Sẹo mổ sau sinh hình thành như thế nào?

Vấn đề khiến nhiều chị em lo lắng và quan tâm nhất sau sinh mổ chính là thời gian liền sẹo, đặc biệt là tính thẩm mỹ của vết sẹo mổ. Nhiều mẹ thắc mắc làm sao để hạn chế thấp nhất những nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng hồi phục và ít để lại sẹo mổ sau sinh.

Sẹo mổ sau sinh hình thành như thế nào? Sẹo mổ sau sinh hình thành như thế nào?

Sự hình thành của sẹo mổ sau sinh

Khác với cách thức sinh thường qua ngả âm đạo, sinh mổ là phương pháp phẫu thuật lấy em bé qua vết rạch ở bụng và tử cung của người mẹ. Sau khi đã được vệ sinh và vô trùng, đặt ống thông tiểu, truyền dịch, gây mê màng cứng cột sống (trong một vài trường hợp mổ sinh khẩn cấp, bác sĩ sẽ gây mê toàn thân) quá trình can thiệp để đưa em bé ra ngoài bắt đầu.

  • Một vết rạch ngang (hoặc có thể theo chiều dọc từ phía trên xương mu đến gần rốn) cạnh đường lông mu có chiều dài khoảng 10 - 15 cm sẽ được tiến hành.
  • Tiếp theo sau lớp rạch qua da là rạch một đường qua lớp mô mỡ, cơ bắp và cuối cùng là rạch vào tử cung để tiếp cận thai nhi.
  • Thông qua vết mổ, em bé được đưa ra ngoài. Bác sĩ sẽ loại bỏ nhau thai và làm sạch tử cung, lần lượt khâu các vết cắt bằng chỉ tự tiêu.
vicare.vn-seo-mo-sau-sinh-hinh-thanh-nhu-the-nao-body-1

Có phải tất cả vết mổ đẻ đều để lại sẹo?

Sẹo là kết quả của quá trình phục hồi vết thương trên da và mô tự nhiên. Thông thường, điều này sẽ trải qua 3 giai đoạn: phản ứng viêm, tăng sinh và tái tạo tổ chức. Ngoại trừ những tổn thương rất nhỏ, còn lại đa số vết mổ đều để lại sẹo. Do đó, sẹo mổ sau sinh cũng không là trường hợp ngoại lệ.

Tuy nhiên, sẹo mổ đẻ có hình thái không giống nhau ở tất cả chị em phụ nữ. Chúng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: mức độ tổn thương, khả năng can thiệp, khả năng nhiễm trùng, cơ địa, sắc tố da, tuổi tác, cách chăm sóc, chế độ ăn uống, ...

Sẹo mổ sau sinh được cho là bình thường khi vùng sẹo bằng phẳng, không bị kéo da xung quanh, màu trắng hồng, sờ vào thấy mềm mại, có một đường lằn mờ trên da bụng, không kèm theo triệu chứng bất thường nào tại chỗ.

Những phiền toái do sẹo mổ sau sinh

Các rắc rối do sẹo mổ sau sinh luôn là “trăn trở” của không ít chị em. Dưới đây là một số vấn đề mà các mẹ có thể gặp phải:

Bị ngứa tại vết sẹo mổ

Tình trạng khổ sở do ngứa sẹo mổ khá phổ biến và gây ra nhiều khó chịu. Mỗi khi thời tiết thay đổi, hình thành tế bào mới hoặc ăn phải loại thực phẩm kích ứng thì các cơn ngứa sẽ dữ dội hơn. Thế nhưng không phải tất cả chị em đẻ mổ đều bị ngứa. Nó còn phụ thuộc phần nhiều vào cơ địa của mỗi người. Do vậy, một số sản phụ có thể trạng dễ bị sẹo lồi, mổ đẻ nhiều lần hay không kiêng cữ vết mổ theo chỉ dẫn sẽ bị ngứa nhiều hơn.

Sẹo mổ gây mất thẩm mỹ

Trong quá trình lành vết thương, cơ thể sản phụ sản sinh lượng collagen quá mức tại khu vực trung bì da, khiến các mô sẹo xếp chồng lên nhau, dẫn đến sẹo lồi. Khi sờ vào sẽ cảm thấy vết sẹo mổ gồ lên và cứng, có thể lan rộng ra. Các triệu chứng đi kèm có thể xảy ra như ngứa, đau nhức, co kéo da, ...

Sẹo lồi được xem là một loại sẹo mổ bệnh lý của da, gây ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý, thẩm mỹ và sức khỏe của sản phụ. Các vết sẹo này không thể tự hết mà không can thiệp và điều trị đúng phương pháp.

Sẹo mổ bị nhiễm trùng

Khi vết sẹo đã liền da nhưng do tác động (không chăm sóc tốt cho vết thương, ngứa, bên trong có dị vật, ...) có thể gây xước, dẫn đến nhiễm trùng. Nếu không có phương pháp chữa trị kịp thời sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng, hoại tử, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

vicare.vn-seo-mo-sau-sinh-hinh-thanh-nhu-the-nao-body-2

Chăm sóc đúng cách để tránh sẹo mổ sau sinh

Vệ sinh vết mổ cẩn thận

Vấn đề hậu phẫu rất quan trọng đối với mẹ sinh mổ. Sản phụ cần tuân theo đúng chỉ dẫn và tư vấn của chuyên gia về cách chăm sóc vết mổ. Không nên băng kín vết mổ cho đến khi lành hẳn mà chỉ kéo dài sau phẫu thuật 24 giờ đến một vài ngày. Sau đó, các mẹ nên tháo băng để vết mổ khô ráo và được “thở”. Điều này sẽ giúp cho vết mổ không bị nhiễm trùng, chóng lành.

Luôn giữ cho vết mổ không bị dính nước, bụi bẩn bám vào và sát trùng mỗi ngày theo hướng dẫn. Rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi vệ sinh vết mổ bằng dung dịch Betadine. Dùng bông và khăn mềm lau nhẹ. Khi vết mổ chưa lành cần hạn chế kỳ cọ mạnh gây tác động đến vết mổ, đặc biệt không ngâm người trong bồn nước, hồ bơi. Mặc quần áo rộng rãi để không cọ xát vào vết mổ.

Mỗi khi thay băng, vệ sinh cần quan sát tình trạng vết mổ có bị đỏ, sưng, đau, chảy dịch hay máu không. Nếu hiện tượng khó chịu, đau và bất thường tại vết mổ không thuyên giảm, ngày càng tăng thì cần quay lại bệnh viện để kiểm tra. Đồng thời, mẹ cần tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra mức độ phục hồi của sẹo mổ và đưa ra chỉ dẫn tiếp theo.

Trị sẹo càng sớm càng tốt

Cần áp dụng trị sẹo ngay khi vết thương kéo da non để sẹo mổ không gây mất thẩm mỹ. Nếu càng để lâu thì càng khó làm mờ sẹo, đòi hỏi phải bỏ ra nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.

Kem trị sẹo mổ hay được sử dụng vì tính tiện lợi (không ảnh hưởng việc cho bé bú, tiết kiệm chi phí, dễ dàng sử dụng, ...). Sản phụ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bôi thuốc trị sẹo để đảm bảo an toàn và tránh tác dụng phụ. Các thành phần có trong kem trị sẹo thường bao gồm silicone mỏng, polypeptide, chất chống oxy hóa, coenzyme Q-10, vitamin E, vitamin C, ... Chúng thẩm thấu qua da, kích thích các tế bào mới phát triển, tăng độ đàn hồi, giảm sắc tố da, làm sẹo mờ đi. Các mẹ cần kiên trì bôi để sẹo mổ cải thiện tốt nhất.

Chú ý chế độ ăn uống

Sẹo mổ có mối liên quan đến chế độ ăn uống trong việc ngăn ngừa hình thành sẹo, chính vì vậy chị em sau sinh cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Bổ sung nhiều chất đạm lành tính có trong thịt heo nạc, cá và các loại đậu, sữa, ... Protein có trong nhóm thực phẩm này sẽ giúp thúc đẩy tạo ra các tế bào mới và các thành phần làm lành sẹo, liền vết thương như collagen, fibronectin.
  • Không ăn các loại gia vị, đồ ăn kích thích như ớt, tỏi, hành tây, ... bởi chúng không tốt cho vết mổ, gây ngứa. Nếu bạn có cơ địa bị dị ứng thì nên tránh một số thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, đồ tanh, thịt gà, thịt bò, đồ nếp, trứng, rau muống, ...
  • Nên ăn uống đúng liều lượng, không ăn quá no bởi điều này sẽ khiến dạ dày bị rối loạn chức năng, tăng lưu lượng máu làm sẹo mổ đầy lên nhanh quá mức.
  • Tăng cường các vitamin giúp lành da, nhất là vitamin nhóm B12, vitamin B5. Đây là yếu tố tích cực đóng vai trò hình thành tế bào mới, thúc đẩy tổng hợp protein và chuyển hóa dinh dưỡng tại các tế bào. Sản phụ bị sẹo mổ giai đoạn làm lành da nên sử dụng hàng ngày thành phần bổ sung B complex.

Một số mẹo hay giúp mẹ xóa sẹo mổ sau sinh

Mát-xa

Dầu vitamin E có tác dụng làm mờ sẹo hoặc dầu oliu, trà xanh hay oải hương cũng có công hiệu tương tự. Đối với tinh dầu oải hương, nếu độ đậm đặc nhiều thì bạn có thể pha loãng với vài giọt nước để da không bị nóng rát. Thực hiện mát-xa bằng cách bôi chất lỏng lên vùng sẹo và nhẹ nhàng xoa trong khoảng 5 – 10 phút để có sự thẩm thấu, tăng tuần hoàn máu, tái tạo sợi collagen, kích thích làm liền sẹo. Nên duy trì đều đặn mỗi ngày để đạt được kết quả tốt nhất.

vicare.vn-seo-mo-sau-sinh-hinh-thanh-nhu-the-nao-body-3

Dùng nước chanh

Trong nước cốt chanh có thành phần làm mờ sẹo, giảm thâm. Dùng bông thấm nước chanh tươi, xoa lên vết sẹo. Sau đó rửa lại bằng nước ấm khi đã được khoảng 20 phút. Khi áp dụng biện pháp này cần tránh ánh nắng mặt trời tiếp xúc với sẹo mổ và không nên bôi lên vết sẹo mổ còn mới.

Ngoài ra, một số cách khác cũng hay được chị em sau sinh dùng để giảm thiểu sự xuất hiện của sẹo mổ như: bôi vaseline, mật ong, chiết xuất từ rễ cam thảo, ... Tuy nhiên, các mẹ không nên tùy tiện sử dụng mà cần có sự tư vấn của chuyên gia để không ảnh hưởng đến vết mổ và sức khỏe của bản thân.

Xem thêm:

  • Sinh mổ nên ăn gì để tránh nhiễm trùng, nhanh liền sẹo?
  • Nên làm gì nếu vết sẹo mổ gây kích ứng với bạn?
  • Vết sẹo mổ có thể dài bao nhiêu?