Sốt cao, nổi hạch, đau hạch - dấu hiệu cảnh báo bệnh dịch hạch

Bệnh dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra. Khi có các triệu chứng sốt, nổi hạch, đau hạch...là một trong dấu hiệu cho biết bạn đang mắc căn bệnh cực kỳ nguy hiểm này.

Sốt cao, nổi hạch, đau hạch - dấu hiệu cảnh báo bệnh dịch hạch Sốt cao, nổi hạch, đau hạch - dấu hiệu cảnh báo bệnh dịch hạch

Bệnh dịch hạch được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế, bệnh được lây truyền từ người sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn. Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, mùa này phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét.

Nguyên nhân gây bệnh dịch hạch

vicare.vn-sot-cao-noi-hach-dau-hach-dau-hieu-canh-bao-benh-dich-hach-body-1
Con đường lây truyền của bệnh dịch hạch
  • Bọ chét và vật ký sinh trên cơ thể chuột, hút máu động vật mang bệnh (chuột, thỏ, nhím...) rồi cắn người và gây bệnh.
  • Vi khuẩn từ động vật nhiễm bệnh nhiễm sang người qua da bị trầy xước hoặc bị động vật mang bệnh cào, cắn.
  • Người hít trực tiếp vi khuẩn từ không khí.

Triệu chứng bệnh dịch hạch

Bệnh dịch hạch ở người gồm có các thể: Thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch. Bệnh dịch hạch biểu hiện triệu chứng đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, sau đó toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch. Mỗi thể dịch hạch có các triệu chứng khác nhau như:

Thể hạch

Bệnh nhân có các biểu hiện như:

  • Bệnh nhân rét run, sốt cao trên 38 độ C.
  • Nổi hạch ở bẹn, nách, cổ, dưới hàm, dọc cơ ức đòn chũm. Hạch sưng to, rất đau, hạch viêm sẽ hoá mủ, tự vỡ, chảy dịch mủ và máu, chất hoại tử và lâu liền vết thương, nếu thành sẹo sẽ bị co rúm. Nếu được điều trị sớm, đúng phác đồ hạch sẽ thu nhỏ lại.

Ngoài ra, khi toàn thân người bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc nặng sẽ có những triệu chứng: Sốt cao liên tục hoặc dao động, mức độ sốt có liên quan đến mức độ nặng nhẹ của bệnh; mạch thường nhanh, thở nhanh; nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, nếu nặng hơn thì li bì hốt hoảng, mê sảng; nước tiểu ít, sẫm màu, phân có thể lỏng...; da niêm mạc xung huyết, mặt đỏ, mắt đỏ, môi khô, lưỡi bẩn, trắng...

Thể phổi

Dịch hạch tiến triển nhanh và nguy cơ lây lan cao, bệnh nhân ở thể này có các triệu chứng đáng chú ý như:

  • Bệnh nhân sốt cao, rét run, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, bứt rứt.
  • Khoảng 24 giờ sau bệnh nhân có biểu hiện đau tức ngực, khó thở, thở nhanh nông, đi kèm với triệu chứng ho có đờm nhầy và loãng, sau đặc dần, có máu hoặc có nước bọt.

Thể nhiễm trùng huyết

Thể này chỉ đứng sau thể hạch, số bệnh nhân mắc thể bệnh này khá cao với các triệu chứng đặc thù như:

  • Bệnh nhân sốt cao 40-41 độ C, rét run, đau đầu dữ dội, tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần.
  • Bệnh nhân nói sảng, hốt hoảng, vật vã, kích động, thở nhanh nông...

Dịch hạch thể màng não

Các trường hợp mắc thể này ít gặp, thường xuất hiện kèm sau thể hạch, thể nhiễm trùng huyết.

Đường lây của bệnh dịch hạch

vicare.vn-sot-cao-noi-hach-dau-hach-dau-hieu-canh-bao-benh-dich-hach-body-2
Bệnh dịch hạch là căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của con người

Bệnh dịch hạch có 4 đường lây, trong đó chủ yếu lây qua đường máu.

  • Đường máu: Bệnh nhân bị lây qua vết đốt của côn trùng, chủ yếu là do bọ chét Xenopsylla cheopis. Bọ chét hút máu làm lan truyền bệnh trong các giống chuột và từ chuột sang người.
  • Đường tiêu hoá: Những thực phẩm, nước bị ô nhiễm do chuột trực tiếp gieo rắc mầm bệnh vào. Trên thực tế đường lây này ít nguy hiểm vì trực khuẩn dịch hạch dễ bị chết khi đun sôi, nấu chín.
  • Đường hô hấp: Từ bệnh nhân bị dịch hạch thể phổi có thể lây trực tiếp cho người xung quanh qua các giọt đờm, nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện...
  • Đường da, niêm mạc: Khi da trên cơ thể người bị trầy xước, tổn thương các vi khuẩn từ động vật nhiễm bệnh có thể xâm nhập qua da gây bệnh, những trường hợp này rất hiếm gặp.

Điều trị bệnh dịch hạch

Để điều trị dịch hạch, hãy đến cơ sở y tế để điều trị trong thời gian sớm nhất. Bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được nếu được phát hiện sớm. Bệnh nhân mắc bệnh dịch hạch phải cách ly nhanh chóng, sớm điều trị để tránh lây lan bệnh cho mọi người.

Bệnh nhân được bác sĩ dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn dịch hạch như: Streptomycin, Tetracycline, Chloramphenicol, Trimethoprim... Điều trị triệu chứng: truyền dịch để bù nước điện giải, chống toan huyết, dùng các loại thuốc trợ tim mạch, giảm đau và hạ sốt, an thần, chống choáng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, xuất huyết, nhằm nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhân bằng việc dùng vitamin nhóm B, C, chế độ dinh dưỡng tốt...

Cách phòng ngừa bệnh dịch hạch

  • Thường xuyên vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, cất giữ lương thực cho người, gia súc kín đáo tránh để chuột và các loài gặm nhấm.
  • Tiêm chủng Vacxin EV (vacxin sống) chủng hoặc tiêm trong da cho người ở trong ổ dịch nhưng chưa có miễn dịch hoặc người phải đi công tác vào vùng có dịch.
  • Khi xử lý động vật chết phải đeo găng tay để tránh tiếp xúc da với vi khuẩn dịch hạch (nếu có).
  • Thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét, phá hủy nơi sinh sản của chuột (chú ý diệt bọ chét trước, diệt chuột sau).
  • Khi thấy nhiều chuột chết bất thường phải báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất, không diệt chuột khi đang xảy ra dịch ở chuột và người.
  • Khi thấy các triệu chứng nghi dịch hạch như sốt, nổi hạch người bệnh phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám điều trị cách ly tránh lây lan cho mọi người.

Xem thêm:

  • Bệnh dịch hạch lây qua đường nào?
  • Bệnh dịch hạch có chữa được không?