Rối loạn lưỡng cực: 6 cách để phân biệt bản thân và căn bệnh
“Vấn đề mà bạn gặp phải khi mắc chứng rối loạn lưỡng cực là mất đi khả năng tự nhận thức về bản thân” - Julie A. Fast nói. Cô là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất về rối loạn lưỡng cực, bao gồm Sống chung với rối loạn lưỡng cực và Yêu một người bị rối loạn lưỡng cực. Cô cũng viết blog về rối loạn lưỡng cực và thường xuyên tiếp xúc với những người thân của bệnh nhân. ...
Rối loạn lưỡng cực: 6 cách để phân biệt bản thân và căn bệnh
“Vấn đề mà bạn gặp phải khi mắc chứng rối loạn lưỡng cực là mất đi khả năng tự nhận thức về bản thân” - Julie A. Fast nói. Cô là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất về rối loạn lưỡng cực, bao gồm Sống chung với rối loạn lưỡng cực và Yêu một người bị rối loạn lưỡng cực. Cô cũng viết blog về rối loạn lưỡng cực và thường xuyên tiếp xúc với những người thân của bệnh nhân.
Một ví dụ điển hình là bạn hay bối rối và tự hỏi cảm giác hiện tại là của chính bạn hay do căn bệnh tạo ra, Sheri Van Dijk - là một nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn sách Hướng dẫn các phương pháp trị liệu khoa học đối với bệnh rối loạn lưỡng cực cho biết. Ngay cả gia đình và bạn bè cũng nhầm lẫn. Họ có thể đánh đồng “một số cảm xúc bình thường của bạn là do căn bệnh gây nên”. Họ thường thắc mắc “Bạn đang nóng giận quá mức. Hôm nay bạn đã uống thuốc chưa?” Một cách để hiểu rõ bản thân là nắm bắt các triệu chứng riêng của bạn. “Để tìm được chính mình, đầu tiên bạn cần hiểu rối loạn lưỡng cực là gì”, Fast nói, “Bạn phải thành thật và viết ra những triệu chứng của bản thân”
Rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến mọi thứ từ các mối quan hệ đến khả năng làm việc và cả giấc ngủ của bạn. “ Bình thường tôi thật sự rất yêu công việc của mình. Nhưng khi bị rối loạn, tôi cảm thấy cực kỳ tồi tệ. Cùng một chủ đề, một công việc và một hạn chót, nhưng mọi thứ hoàn toàn thay đổi khi tâm trạng tôi bất ổn. Tôi biết được tôi là ai, bởi vì tôi biết căn bệnh của tôi như thế nào.”
Khả năng tự nhận thức bản thân phụ thuộc vào suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Các bước sau đây sẽ giúp bạn làm điều đó, hay nói cách khác là phân biệt được bản thân và căn bệnh.
1. Hiểu rõ bản thân
“Hãy viết một danh sách mô tả về bản thân khi bạn đang ở trạng thái ổn định” Fast nói. Bạn là ai khi bạn bình thường? Tính cách của bạn như thế nào? Những điều bạn thích và ghét? Bạn thường suy nghĩ theo kiểu nào? Bạn nói chậm hay nhanh?
Fast biết cô ấy là một người lạc quan vui vẻ và yêu thích sự sáng tạo. Khi cô bắt đầu chán nản và mệt mỏi, cô luôn tự nói với bản thân: “Julie, đây là trầm cảm. Mình sẽ không suy nghĩ như vậy. Đây không phải là mình.” Khi suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, Fast tập trung vào kế hoạch điều trị.
Một điều quan trọng là hãy chia sẻ bản thân của bạn với những người bạn yêu thương, và cho họ biết cách động viên bạn khi các triệu chứng xuất hiện lại. Ví dụ như, Fast đã yêu cầu mẹ nhắc nhở khi cô ở trạng thái bất ổn và nói cho cô biết những điều khiến mẹ lo lắng về cô.
“Bạn phải hướng dẫn người khác nói gì và làm gì để giúp bạn”. Đặc biệt là cách mà bạn muốn họ hỗ trợ bạn, cô nói.
2. Khám phá suy nghĩ và cảm xúc cá nhân
Mua một cuốn vở ghi chép, bắt đầu viết blog hay gửi email cho chính mình “hãy ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân” Deborah Serani - một nhà tâm lý học chuyên về rối loạn tâm trạng và tác giả của cuốn sách Sống chung với trầm cảm - đề xuất. “ Nghiên cứu cho thấy viết nhật ký giúp gọt dũa khả năng tự nhận thức.”
Một khi bạn tìm ra phương pháp phù hợp, hãy chú ý đến cách bạn phản ứng, cô nói. "Ví dụ, cảm xúc của bạn có thay đổi một cách đột ngột không? Bạn có bị lấn át bởi một cảm xúc lớn trong thời gian dài? Khi bạn nhìn vào gương, biểu hiện trên khuôn mặt có tiết lộ những gì bạn đang cảm thấy? " Hãy viết lại những điều bạn nhận ra.
3. Chánh niệm
Chánh niệm "làm tăng khả năng tự nhận thức của một người, và qua thời gian họ có thể bắt đầu phân biệt được những sự khác biệt nhỏ trong cảm xúc là "bình thường" hay "do bệnh", Van Dijk nói.
Cụ thể, họ bắt đầu ý thức rõ hơn về cảm xúc cá nhân, những suy nghĩ tạo nên cảm xúc và những sự ham muốn đã kết hợp với cảm xúc, cô nói.
Tôi từng gặp một số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực cho biết họ có thể phân biệt sự khác nhau giữa cảm xúc bình thường và khi bị rối loạn nhờ vào cảm nhận tự nhiên.
Chánh niệm cũng bao gồm sự chấp nhận, đây là chìa khóa để điều trị rối loạn lưỡng cực. Chấp nhận những gì đang cảm nhận cho phép chúng ta tập trung vào cảm xúc đó. Khi bạn không cho phép bản thân chấp nhận một cảm xúc, bạn thường kích hoạt những cảm xúc tiêu cực khác. Theo Van Dijk:
“Khi tôi cảm thấy tức giận với mẹ tôi và tôi nghĩ rằng mình không nên tức giận với bà ấy, vì bà ấy là mẹ mình. Tiếp đó tôi sẽ cảm thấy tức giận với bản thân vì đã tức giận; hoặc tôi có thể cảm thấy buồn phiền, tội lỗi hay lo lắng về sự tức giận.
Ngược lại, khi tôi thừa nhận sự tức giận của mình một cách không phán xét, tôi không tạo ra những cảm xúc tiêu cực khác. Điều này nghĩa là chúng ta nên suy nghĩ logic hơn về cảm xúc, để tránh việc phải đối phó với những cảm xúc kéo theo.”
Suy nghĩ logic hơn về cảm xúc nghĩa là chúng ta cần cân nhắc nhiều khả năng: "Cảm xúc này có phải là một phản ứng bình thường, hay nó là một phần của căn bệnh?"
4. Theo dõi tâm trạng
Một cách khác để nhận thức về các triệu chứng là theo dõi tâm trạng của bạn, Van Dijk nói. Bạn có thể sử dụng một biểu đồ, chương trình theo dõi trực tuyến hoặc tải ứng dụng. Serani gọi đây là một biểu đồ tâm trạng cá nhân.
Ví dụ, giả sử bạn nhận thấy bạn không cần thiết ngủ nhiều trong những đêm gần đây. Bạn cảm thấy vui mừng, nhưng bạn không chắc chắn lý do tại sao. Đây có thể là dấu hiệu của hưng cảm nhẹ, cô nói.
Hoặc có thể bạn nhận ra rằng gần đây bạn rất dễ nổi nóng và cảm thấy khó chịu "nhưng thật sự không liên quan gì đến tình huống”. Đây có thể là một dấu hiệu “khởi đầu của bệnh trầm cảm."
5. Tham khảo ý kiến người khác Ban đầu, hãy hỏi những người bạn tin tưởng cách họ phản ứng trước những tình huống tương tự, Van Dijk nói. Ví dụ, bạn có thể hỏi: "Nếu điều này từng xảy ra với bạn, bạn có còn cảm thấy buồn bã đến tận bây giờ không?" Ngoài ra, hãy hỏi người khác về bạn, Fast nói. Bạn có thể hỏi: "Bạn nghĩ tôi là người như thế nào? Bình thường tôi cư xử ra sao?"
6. Trở thành chuyên gia về rối loạn lưỡng cực
Hãy chắc chắn rằng bạn có sự hiểu biết sâu sắc về rối loạn tâm trạng, Serani nói. Bạn nên đọc sách báo, tham dự hội thảo để tìm kiếm sự hỗ trợ.
"Khi bạn cung cấp cho bản thân những thông tin về các triệu chứng, cách biểu hiện, và điều bạn cần làm, bạn đã tặng cho chính mình món quà của sự giác ngộ."
Chữa khỏi bệnh không hề dễ dàng. Tuy nhiên bằng cách tự mài dũa nhận thức và nâng cao hiểu biết về các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực, bạn đã có được một nền tảng vững chắc để tạo sự khác biệt.
(Nguồn: www.psychcentral.com)