Sensa Cool trị nhiệt miệng có tốt không?
Ai cũng đã từng bị nhiệt miệng, và những vết nhiệt miệng dù nhỏ nhưng cũng rất khó chịu và bất tiện mỗi khi ăn. Vì vậy, ai cũng muốn nhanh khỏi nhiệt miệng. Nhiều người cho rằng nhiệt miệng là do nóng trong người, và chỉ cần sử dụng các sản phẩm thanh nhiệt như Sensa Cool là có thể chữa được nhiệt miệng.
Sensa Cool trị nhiệt miệng có tốt không?
Cùng tìm hiểu xem Sensa Cool có tác dụng chữa nhiệt miệng không trong bài viết dưới đây nhé.
Bệnh nhiệt miệng là gì?
Bệnh nhiệt miệng là những vết loét trong miệng, nhỏ khoảng bằng đầu đũa. Những vết loét này nông, lõm vào như miệng núi lửa, và thường có màu trắng. Nhiệt miệng rất đau và khó chịu, nhất là khi ăn uống. Thường sau một đến hai tuần, nhiệt miệng sẽ tự khỏi.
Vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh nhiệt miệng, tuy nhiên một số nguyên nhân gây nhiệt miệng là:
- Tổn thương miệng do vô tình cắn phải niêm mạc miệng, hoặc do đánh răng, chà xát quá mạnh.
- Ăn nhiều các thực phẩm chua, cay.
- Căng thẳng.
- Thay đổi nội tiết tố.
- Thiếu vitamin B, acid folic, sắt hoặc kẽm.
- Triệu chứng kèm theo của một số bệnh rối loạn hệ miễn dịch như HIV, bệnh Crohn, ...
Sensa Cool chữa được nhiệt miệng không?
Sensa Cool là một loại bột sủi hòa tan trong nước, gồm các chiết xuất từ chanh, vỏ quế, thảo mộc, vitamin C và đường sucrose. Sensa Cool có tác dụng thanh nhiệt cho cơ thể và có thể giảm những triệu chứng nóng trong người như nổi mụn và nhiệt miệng. Trong Sensa Cool còn chứa vitamin C, là chất giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Nhìn chung, Sensa Cool có thể làm giảm các triệu chứng của nhiệt miệng. Tuy nhiên, đây chỉ là thực phẩm chức năng và chưa có bất cứ nghiên cứu lâm sàng nào để chứng minh Sensa Cool chữa được nhiệt miệng. Ngoài ra, tác hại khi sử dụng Sensa Cool quá nhiều cũng chưa được kiểm chứng. Vì thế, chỉ nên sử dụng Sensa Cool vài ngày trong tuần. Đặc biệt, nếu bạn bị bệnh tiểu đường hay thận yếu, nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng Sensa Cool.
Các cách chữa nhiệt miệng
Ngoài việc sử dụng Sensa Cool, bạn có thể kết hợp một vài phương pháp chữa nhiệt miệng tại nhà như sau:
- Pha nước súc miệng: pha một thìa cà phê muối nở (baking soda), 2 thìa nước ép nha đam (lô hội) với nửa cốc nước ấm. Súc miệng 10 giây rồi nhổ ra cho đến khi hết nước súc miệng. Mỗi ngày súc miệng một lần như vậy sẽ giúp bệnh nhanh khỏi hơn.
- Chườm đá: ngậm một viên đá vào vết nhiệt miệng sẽ làm giảm đau, giảm lưu thông máu ở vết loét và giảm sưng.
- Tránh ăn đồ ăn chua, cay nóng, hoặc đồ ăn cứng có thể cọ xát vào miệng. Những đồ ăn này sẽ khiến bệnh nhiệt miệng kéo dài hơn.
- Bổ sung vitamin B và sắt: uống viên vitamin B tổng hợp hoặc bổ sung đặc biệt hai vitamin B12 và B1 sẽ giúp vết nhiệt miệng nhanh lành hơn và giảm khả năng bị nhiệt miệng lại. Nếu như bạn xét nghiệm máu và biết mình thiếu sắt, có thể bổ sung sắt vì thiếu sắt cũng gây ra nhiệt miệng.
- DGL - Deglycyrrhizinated (một hoạt chất chiết xuất từ rễ cam thảo): Pha một nửa thìa cà phê DGL với một phần tư cốc nước ấm và súc miệng 4 lần một ngày có thể giảm đau cho vết nhiệt miệng. Nếu không tìm được DGL, bạn có thể tìm và mua viên nén cam thảo. Một nghiên cứu đã cho kết quả là 75% bệnh nhân nhiệt miệng khỏi bệnh trong vòng 3 ngày.
- Trà đen: ép túi lọc trà đã dùng rồi vào vết nhiệt miệng sẽ giúp giảm đau và giảm viêm, nhờ chất tannin trong trà.
- Giấm táo: pha giấm táo với nước ấm, tỉ lệ 1:1 và súc miệng cũng có thể giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Giấm táo chứa axit acetic, có tác dụng kháng khuẩn cho miệng.
Xem thêm:
- Bé sơ sinh hay bị nhiệt miệng phải làm sao?
- Giải pháp nào để mùa hè ăn hoa quả không bị nhiệt miệng, nóng gan
- Nhiệt miệng thai sản - điều trị không cần thuốc