền sản giật cũng là một nguyên nhân làm tăng tỉ lệ bệnh và di chứng về thần kinh, vận động và trí tuệ cho trẻ sau này. Để tránh tác động xấu của tiền sản giật trên sức khỏe thai phụ, cùng HoiBenh tìm hiểu về hội chứng này.
Tiền sản giật là gì?
Từ lâu, tiền sản giật đã được định nghĩa và có nhiều tên gọi khác nhau như : "nhiễm độc do thai", "bệnh thận và thai nghén", "nhiễm độc thai nghén", "bệnh albumin niệu khi có thai, sau đó các tác giả người Mỹ, Anh là Sibai và Ramadank đặt tên bệnh gọi là tiền sản giật.
Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý phức tạp do thai nghén gây ra, thường xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ và chấm dứt sau 6 tuần sau đẻ, là một bệnh lý phức tạp có thể gây nên những tác hại nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí cả tính mạng của sản phụ, thai nhi và trẻ sơ sinh.
Chẩn đoán tiền sản giật
Tiền sản giật nhẹ:
- Huyết áp tâm trương 90-110mmHg, đo 2 lần cách nhau 4 giờ,
- Sau 20 tuần tuổi thai.
- Protein niệu có thể tới 300ng/24h hoặc ++.
- Không có triệu chứng khác.
Tiền sản giật nặng:
- Huyết áp tâm trương 110 mmHg trở lên hay huyết áp tâm thu 160 mmHg trở lên sau 20 tuần tuổi thai
- Protein niệu +++ hoặc hơn.
Ngoài ra có thể có các dấu hiệu sau:
- Đau đầu, nhìn mờ, hoa mắt chóng mặt, thiểu niệu (dưới 400ml/24 giờ), đau vùng thượng vị, phù phổi.
Lâm sàng có thể thấy các triệu chứng như:
- Phù: phù trắng mềm, ấn lõm, phù không giảm khi nằm nghỉ, có nhiều mức độ phù khác nhau như phù nhẹ, trung bình ở chi hay phù nặng toàn thân
- Tăng huyết áp: huyết áp tâm trương trên 140 mmHg và huyết áp tâm thu trên 90mmHg (nếu thai phụ không biết huyết áp của mình trước đó, hoặc huyết áp tâm trương tăng thêm 30 mmHg và huyết áp tâm thu tăng thêm 15 mmHg (nếu thai phụ biết huyết áp bình thường của mình trước đó)
- Protein niệu: dấu hiệu protein niệu được coi là dương tính nếu có 300mg/ 24h . Nếu protein niệu (+) nhưng không kèm theo tăng huyết áp nên xem đó là một triệu chứng thận của thai nghén.
Nguyên nhân gây tiền sản giật
Mặc dù hội chứng tiền sản giật là nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, đã có nhiều nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân của tiền sản giật, tuy nhiên vẫn chưa đưa ra kết luận đầy đủ về nguyên nhân. Người ta cho rằng tiền sản giật có thể do sự kết hợp nhiều yếu tố khác nhau được xây dựng dựa trên lâm sàng và dịch tễ học. Có thể kể đến như:
Yếu tố nội mô mạch máu
Tiền sản giật có thể là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố miễn dịch, tim mạch và yếu tố chuyển hóa. Khiếm khuyết của sự xâm nhập tế bào nuôi vào động mạch xoắn ốc mẹ dẫn đến giảm tưới máu tử cung - rau và do đó dẫn đến thiếu máu cục bộ rau thai.
Hậu quả của việc thiếu máu cục bộ rau thai là tạo ra một loạt các yếu tố, bao gồm các cytokine phản ứng viêm và các sản phẩm oxy hóa gây rối loạn chức năng nội mô của người mẹ.
Sự xâm nhập của tế bào nuôi trong tiền sản giật
Trong thai kỳ, để thiết lập tuần hoàn tử cung - rau thai giúp cung cấp một lượng máu ngày càng tăng cùng với sự phát triển thai nhi, các động mạch xoắn ốc ở tại giường bánh nhau thai phải trải qua những thay đổi đáng kể.
Thay đổi sinh lý này bắt nguồn từ sự xâm nhập của lá nuôi phôi vào các động mạch xoắn ốc dẫn đến phá hủy lớp cơ trơn động mạch xoắn ốc, giúp tăng cường lượng máu đến tuần hoàn tử cung - nhau thai.
Sự hạn chế xâm nhập của tế bào nuôi dẫn đến việc giữ nguyên cấu trúc mạch của động mạch xoắn ốc tử cung, từ đó dẫn đến sự thiếu máu tử cung - rau trong thai kỳ và hậu quả là làm hoạt hóa hệ thống Renin - Angiotensin gây co mạch tăng huyết áp, đã được chứng minh ở thai phụ tiền sản giật.
Stress oxy hóa rau thai trong tiền sản giật
Một giả thuyết rằng có sự giảm sút phản ứng chống oxy hóa đã tạo nên tình trạng stress oxy hóa. Điều này có thể dẫn đến thoái hóa lá nuôi phôi và có thể góp phần dẫn đến sự suy giảm xâm nhập lá nuôi phôi gây ra tiền sản giật
Yếu tố di truyền
Các nghiên cứu về dịch tễ học và phả hệ chứng minh rằng tiền sản giật có tính chất gia đình. Tiền sản giật là bệnh đa yếu tố do nhiều gen chi phối. Cho đến nay, ước tính có hơn 70 gene được quan tâm nghiên cứu như là những gene nghi ngờ có liên quan đến sự phát triển bệnh lý tiền sản giật. Các gen này thuộc năm nhóm chức năng có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của tiền sản giật: sinh huyết khối, thương tổn oxy hóa và chuyển hóa lipid, chức năng nội mạc và sinh mạch máu, điều hòa miễn dịch, huyết động học.
Tác hại của tiền sản giật
Tác hại của tiền sản giật là vô cùng nguy hiểm, biến chứng có thể xảy ra ở mẹ và thai nhi như:
Tử vong mẹ
Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong mẹ do tiền sản giật ở các nước đang phát triển là 150/100.000 thai phụ, còn ở các nước phát triển chỉ có 4/100.000 thai phụ
Sản giật
Sản giật được chẩn đoán là có cơn co giật xảy ra ở phụ nữ mang thai có triệu chứng tiền sản giật và không có nguyên nhân nào khác giải thích. Các có co giật trong sản giật thường là toàn thân, có thể xuất hiện trước trong chuyển dạ hay thời kỳ hậu sản. Sản giật có thể được dự phòng nếu phát hiện và điều trị sớm tiền sản giật.
Suy tim và phù phổi cấp
Các thai phụ bị tiền sản giật thường kèm rối loạn chức năng thất trái và biến chứng phù phổi cấp do tăng hậu gánh. Phù phổi cấp cũng có thể phát sinh do giảm áp lực keo trong lòng mạch.
Suy thận
Đây là tác hại phổ biến của tiền sản giật. Biểu hiện lâm sàng là thiểu niệu, vô niệu, nước tiểu < 400ml/24h.
Biểu hiện cận lâm sàng là chỉ số ure huyết thanh tăng, creatinin huyết thanh tăng, axit uric huyết thanh tăng, có hồng cầu, bạch cầu, trụ niệu trong nước tiểu
Suy giảm chức năng gan và rối loạn đông máu – Hội chứng HELLP
Sự suy giảm chức năng gan thường hay gặp ở thai phụ TSG đặc biệt là hội chứng HELLP. Biểu hiện lâm sàng thường là đau vùng gan, buồn nôn, đôi khi có thể nhầm với các rối loạn tiêu hoá. Biểu hiện cận lâm sàng: các enzym gan tăng cao (AST và ALT ≥ 70 mg/l), bilirubin toàn phần tăng cao, lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 100.000/mm3 máu, nặng hơn có thể chảy máu trong gan và vỡ khối máu tụ dưới gan gây bệnh cảnh chảy máu trong ổ bụng
Một số biến chứng tiền sản giật ở thai nhi có thể kể đến như:
Thai chậm phát triển trong tử cung, suy thai, thai chết lưu trong tử cung, trẻ sinh non tháng, trẻ sinh nhẹ cân, tăng huyết áp trẻ sơ sinh, đặc biệt là tử vong sau sinh ngay khi đẻ.
Phòng ngừa tác hại tiền sản giật, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và thai nhi
Vì nguyên nhân chưa rõ nên dự phòng rất khó, chưa có phương pháp đặc hiệu, mẹ bầu phải chú ý:
- Đăng ký quản lý thai nghén: khám thai thường xuyên , đặc biệt 3 tháng cuối
- Phát hiện và điều trị sớm, theo dõi chặt tránh các biến chứng nặng cho mẹ và con
- Chú ý các yếu tố thuận lợi của TSG qua tiền sử gia đình, điều trị tốt các bệnh lý kèm theo nếu có như tăng huyết áp đái tháo đường, bệnh lý mạch máu cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống
- Dinh dưỡng đầy đủ khi mang thai. Phát hiện sớm khi có thay đổi huyết áp và bất thường khi có sự xuất hiện đạm trong nước tiểu để điều trị ngay từ đầu
Xem thêm:
- Tiền sản giật và sản giật khác nhau như thế nào?
- Mẹ đã biết gì về khái niệm tiền sản giật khi mang thai?