Suy dinh dưỡng bào thai
Thiên chức cao quý nhất của người phụ nữ là làm mẹ và mang thai là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của người phụ nữ. Đi cùng với đó là những nỗi lo về sức khỏe của mẹ và thai nhi. Và một trong những nỗi lo mà chúng ta cần quan tâm đó là suy dinh dưỡng bào thai. Vậy suy dinh dưỡng bào thai là gì ?
Suy dinh dưỡng bào thai
Thiên chức cao quý nhất của người phụ nữ là làm mẹ và mang thai là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của người phụ nữ. Đi cùng với đó là những nỗi lo về sức khỏe của mẹ và thai nhi. Và một trong những nỗi lo mà chúng ta cần quan tâm đó là suy dinh dưỡng bào thai. Vậy suy dinh dưỡng bào thai là gì ?
1. Khái niệm
Suy dinh dưỡng bào thai là sự phát triển chậm hoặc kém của thai nhi khi vẫn còn trong bụng mẹ. Đây là thể suy dinh dưỡng sớm nhất, trẻ sinh ra không được đến 2,5 kg dù đủ tháng.
2. Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai
Độ tuổi của người mẹ khi mang thai
Cơ thể người phụ nữ bắt đầu lão hóa khi bước sang tuổi 30. Mang thai khi càng lớn tuổi thai nhi càng dễ bị suy dinh dưỡng vì không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Trẻ sinh ra thường kém thông minh, mắc hội chứng down, dị tật tim bẩm sinh, hở hàm ếch... Độ tuổi sinh đẻ tốt nhất của người phụ nữ là từ 25-30 tuổi.
Dinh dưỡng trong thai kỳ
Khi mang thai, dinh dưỡng của thai nhi phụ thuộc vào dinh dưỡng của người mẹ.
Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ không chỉ cung cấp đầy đủ về số lượng mà còn phải đảm bảo cả về chất lượng. Cần cung cấp đủ 4 nhóm chất là chất bột, chất đạm, chất béo và vitamin cùng khoáng chất.
- Thiếu sắt
Mẹ bầu bổ sung hàm lượng sắt không đủ khi mang thai thì quá trình dưỡng thai cũng sẽ không hiệu quả, trẻ sinh ra dễ bị nhiễm trùng, chỉ số thông minh thấp... hay trẻ đã bị suy dinh dưỡng bào thai.
- Ăn quá nhiều
Mẹ bầu ăn nhiều nhưng nguồn dinh dưỡng kém cộng với không ăn đầy đủ các loại thực phẩm cũng sẽ khiến thai nhi bị thiếu đa vi chất dẫn đến chậm phát triển.
Ăn quá nhiều dẫn tới mẹ bầu thừa cân, béo phì có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi như sinh non, tiểu đường, thậm chí có thể khiến thai chết lưu. Việc ăn quá nhiều cũng khiến các mẹ bầu dễ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tiền sản giật.
- Ăn đêm
Ăn đêm không những không cung cấp được dinh dưỡng cho thai nhi mà còn gây hại nhiều đến người mẹ. Trước khi đi ngủ 1 tiếng, các mẹ nên uống một cốc sữa ấm để ngủ ngon hơn và có lợi cho sức khỏe của mình cũng như em bé.
- Bổ sung sớm canxi
Sử dụng canxi quá nhiều và sớm sẽ khiến canxi đọng ở bánh rau, làm giảm chất lượng bánh rau, giảm sự trao đổi dưỡng chất khiến thai kém phát triển. Mẹ bầu uống quá nhiều canxi còn có thể mắc bệnh sỏi đường tiết niệu và sỏi thận.
Sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng đến thai nhi
Sức khỏe mẹ không được tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi.
Nếu người mẹ khỏe mạnh sẽ đẻ ra những đứa con khỏe mạnh.
Trong thời gian có thai, nếu người mẹ bị cúm, sốt phát ban, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp, sẽ dễ đẻ ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh.
Khi mẹ đang có bệnh mãn tính như sốt rét, viêm gan, thấp tim cần phải chữa khỏi bệnh rồi mới mang thai. Có những bệnh của người mẹ có khả năng lây truyền cho con như giang mai, AIDS, vì vậy cần phải khám sức khỏe, nếu thật sự khỏe mạnh thì mới nên sinh con.
Môi trường làm việc của người mẹ
Lao động càng nặng thì tiêu hao năng lượng càng nhiều. Khi mang thai, ngoài năng lượng tiêu hao do lao động, người mẹ còn phải dành một phần năng lượng cho phát triển thai nhi và dự trữ bài tiết sữa sau khi sinh.
Nếu mẹ làm việc nặng nhọc, đầu óc luôn bị căng thẳng, áp lực, ô nhiễm,...sẽ không đảm bảo các yếu tố như năng lượng, thể chất, tính an toàn để giúp thai nhi phát triển toàn diện
Nhau thai kém phát triển
Nhau thai giúp vận chuyển hormone và những dưỡng chất cần thiết cho bào thai. Bánh nhau nhỏ sẽ cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng từ mẹ do đó trẻ dễ còi cọc sau sinh.
3. Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng bào thai
Bé sẽ dễ bị nhiễm khuẩn
Trẻ suy dinh dưỡng thường thiếu hụt các vitamin, đặc biệt là vitamin A và C, là những chất rất quan trọng với hệ thống miễn dịch. Cơ thể trẻ dễ bị nhiễm các bệnh: tiêu chảy, khô mắt, sởi, viêm đường hô hấp...
Bé dễ bị hạ thân nhiệt
Trẻ suy dinh dưỡng bào thai rất nhạy cảm với nhiệt độ, nếu không được ủ ấm kịp thời, thân nhiệt của trẻ có thể bị giảm mạnh và có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Đường huyết dễ bị hạ
Các biểu hiện chứng tỏ trẻ bị hạ đường huyết như trẻ rên nhẹ, run rẩy, co giật, tím tái, ngưng thở... Ðể hạn chế điều này, bạn cần cho trẻ bú sữa càng sớm càng tốt.
Cân nặng, chiều cao phát triển chậm hơn trẻ bình thường
Những bé bị suy dinh dưỡng bào thai luôn ốm yếu, gầy còm, chiều cao phát triển rất chậm.
Cha mẹ cần phải theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ. Nếu bất thường thì phải đưa trẻ đi khám.
Bé có thể bị những di chứng về tâm thần
Một số trường hợp, trẻ suy dinh dưỡng ở mức độ cao, dù có thể sống sót nhưng trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu về thần kinh như chậm phát triển về thần kinh. Cha mẹ cần phối hợp với bác sĩ để có những giải pháp tốt nhất cho trẻ.
4. Chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai
- Ủ ấm cho trẻ, cho trẻ nằm cạnh mẹ ngay sau khi sinh.
- Theo dõi cơ thể bé nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu như bé bị hạ thân nhiệt, hạ đường máu, hay hạ canxi máu.
- Tắm nước sạch, thay băng rốn cho bé hàng ngày
- Cho trẻ bú mẹ sớm, trong nửa giờ đầu sau khi sinh. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, cho trẻ bú nhiều lần (kể cả ban đêm)
- Chỉ cho ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi. Đảm bảo khẩu phần ăn của trẻ có đủ dinh dưỡng cả về lượng và chất. Trẻ ăn ít nên cho ăn nhiều bữa trong ngày. Chế biến thức ăn giàu năng lượng: giá đỗ, mầm lúa...Tăng dầu mỡ trong các bữa ăn dặm của trẻ.Nên chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D...để giúp trẻ phát triển chiều cao, phòng ngừa suy dinh dưỡng.
- Bổ sung cho trẻ thêm men tiêu hóa, kẽm, vitamin nhóm B, lysin, canxi, vitamin D... và tiêm vacxin đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Chăm sóc tâm lý: cả nhà nên âu yếm, vỗ về biểu lộ tình cảm yêu thương dành cho trẻ. Trẻ cần được khích lệ, trò chuyện để ổn định và phát triển trí tuệ.
5. Cách phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai
- Khi biết có thai các mẹ bầu cần ăn no, ăn đủ chất, đặc biệt là các loại đậu, trứng, tôm, cá, rau, hoa quả tươi...
- Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng,lo âu...
- Không sử dụng các chất kích thích: rượu, bia, cà phê, thuốc lá...
- Tập thể dục nhẹ nhàng: đi bộ, yoga,...
- Cần có kế hoạch hóa gia đình: Các gia đình nên đẻ thưa, không nên đẻ khi còn quá ít tuổi ( dưới 18) và nhiều tuổi quá ( trên 35) sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.
- Khi đã phát hiện có thai, các bà mẹ cần được đi khám thai định kỳ 1 tháng 1 lần. Khám để bác sĩ có thể phát hiện được các bất thường về thai nhi để có cơ sở tư vấn cho các bà mẹ chăm sóc trẻ khi còn trong bụng mẹ không bị suy dinh dưỡng.
- Bổ sung thêm các loại vitamin: vitamin B1, B6, sắt, axit folic, canxi... theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Suy dinh dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn cho sự phát triển của trẻ sau này, vì vậy trong quá trình mang thai các mẹ bầu hãy chăm sóc tốt cho bản thân mình cũng như chăm sóc cho thai nhi để bé có thể sinh ra khỏe mạnh.
Xem thêm:
- Mách mẹ cách chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai
- Bào thai suy dinh dưỡng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bé?
- Suy dinh dưỡng bào thai ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của trẻ?