Sự thật đằng sau chuyện ăn cá khô gây ung thư

Gần đây có rất nhiều thông tin về việc các thực phẩm quen thuộc hay được người Việt Nam tiêu thụ lại chứa các tác nhân gây ung thư. Trong đó không ít thông tin cho rằng ăn cá khô gây ung thư, vậy sự thật của việc này là gì?

Sự thật đằng sau chuyện ăn cá khô gây ung thư Sự thật đằng sau chuyện ăn cá khô gây ung thư

Sát thủ gây ung thư ẩn trong các loại thực phẩm được tiêu thụ hàng ngày

GS.TS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết ở Việt Nam, số ca mắc ung thư tăng nhanh là do 3 nguyên nhân chính: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, do tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân từ thực phẩm đứng đầu chiếm khoảng 35%, thuốc lá chiếm 30%, di truyền chỉ chiếm 5-10%.

Trong đó thuốc lá là cái chúng ta nhìn thấy được để tránh còn thực phẩm bẩn rất đa dạng, không thể tránh được hết. Vì bản thân thực phẩm không hại nhưng các hóa chất sử dụng trong quá trình tạo ra, bảo quản, chế biến thực phẩm lại là thứ nguy hại. Và thông qua ăn uống những thứ độc hại này chui vào cơ thể con người mà chúng ta không kiểm soát được.

Ví như rau xưa không thuốc trừ sâu, không kích thích tăng trưởng. Rau nay hôm trước bơm thuốc hôm sau thu hoạch.

Để thực phẩm nhìn đẹp mắt, để được lâu, người bán đổ chất bảo quản vào thịt cá, hoa quả, đồ ăn chín, đồ đóng hộp, dùng hoá chất công nghiệp nhuộm màu thực phẩm... chưa kể thực phẩm ôi thiu vẫn được tái chế để đem ra kinh doanh như thường.

vicare.vn-su-dang-sau-chuyen-ca-kho-gay-ung-thu1

Khi ăn phải thực phẩm bẩn, thực phẩm tồn dư hóa chất tuy không bị ung thư ngay, nhưng dần dần những chất độc tích tụ trong cơ thể, đến thời điểm nhất định sẽ trở thành tác nhân gây ung thư.

Ngoài nguồn gốc thực phẩm và chất lượng thực phẩm, một tác nhân gây ung thư phổ biến ở Việt Nam là do chế biến thực phẩm sai cách xuất phát từ thói quen, sở thích ăn uống:

  • Chiên rán, nướng thực phẩm ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra các amin dị vòng có khả năng gây ung thư hoặc hình thành các hydrocarbon thơm đa vòng gây ung thư.
  • Tâm lý tiếc của khiến nhiều người ăn gạo mốc, các loại hạt mốc, đồ khô bị nấm mốc...
  • Tiêu thụ nhiều những thực phẩm như mắm tôm, dưa muối, hành muối... là những tác nhân gây ung thư.
  • Đồ ăn quá nóng, quá mặn cũng là tác nhân gây một số loại ung thư như ung thư thực quản, ung thư đường tiêu hoá (đặc biệt là dạ dày, ruột).
  • Ăn nhiều chất béo, mỡ động vật làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vú, đại trực tràng, tuyến tiền liệt.

Chất gây ung thư có trong cá khô, hải sản khô

Kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) cho thấy trong một số sản phẩm đồ khô (mực khô, cá nục hấp sấy khô) tại một số địa phương có chứa chất Bifenthrin. Một loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm hoa Cúc tổng hợp.

Bifenthrin (min 97%), có tên trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật do Bộ NN&PTNT ban hành tại Việt Nam. Có tên thương mại là Talstar 10 EC, có tác dụng trị sâu khoang trên cây lạc, do Công ty FMC Chemistries International AG (của Mỹ) đăng ký xuất vào Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới - WHO xếp Bifenthrin nằm trong nhóm độc 2. Nếu sử dụng trên người có thể gây ngộ độc, biểu hiện như nôn mửa, chóng mặt đau đầu. Hàm lượng lớn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Độc tính của Bifenthrin trên các loài có vú và con người được thấy là rất nhẹ. Tuy nhiên, nếu tích lũy nhiều trong thực phẩm có thể gây một số nguy cơ: Người ăn phải thực phẩm chứa Bifenthrin lâu ngày có thể bị ngộ độc. Các triệu chứng gặp phải là buồn nôn, đau đầu, tăng mẫn cảm với âm thanh và rung động, dị ứng ngoài da và mắt. Các nghiên cứu còn cho thấy Bifenthrin có thể gây ảnh hưởng đến ADN và gene. Bifenthrin có thể gây ức chế chức năng LFA-1/ICAM của tế bào T, có thể dẫn đến viêm và có thể gây các bệnh tự miễn như hen suyễn, viêm phổi, viêm khớp và ung thư.

vicare.vn-su-dang-sau-chuyen-ca-kho-gay-ung-thu2

EPA (cơ quan bảo vệ môi sinh - Hoa Kỳ) xếp Bifenthrin vào nhóm C trong phân loại các chất gây ung thư, là chất có thể gây ung thư trên người.

Tuy nhiên trong thực tế không chỉ có Bifenthrin, mà còn rất nhiều chất cấm khác được sử dụng trong trồng trọt, chế biến hay bảo quản thực phẩm mà các cơ quan chức năng chưa phát hiện ra và cũng không kiểm soát được.

Đúng - sai việc ăn cá khô gây ung thư?

Trong công đoạn chế biến các loại cá, tôm, mực khô thường dùng nhiều muối (có ướp tẩm thêm muối trước khi xử lý làm khô) giúp sản phẩm bảo quản được lâu hơn nhưng lại có nguy cơ làm tăng tiêu thụ muối dẫn đến cao huyết áp ở người dùng. Nhóm thực phẩm này lại thường bị tẩm màu, phết dầu bóng nên mặc dù trông ngon mắt nhưng nguy cơ ngộ độc màu công nghiệp và hóa chất độc hại rất cao. Ngoài ra, bạn có bảo quản hải sản khô ở ngăn mát tủ lạnh thì nó vẫn có thể bị ẩm và mọc nấm mốc. Tiêu thụ thực phẩm bị ẩm mốc thì xác định chắc chắn là chúng ta đã đưa một lượng chất độc hại vào người

Chưa kể đến việc một số loại cá nếu không biết cách chế biến sẽ gây nguy cơ tử vong cao cho người dùng, điển hình là khô cá nóc. Thường được làm khi cá đã chết, ươn thối vỡ ruột, chất độc từ ruột của cá nóc sẽ thấm vào thịt cá, dẫn đến người ăn khô cá nóc vẫn có khả năng bị ngộ độc.

Như vậy chúng ta có thể thấy, về bản chất cá khô, hải sản khô không phải là tác nhân gây ung thư mà chính là cách chế biến, hóa chất sử dụng trong chế biến - bảo quản mới là các yếu tố gây ung thư. Nói đến đây chắc bạn đã có thể trả lời được thắc mắc ăn cá khô gây ung thư là đúng hay sai. Để từ đó chúng ta biết cách lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm nói chung, cá khô, hải sản khô nói riêng sao cho khoa học, an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân.

Có nhiều người lo lắng ăn cá khô gây ung thư, điều này cũng không phải không có căn cứ nhất là khi chúng ta không biết thực phẩm nào sạch, thực phẩm nào bẩn. Cách tốt nhất vẫn là nâng cao hiểu biết của bản thân để biết phân biệt thực phẩm sạch - bẩn, chọn lựa thực phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín. Và có điều kiện nữa thì tự canh tác theo xu hướng sạch, hữu cơ để có được nguồn thực phẩm đảm bảo.

Xem thêm :

  • Ăn rau sống không đúng cách rước bệnh vào người
  • Nguy hiểm khôn lường nếu ăn phải cá bị nhiễm độc Formosa
  • Cá và axit béo omega 3