Suy tim phải nguy hiểm thế nào?
Hầu hết mọi người bị suy tim do có vấn đề của tim trái (suy tim trái), nhưng sự suy giảm các chức năng của tim phải cũng có thể xảy ra trong suy tim. Suy tim phải là 1 dạng suy tim xảy ra với tỷ lệ mắc là 1/20 người, nó là hệ quả của suy tim trái kết hợp cùng nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Suy tim phải nguy hiểm thế nào?
Vậy suy tim phải có phải là bệnh thực sự nguy hiểm? Giải pháp nào để chữa trị suy tim phải hiệu quả? Bạn sẽ tìm ra được câu trả lời này trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây ra bệnh suy tim phải
Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra suy tim phải là do suy tim trái. Khả năng bơm máu kém hiệu quả do suy tim trái khiến cho máu sẽ bị ứ đọng tại phổi, làm gia tăng áp lực cho cơ quan này. Khi thất phải co bóp đưa máu lên phổi sẽ gặp phải khó khăn và không thể làm việc 1 cách hiệu quả, cuối cùng sẽ dẫn tới việc suy tim.
Ngoài lý do suy tim trái gây nên thì còn có một số nguyên nhân sau cũng có thể gây suy tim phải như :
- Bệnh phổi mạn tính: như khí phế thũng, hay tắc mạch phổi... có thể gây ra tăng áp động mạch phổi và làm tăng áp lực cho tâm thất phải tương tự như bệnh suy tim trái.
- Bệnh mạch vành: tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng cho tim gây nên suy tim trái dẫn đến suy tim phải, hoặc trực tiếp gây nên suy tim phải.
- Bệnh van tim: hẹp van động mạch chủ, hẹp và/hoặc hở van ba lá...
- Co thắt màng ngoài tim: màng ngoài tim dày một cách bất thường có thể hạn chế khả năng bơm máu của tim phải 1 cách hiệu quả.
- Còn ống động mạch: là dị tật tim bẩm sinh khiến cho máu có thể di chuyển từ tim phải sang tim trái (hay ngược lại) gây ra gia tăng áp lực cho tim phải.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc phải suy tim phải
- Người cao tuổi: từ 50 đến 70 tuổi
- Nam giới: có nguy cơ cao hơn so với ở nữ giới.
- Người có bệnh tim mạch: rối loạn nhịp tim, tiền sử nhồi máu cơ tim, dị tật tim bẩm sinh, bệnh van tim...
- Người có bệnh phổi, huyết áp cao, bệnh tiểu đường, béo phì...
- Người có thói quen sử dụng thuốc lá, rượu bia, cocain, ...
Dấu hiệu để nhận biết suy tim phải
Các triệu chứng của suy tim phải thường gặp khi liên quan đến sự ứ trệ tuần hoàn bởi khả năng hút máu trở về tim bị suy giảm, các triệu chứng đó gồm có:
- Khó thở do ứ máu tại phổi và đặc biệt khi người bệnh nằm xuống hay làm việc gắng sức
- Ho khan
- Sưng chân và mắt cá chân
- Tăng cân đột ngột
- Chán ăn, chướng bụng, buồn nôn, ...
- Đi tiểu nhiều hơn về đêm
- Đánh trống ngực và nhịp tim nhanh bất thường
- Mệt mỏi
- Tĩnh mạch cổ nổi to
Suy tim phải có thực sự nguy hiểm không?
Suy tim phải có nguy hiểm hay không thì còn phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh. Nếu được quản lý lối sống sinh hoạt và điều trị tốt, nhiều người bệnh suy tim phải có thể có được 1 cuộc sống bình thường. Ngược lại, nếu không được phát hiện và chữa trị sớm, suy tim phải có thể sẽ đe dọa tính mạng với các triệu chứng nghiêm trọng như phù toàn thân, khó thở nặng, ngất xỉu thường xuyên, ... và các biến chứng như nhồi máu cơ tim hay rung nhĩ gây ra cục máu đông và suy giảm chức năng gan, thận...
Làm thế nào để có thể điều trị suy tim phải
Việc điều trị suy tim cần phải tập trung vào cải thiện triệu chứng, giảm gánh nặng cho tim và có thể giải quyết nguyên nhân gây ra suy tim phải. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sỹ có thể chỉ định chữa trị kết hợp các biện pháp sau:
Điều trị nội khoa bằng sử dụng thuốc
Một số thuốc được sử dụng trong việc điều trị suy tim phải bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu: nhằm đào thải bớt lượng dịch dư thừa có trong cơ thể. Tùy thuộc vào từng mức độ nặng nhẹ của tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có các chỉ định các loại thuốc phù hợp.
- Thuốc ức chế men chuyển, nitrat tác dụng kéo dài, nhóm chẹn thụ thể an giotensin: là loại thuốc làm giảm gánh nặng cho tim và rất hữu ích cho những người bệnh suy tim phải nặng.
- Nhóm chẹn Beta có thể giúp giải quyết chứng loạn nhịp và ngăn ngừa tử vong ở những người bệnh suy tim phải.
- Digita lis có thể được bác sỹ chỉ định để tăng khả năng co bóp của cơ tim và giúp làm giảm thiểu nguy cơ tái nhập viện.
Thay đổi lối sống sinh hoạt
Người bệnh suy tim phải cần chú ý một số điểm sau để kiểm soát tốt những triệu chứng của bệnh:
- Ăn uống lành mạnh: hạn chế ăn đồ mặn và uống một lượng nước hợp lý hằng ngày, ăn ít chất đường, nội tạng động vật, chất béo bão hòa có trong mỡ,... Tăng cường ăn nhiều loại rau xanh, trái cây, sản phẩm từ sữa ít béo, cá tươi ...
- Giảm cân nếu như thừa cân
- Bỏ hút thuốc và hạn chế uống nhiều rượu bia.
- Tránh căng thẳng quá mức
Phẫu thuật
Nếu thuốc và thay đổi lối sống sinh hoạt tỏ ra không hiệu quả trong việc quản lý suy tim phải, hoặc là các triệu chứng trở nên nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng, người bệnh có thể được chỉ định 1 số thiết bị hỗ trợ cấy ghép như sau:
- Thiết bị hỗ trợ tâm thất (Hay Ventricular assist device): giúp làm hỗ trợ khả năng co bóp của tâm thất.
- Máy khử rung tích hợp tạo nhịp tim: dùng trong các trường hợp người bệnh bị rối loạn nhịp tim nghiêm trọng.
- Ghép tim: là phương pháp cuối cùng khi mà tất cả các giải pháp điều trị đều thất bại. Trái tim bị “hư hỏng” có thể sẽ được thay thế bằng 1 trái tim khỏe mạnh của người hiến tặng.
Việc phát hiện sớm và quản lý chặt chẽ quá trình chữa trị có thể giúp cho người bệnh suy tim phải tránh khỏi các biến chứng nguy hiểm và sự suy giảm sức khỏe một cách đáng kể. Nếu bạn hoặc người thân của mình gặp phải bất kỳ những triệu chứng nào của suy tim phải, thì hãy nắm lấy cơ hội làm chủ căn bệnh này bằng cách là sớm đi khám và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.
Xem thêm:
- Suy tim và máy tạo nhịp tim
- Khó thở, nhịp tim nhanh có phải bị suy tim không?
- 8 điều ít biết về căn bệnh suy tim