Phụ nữ Á Đông sau khi làm mẹ thường nhanh xuống sắc, hóa ra là vì...

Tôi sinh ra tại châu Á, nhưng ông Trời lại kết tóc se duyên cho tôi với một chàng trai người Đức, cũng là chồng của tôi bây giờ. Bởi thấm đẫm nền văn hóa Á Đông, rất nhiều quan niệm đã ăn sâu vào tâm trí tôi về mẫu hình của một người mẹ tần tảo, hết lòng vì chồng vì con. Nhưng khi chồng và mẹ chồng người Đức muốn tôi nghỉ ngơi nhiều hơn, tôi mới giật mình nhìn lại...

Phụ nữ Á Đông sau khi làm mẹ thường nhanh xuống sắc, hóa ra là vì... Phụ nữ Á Đông sau khi làm mẹ thường nhanh xuống sắc, hóa ra là vì...

“Là mẹ, làm sao có thể nghỉ ngơi được!”

Hơn 10 năm trước, khi đứa con gái lớn mới chào đời, tôi đã phải ở nhà một mình để trông con. Cùng lúc đó tôi cũng bắt đầu gây dựng sự nghiệp. Những lúc không trông con thì tôi lại làm việc. Hàng đêm ru con ngủ, ngay cả cơ hội ngủ gục tôi cũng không có. Tôi không rời tay khỏi chiếc laptop, lúc thì trả lời email, lúc lại soạn băn bản... Hầu như tôi có rất ít thời gian dành cho bản thân mình.

Đảm nhận hai vai trò vừa làm mẹ vừa dựng nghiệp, tôi như một cửa hàng tiện lợi mở suốt 24h không nghỉ. Những năm đó tôi đã phát huy tới cực điểm sự cần cù chịu khó của người phụ nữ Á Đông. Mãi cho tới khi con gái vào tiểu học, sự nghiệp cũng ổn định hơn một chút, tôi mới có chút thời gian rảnh dành riêng cho mình.

11 năm qua đi, tôi lại mang bầu đứa con thứ hai. Sau khi tôi sinh con, cả nhà cùng chuyển sang Đức sinh sống. Một cậu con trai mới chào đời, thêm một cô gái nhỏ đang phải thích ứng với môi trường mới, đồng thời lại phải lo lắng cho công việc ở châu Á, tôi lại một lần nữa trở về trạng thái “cúc cung tận tụy”, quay như chong chóng tới mức khắp người ê ẩm.

Chồng tôi thường nói: “Em cũng cần phải nghỉ ngơi chứ!”.

Còn tôi lại nghĩ: “Anh làm mẹ thử xem, sao mà nghỉ ngơi được cơ chứ!”

Từ trước tới nay, tôi vẫn thường cảm thấy tội lỗi mỗi khi “làm việc của riêng mình”. Nếu có thời gian rảnh mà bát đĩa trong nhà vẫn ngổn ngang, đồ chơi chưa thu dọn gọn gàng, hay quần áo chưa kịp giặt, công việc còn dang dở thì tôi sẽ lập tức đi làm. Nếu không, tôi luôn cảm thấy mình đang lãng phí thời gian.

Nhưng vẫn luôn có bát đĩa rửa không hết, quần áo giặt không vơi, đồ đạc thu dọn không xong, những email đợi trả lời và công việc dồn đống chẳng lúc nào nghỉ ngơi. Rốt cuộc thì, khi nào mẹ mới có thể nghỉ ngơi được đây?

vicare.vn-phu-nu-a-dong-sau-khi-lam-me-thuong-nhanh-xuong-sac-hoa-ra-la-vi-body-1

Mẹ cũng cần phải có “giờ tan ca”

Một lần mẹ chồng người Đức tới thăm, khi nhìn thấy dáng vẻ tất bật và mệt mỏi của tôi, bà đã nhắc nhở: “Con làm mẹ thì cũng phải có giờ tan ca chứ”. Nói rồi, bà “ra lệnh” yêu cầu tôi phải đi ngủ, sau đó bà dẫn cháu trai ra ngoài mua một chút đồ ăn về nhà. Khi hai bà cháu về tới nhà thì tôi cũng vừa tỉnh giấc, lúc ấy tinh thần của tôi đã trở nên thoải mái và phấn chấn lạ thường.

Trước kia, một mình bà nuôi ba đứa con thơ chỉ cách nhau 1 tuổi. Trong thời gian đó bà còn phải lo sự nghiệp, nhiều lúc bận tới mức muốn... đập đầu vào tường “cho quên hết sự đời”.

Nhưng bà biết rằng, nếu không chăm sóc tốt cho bản thân thì một cách gián tiếp cũng khiến lũ trẻ mệt mỏi và khó chịu. Cho nên bà kiên trì hàng ngày dậy sớm hơn 1 tiếng, uống một ly cà phê trong sự tĩnh lặng, đọc vài trang báo hoặc vài trang sách và làm một chút việc nhà.

Dẫu sống cuộc sống của bà mẹ đơn thân không có ai giúp đỡ, bà vẫn tự nhủ rằng phải giữ cho mình một khoảng thời gian riêng tư.

Hãy dạy con tôn trọng “giờ tan ca của mẹ”

Ngoài việc dậy sớm hàng ngày, thì mỗi buổi tối bà đều yêu cầu các con phải lên giường trước 8h50 tối, mãi cho tới khi các con bà bước vào trung học, họ vẫn giữ nguyên thói quen ấy. Khi thấy con có tâm lý chống đối, bà lại cương quyết rằng: “Mẹ cũng phải tan ca, các con ngủ rồi mẹ mới được tan ca. Cho nên mời các con vào phòng”.

Tất cả những câu hỏi về bài vở, bất kỳ yêu cầu nào đều phải hoàn thành trước 8h50. Vượt quá thời gian này thì bà sẽ không giúp nữa. Vài lần gặp phải tình trạng vội vã tới mức “vắt chân lên cổ”, bà vẫn giữ nguyên nguyên tắc đó, không một chút dao động. Lâu dần bọn trẻ cũng học được cách phối hợp. Từ đó 8h50 tối đã trở thành “giờ tan ca của mẹ” và là thời gian biểu cố định trong gia đình chồng tôi.

Chồng tôi kể rằng, mãi sau này ba anh em lớn lên, họ mới hiểu vì sao lại là 8h50 tối. Bởi vì ngay sau đó là khung giờ cố định của một chương trình truyền hình mà mẹ yêu thích. Nhưng mẹ kiên quyết không xem TV khi các con ở bên cạnh, nên bà nhất định đợi lũ trẻ đi ngủ rồi mới tận hưởng khoảng không gian của riêng mình. Nguyên nhân thật là dễ thương.

vicare.vn-phu-nu-a-dong-sau-khi-lam-me-thuong-nhanh-xuong-sac-hoa-ra-la-vi-body-2

Gạt bỏ cảm giác tội lỗi để yêu thương chính mình

Đây cũng chính là lý do vì sao chồng tôi luôn hy vọng tôi sẽ bớt dành thời gian cho con cái, thậm chí là cho cả anh ấy.

Từ nhỏ anh đã học được rằng, mỗi người đều cần nghỉ ngơi, ngay cả mẹ cũng vậy. Cho nên nghỉ ngơi thì là nghỉ ngơi thôi, đừng làm thêm việc nhà nào nữa, cũng đừng bận tâm với công việc nữa. Ngay cả khi tôi không dành thời gian cho anh ấy, thì anh vẫn tỏ ra hài lòng.

Mẹ chỉ cần đợi thêm một chút, người khác sẽ xắn tay áo đi làm

Tôi vẫn thường cho rằng chỉ có mẹ mới có thể làm tốt mọi việc. Trẻ con khóc, mẹ lập tức dừng công việc để chạy tới dỗ dành; các con đói, mẹ vội vàng đi lùng sục đồ ăn quanh nhà; bố kêu mệt, mẹ lại cặm cụi đi pha tách cà phê...

Nhưng trái với suy nghĩ của tôi, chồng tôi cho rằng: “Em chỉ cần đợi thêm một chút, kỳ thực anh và con đều tự tay làm được mà!”

Lời anh nói không sai chút nào, ngay cả đứa trẻ lên 2, khi đói bụng cũng tự biết phải đi tìm đồ ăn, huống hồ là một đứa trẻ đã lớn, và thậm chí là cả chồng mình?

Chuyện gì cũng đều chỉ có mẹ biết, chỉ mẹ mới làm được, chi bằng hãy đợi thêm một chút, để mọi người tự động phát huy “bản năng sinh tồn”...

Tôi bắt đầu học theo mẹ chồng mình, hàng ngày ấn định “giờ tan ca của mẹ” và nghiêm túc chấp hành. Sau đó con gái tôi cũng bắt đầu hoàn thành tất cả mọi việc trước 8h tối.

Khi lũ trẻ hiểu rằng mối quan hệ trong gia đình không phải là quan hệ giữa chủ và tớ, muốn gì là được phục vụ ngay lập tức, thì chúng cũng học được cách tôn trọng thời gian đã ấn định của mẹ. Từ đó, chúng sẽ tự biết sắp xếp thời gian của cá nhân mình.

vicare.vn-phu-nu-a-dong-sau-khi-lam-me-thuong-nhanh-xuong-sac-hoa-ra-la-vi-body-3

Không ai được xâm phạm ‘giờ tan ca’ của mẹ

Buổi tối vào giờ tan ca của mình, tôi thường chọn những việc nhẹ nhàng giúp bản thân thư thái và tinh thần sảng khoái hơn. Ví như tôi sẽ cùng chồng xem một trận bóng đá, một bộ phim, một tập ảnh... Đôi khi tôi lại cuộn mình trên chiếc ghế sofa, nhâm nhi tách trà, ngồi tán chuyện ngẫu, và hưởng thụ thế giới chỉ có hai người. Đôi khi tôi lại đọc sách một mình, viết văn hoặc trò chuyện với bạn bè. Dẫu làm gì tôi cũng không cho phép mình động tới công việc.

Vậy nếu không hết việc thì phải làm thế nào? Tôi đã học được một phương pháp hiệu quả từ mẹ chồng người Đức, đó là hãy coi “việc nhà” là “việc của cả nhà” để cùng nhau hoàn tất mọi việc. Con trai và tôi cùng nhau phơi quần áo, con gái và tôi cùng xuống bếp, chồng và tôi cùng dọn dẹp nhà bếp và phòng khách.

Ban đầu, lòng tôi trĩu nặng bởi cảm giác tội lỗi, thậm chí tôi còn có cảm giác như mình trở nên lười biếng hơn. Nhưng sau khi điều chỉnh lại tâm thái tôi vẫn quyết định: Cả nhà cùng làm, quả thực vừa nhanh, mà lại vui nữa!

Nhờ có “giờ tan ca của mẹ”, tôi mới biết cách trân trọng bản thân mình và những người khác trong gia đình cũng học được cách tôn trọng tôi hơn. Thậm chí ban ngày tôi còn tính trong đầu rằng, giờ tan ca tối nay mình sẽ làm gì nhỉ? Chỉ nghĩ tới điều này cũng đủ khiến tôi lòng vui phơi phới.

Mặc dù vẫn còn chồng bát đĩa chưa rửa xong, quần áo còn chất đống, đồ đạc vẫn ngổn ngang, và công việc còn đang dang dở, nhưng tôi đã biết khi nào cần hô lên “dừng lại”. Điều này thông minh hơn rất nhiều so với việc tôi lao như con thiêu thân, rồi lại nổi đóa lên và oán chồng trách con vô tâm với mình.

Những đứa trẻ có thể nhìn thấy một người mẹ tràn đầy sức sống; chồng tôi cũng có một người vợ tâm trạng luôn ổn định, mặt mày rạng ngời; còn tôi cũng không phải vùi đầu vào núi việc nhà mà nhan sắc phai tàn. Tôi đã có được một khoảng thời gian và không gian của riêng mình để làm những việc mình hứng thú.

Theo Báo Mới

Xem thêm:

  • Mẹ nên chuẩn bị tâm lý sau sinh như thế nào?
  • Kinh nghiệm tuyệt vời cho mẹ bầu sau sinh