Sáng, trưa, chiều, tối làm những việc này để chống lại mệt mỏi ngày hè
Chỉ bằng một vài phương pháp dưỡng sinh đơn giản, bạn hoàn toàn có thể vượt qua những ngày nắng hè một cách khỏe mạnh và thư thái. Sau đây là thời gian biểu các việc cần làm trong ngày để chống chọi lại nắng nóng.
Sáng, trưa, chiều, tối làm những việc này để chống lại mệt mỏi ngày hè
Dưỡng sinh mùa hè theo các buổi trong ngày
Buổi sáng: Rèn luyện cơ thể
Trung y cho rằng, vận động vừa phải vào buổi sáng không chỉ có tác dụng rèn luyện sức khỏe, sức bền của cơ thể mà còn tạo điều kiện cho dương khí gia tăng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chúng ta tuyệt đối không nên tập luyện ngay sau khi ngủ dậy. Trước khi bắt đầu bài tập, bạn nên uống một cốc nước. Việc luyện tập vào buổi sáng chỉ nên tiến hành trong thời gian ngắn và thực hiện các động tác không quá mạnh.
Buổi trưa: Dành thời gian cho một giấc ngủ ngắn
Khoảng thời gian từ 11-13 giờ trưa là thời điểm "vàng" để dưỡng tâm. Hãy dành những thời giờ quý báu này cho một giấc ngủ ngắn.
Các chuyên gia sức khỏe cũng khẳng định rằng, ngủ trưa không chỉ giúp bạn tăng cường thể lực mà còn tiêu trừ mệt nhọc, giúp cơ thể trở lại trạng thái tốt nhất để tiếp tục công việc vào buổi chiều.
Ngoài ra, ngủ trưa còn có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan tới động mạch vành, nhồi máu cơ tim, đau thắt cơ tim.
Nếu không thể ngủ vào khoảng thời gian này, bạn cũng nên nhắm mắt dưỡng thần để cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn.
Buổi chiều: Dùng một cốc trà để dưỡng tâm
Vào ngày hè nóng bức, các nguyên tố vi lượng trong cơ thể có liên quan chặt chẽ đến tim mạch, đặc biệt là Kali sẽ bị "xói mòn" theo mồ hôi.
Trong khi đó, uống trà không chỉ có tác dụng thanh nhiệt mà còn giúp cơ thể bổ sung thêm Kali. Bên cạnh những loại trà bình thường, bạn có thể lựa chọn trà thảo dược để đạt được hiệu quả dưỡng tâm, an thần.
4. Chiều tối: Chú ý thả lỏng cơ thể
Chiều tối là khoảng thời gian bạn nên thả lỏng cơ thể bằng các động tác như đi bộ, duỗi người, làm giãn các khớp xương và cơ bắp.
Những động tác này có tác dụng khiến cho cơ thể và tinh thần trở nên thư thái, giúp bạn ngủ ngon hơn vào buổi tối.
5. Buổi tối: Ngâm chân dưỡng sinh
Mùa hè là khoảng thời gian khí ẩm rất dễ xâm nhập vào cơ thể con người. Nếu bị khí ẩm xâm nhập, tỳ, tâm càng dễ bị tổn thương.
Bởi vậy, liệu pháp đơn giản mà hiệu quả để dưỡng sinh trong khoảng thời gian này chính là ngâm chân.
Buổi tối ngâm chân và massage huyệt Dũng Tuyền sẽ giúp bài trừ khí ẩm, phòng cảm mạo, khiến tinh thần phấn chấn, tăng cảm giác thèm ăn và có lợi cho giấc ngủ.
Phương pháp xoa bóp cũng hết sức đơn giản: trước tiên bạn cần làm nóng hai tay bằng cách xoa đều hai lòng bàn tay vào nhau. Sau đó dùng tay trái massage huyệt Dũng Tuyền chân phải và đổi sang tay phải massage huyệt Dũng Tuyền chân trái.
Ba nguyên tắc dưỡng tâm mùa hè
Nguyên tắc thứ nhất: Thanh hỏa dưỡng tâm
Nam giới uống nhiều bia rượu nên chú ý trừ phế hỏa, vị hỏa: Phế hỏa dễ dẫn đến ho khan, có đờm, đau họng. Để thanh nhuận, tiêu đàm cần ăn nhiều củ cải trắng, lê, ngó sen, hoa bách hợp, sơn trà và massage hai huyệt Ngư Tế, Thiếu Thương hàng ngày.
Vị hỏa dẫn đến mụn, táo bón... Nên ăn nhiều đậu xanh, mướp đắng, dưa chuột, dưa hấu, bí đao, ý dĩ và massage hai huyệt Nội Đình và Lệ Đoái.
Người già chức năng cơ quan nội tạng suy giảm, dễ có thận hỏa và phế hỏa: Thận hỏa dễ dẫn đến những triệu chứng như tâm phiền, choáng đầu, ù tai. Để trị thận hỏa, bạn nên tăng cường ăn một số thực phẩm tư âm như mộc nhĩ đen, cẩu kỷ, dâu và massage huyệt Thái Khê và huyệt Dũng Tuyền.
Phế hỏa dễ gây ho khan, táo bón. Bạn có thể uống nước luộc ngân nhĩ, đường phèn với lê để trị phế hỏa.
Thanh niên thường xuyên uống đồ lạnh, ăn thực phẩm nhiệt lượng cao, tích tụ nhiều, gây ra phế hỏa và tì hỏa: Chú ý kiện tì lợi thấp, uống nhiều nước đậu xanh hoặc lấy lá trúc, lá sen ngâm nước uống.
Nguyên tắc thứ hai: Dưỡng âm phù dương
Mùa hè là lúc dương khí tăng cao, cần nuôi dưỡng và bảo vệ dương khí trong cơ thể một cách thích hợp.
Trên thực tế, trong khoảng thời gian này, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm "dưỡng âm phù dương" mới là phương pháp thích hợp nhất.
Về ẩm thực lấy thực phẩm tư âm nhuận táo và hoa quả làm chính như khoai từ, hạt mè, thịt vịt, mã thầy, mía... Bình thường bạn có thể dùng các vị thuốc tư âm nhuận phế như bách hợp, sa sâm để ngâm nước, nấu cháo hoặc nấu canh.
Mùa hè ngày dài, đêm ngắn, dương khí thịnh, âm khí thiếu. Bởi vậy cần điều chỉnh thời gian ngủ cho phù hợp, hình thành thói quen buổi tối ngủ từ 10-11 giờ và sáng dậy từ 5:30-6:30.
Nguyên tắc thứ ba: Bồi bổ khí huyết
Dưỡng sinh mùa hè rất chú trọng trong việc bổ khí, bổ huyết.
Về ẩm thực, bạn nên thường xuyên ăn các loại thực phẩm bổ khí như gạo kê, gạo tẻ, đậu cô ve, cà rốt, nấm hương, đậu hũ, khoai tây, khoai lang, thịt bò, thịt thỏ, thịt gà, trứng gà, cá mè...
Nếu xuất hiện các triệu chứng của chứng khí hư như tinh thần uể oải, mệt mỏi, mất sức có thể dùng sâm mỹ ngâm nước uống để bổ khí vượng thần.
Mỗi ngày, bạn nên kiên trì massage huyệt Tỳ Du (dưới gai sống lưng 11, đo ngang ra 1, 5 thốn) và huyệt Túc Tam Lý.
Ngoài ra, muốn dưỡng tâm phải chú ý giữ cho tâm tình bình thản, luôn luôn vui cười. Điều này có lợi cho việc cải thiện chức năng mạch máu, bảo vệ bạn vượt qua cái nắng chói chang của mùa hè.
Theo ĐS&PL
Xem thêm:
- 9 cách phòng và trị say nắng khi trời nóng như lửa thiêu
- 11 tác hại khủng khiếp khi nằm điều hòa ngày nắng nóng