Sát trùng vết thương hở cho trẻ em mẹ nên biết
Trẻ nhỏ nghịch ngợm, hiếu động thường hay bị thương, xây xát chân tay cho đến những vết thương sâu hơn luôn làm bố mẹ lo lắng. HoiBenh sẽ mách nước cho các mẹ sát trùng vết thương hở cho trẻ em ở bài viết dưới đây.
Sát trùng vết thương hở cho trẻ em mẹ nên biết
Vết thương hở là thế nào?
Vết thương hở là tình trạng tác động từ bên ngoài làm mất tính toàn vẹn của da, khiến da bị rách, thủng xuống các lớp sâu của da, tổn thương sâu xuống các lớp mô, cơ bên dưới da, gây chảy máu.
Tùy mức độ tổn thương, vết thương hở được chia thành các cấp độ khác nhau, từ đó cũng sẽ có những cách chăm sóc, sơ cứu khác nhau cho từng trường hợp.
Chăm sóc không tốt hoặc sai cách có thể làm vết thương lâu lành hơn, nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, gây sẹo xấu về sau, ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này.
Đặc biệt là trẻ em hiếu động, rất dễ bị thương ở nhiều mức độ khác nhau, cách chăm sóc vết thương cho trẻ cũng hơi khác so với người lớn.
Sát trùng vết thương hở cho trẻ em mẹ nên biết
Đối với vết thương bị trầy xước, rách da nhỏ, tổn thương không sâu
- Trường hợp trẻ bị trầy xước, mẹ hãy rửa vùng da bị tổn thương của trẻ dưới vòi nước sạch, để rửa trôi những cặn bẩn. Sau đó, mẹ rửa lại vết thương với nước ấm và xà phòng.
- Sau đó mẹ có thể rửa lại qua vết thương với nước muối sinh lý 0,9%. Rồi rửa qua với betadine pha loãng.
- Trường hợp trẻ bị trượt ngã ở ngoài đường bẩn, nhất là đường ở quê trâu bò, chó gà hay ị phân bừa bãi. Mẹ nên chú ý hơn thời gian tiêm uốn ván của trẻ. Có thể cho trẻ đi tiêm phòng vaccine uốn ván nếu vết thương trong trường hợp này không phải là thừa.
- Mẹ có thể băng cho con một lớp gạc mỏng để che khỏi vi khuẩn tấn công nếu vết thương khá rộng, hơi sâu. Còn trường hợp bị nhẹ thôi, thì mẹ để thế, không cần băng là tốt nhất. Trẻ sẽ nhanh liền hơn là băng, băng kín dễ sinh vi khuẩn kỵ khí, uốn ván hơn.
Tổn thương sâu do động vật cắn, do vật dụng làm rách sâu vào lớp mô, cơ
- Nếu bị đứt tay do dao, vật dụng sắc nhọn... mẹ nên cho vết thương cho bé dưới vòi nước rửa sạch.
- Rửa qua nước muối và betadine bằng gạc vô khuẩn.
- Dùng gạc vô khuẩn cầm máu cho trẻ, băng lại nhẹ nhàng, không quá chặt bằng băng dán y tế.
- Nếu không có dị vật cắm vào, ấn nhẹ vào vết thương một lúc để cầm máu. Còn nếu có dị vật cắm vào, tùy mức độ nông sâu để lấy dị vật. Nếu dị vật cắm nông, có thể rửa trôi bằng vòi nước thì cho nước rửa trôi. Trường hợp dị vật cắm sâu, không tự ý rút dị vật ra, đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế thực hiện.
- Nếu vết thương vẫn chảy máu hoặc bị đứt tổn thương sâu không cầm máu được, tổn thương ở vị trí nguy hiểm như: Cổ, cổ tay, vùng đầu... đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay.
Mẹ nên làm gì để vết thương hở của trẻ nhanh lành
- Rửa vết thương cho trẻ 1 lần/ngày bằng nước muối và betadine pha loãng. Nếu vết thương có tiến triển tốt, có thể rửa cách ngày.
- Khuyến cáo, mẹ không nên sử dụng oxy già để rửa vết thương cho trẻ. Da của trẻ em rất mỏng, oxy già là chất tẩy rửa không phù hợp với trẻ nhỏ.
- Băng vết thương cho trẻ bằng gạc vô khuẩn, băng mỏng, thoáng để không sinh vi khuẩn kỵ khí. Hoặc vết thương nhỏ, tổn thương ít bạn có thể không phải băng, để thoáng vết thương sẽ mau lành.
- Khi vết thương hình thành những vảy máu sẫm màu bọc bên ngoài vết thương, bạn có thể bôi nghệ tươi cho trẻ. Sẽ giúp trẻ không bị sẹo. Cơ chế đồng hóa nhiều hơn dị hóa của trẻ trong thời gian này, sẽ giúp vết thương mau lành hơn, ít để lại sẹo hơn người lớn. Nên mẹ không cần quá lo lắng.
- Không tự ý bôi những loại thuốc tự chế, loại thuốc không rõ nguồn gốc vào vết thương của trẻ. Cũng không tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh về cho trẻ uống khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Có thể gây ra trường hợp chờn kháng sinh, đa kháng kháng sinh cho trẻ, rất nguy hiểm.
- Không băng vết thương trẻ quá kỹ, không băng bằng những loại miếng dán polime, miếng dán bí. Hãy dùng gạc sẽ tốt nhất, tránh bí sinh vi khuẩn kỵ khí.
- Không rửa quá nhiều lần nước muối, betadine vết thương của trẻ. Rửa quá nhiều khiến vết thương lâu lành hơn.
- Không để trẻ dây nước bẩn, xà phòng vào vết thương hở của trẻ, tránh nhiễm khuẩn.
- Giữ vết thương của trẻ khô, sạch, vết thương sẽ nhanh liền hơn.
- Trẻ không ý thức được sẽ hay gãi khi thấy vết thương ngứa khi lên da non, làm vết thương lâu lành hơn. Vì thế, hãy chú ý đến trẻ, giải thích cho trẻ, không cho trẻ gãi vào vết thương.
- Khi bóc băng, nếu miếng gạc dính vào vết thương của trẻ khó bóc, nêu thấm ướt miếng gạc bằng nước muối để dễ bóc hơn.
- Thay gạc thường xuyên khi gạc dính máu nhiều hoặc gạc bị dính bẩn. Máu, chất bẩn bám dính... là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi phát triển.
- Khi phát hiện vết thương mưng mủ, trẻ sốt, mệt mỏi... mẹ nên đưa trẻ đến khám cơ sở y tế, tránh để trẻ ở nhà. Có thể trẻ bị sốt nhiễm khuẩn.
- Bổ sung đạm cho trẻ từ thức ăn như trứng, sữa, thịt... sẽ giúp vết thương của trẻ nhanh liền hơn.
- Bổ sung thêm vitamin A, E, C, B trong rau củ quả, những loại rau có màu xanh sẫm, thanh long... sẽ kích thích giúp vết thương của trẻ nhanh liền hơn.
- Trong thời gian lên da non, bạn không nên cho trẻ ăn hải sản, cá, đồ tanh, thịt bò, thịt gà, rau muống... những đồ ăn này sẽ khiến vết thương lên sẹo lồi, sẹo xấu, vết sẹo thâm cho trẻ. Vì thế mẹ nên hạn chế những thức ăn này, đổi sang loại thực phẩm khác hàm lượng dinh dưỡng tương tự cho trẻ.
- Cho trẻ ăn diếp cá hoặc uống nước diếp cá xay. Diếp cá có tính kháng khuẩn cao, giúp chống viêm kích thích vết thương của trẻ mau lành hơn.
Phòng tránh bị thương cho trẻ
Chữa bệnh không bằng phòng bệnh, hạn chế tối đa những yếu tố có thể gây tổn thương cho trẻ là điều các mẹ nên lường trước.
- Để những vật sắc nhọn, dao kéo, ấm nước thủy tinh, cốc nước thủy tinh, bát sành sứ... ở xa tầm tay của trẻ. Các bố có thể để trên tủ cao hoặc treo dao, kéo trên giá. Hạn chế tối đa việc để dao, kéo... gần trẻ.
- Để ấm nước pha trà vào bình ủ bằng tre, để ép vào tường, hạn chế trẻ chạy nhảy ngã vào.
- Bàn nên chọn loại thiết kế 4 chân, hoặc loại bàn không phải bàn gập được. Hạn chế tình trạng trẻ không may thúc phải, đổ vỡ cốc chén, làm tổn thương trẻ.
- Để phích nước trên bàn cao hoặc cho vào tủ.
- Khi bé lớn, dạy bé sử dụng đúng cách kéo, dao, vật sắc nhọn... chỉ dạy cho trẻ những nguy cơ có thể gặp khi sử dụng những vật dụng này.
- Lường trước những nguy cơ có thể gây tổn thương trẻ trong nhà, sân vườn, nhà để xe... để hạn chế tối đa trường hợp trẻ bị thương.
- Mẹ nên có những tủ thuốc gia đình trong nhà, có những dung dịch sát khuẩn như betadine, nước muối sinh lý 0,9%, cồn 70 độ, băng, gạc vô khuẩn, băng dính cá nhân, băng dính y tế, kéo, băng cuộn, băng ép... để tiện dùng sát trùng vết thương hở cho trẻ em cũng như người thân trong gia đình.
Vết thương hở nếu không chăm sóc tốt có thể gây nhiễm trùng, sẹo xấu cho trẻ. Sát trùng vết thương hở cho trẻ em như thế nào là tốt nhất cho trẻ, HoiBenh đã giải đáp rõ ở trên. Mong rằng những điều chúng tôi chia sẻ ở trên đã giúp các mẹ chăm sóc các bé tốt hơn. Chúc các bé và gia đình luôn khỏe mạnh.
Xem thêm:
- Vết thương bị hở sau khi cắt chỉ phải làm sao?
- Có nên rửa vết thương hở bằng oxy già hay không
- Vết thương hở mấy ngày cắt chỉ