Phòng tránh táo bón ở trẻ em

Hãy tìm hiểu nguyên nhân, và củng cố những kiến thức cơ bản để phóng tránh táo bón ở trẻ em, đồng thời nhằm ngăn chặn táo bón kéo dài trở thành mạn tính.

Phòng tránh táo bón ở trẻ em Phòng tránh táo bón ở trẻ em

Táo bón là một vấn đề rất hay gặp ở trẻ và khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Tuy nhiên nếu nắm được nguyên nhân, cũng như những hiểu biết cơ bản và đúng đắn, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh táo bón cho trẻ đồng thời cũng ngăn chặn táo bón kéo dài, trở thành mạn tính.

1. Như thế nào thì gọi là táo bón?

Táo bón được định nghĩa là sự giảm số lần bài xuất phân so với bình thường, kèm theo khó và đau trong quá trình bài xuất do phân rắn hoặc quá to (cần lưu ý rằng ị đùn cũng là một biểu hiện của táo bón). Trẻ được xác định là táo bón khi tần xuất đi ngoài của trẻ theo lứa tuổi như sau:

- Trẻ sơ sinh: đại tiện dưới 2 lần/ngày

- Trẻ bú mẹ: đại tiện dưới 3 lần/ngày (hoặc lớn hơn 2 ngày/lần)

- Trẻ lớn (ở tuổi tập đi vệ sinh và tuổi học đường): đại tiện dưới 2 lần/tuần (hoặc lớn hớn 3 ngày/lần).

Phòng tránh táo bón ở trẻ em

Tuy nhiên, số ngày và số lần chỉ là một tiêu chí chung để nhận biết dấu hiệu táo bón ở trẻ. Ngoài ra còn tuỳ thuộc vào tình trạng của phân, nếu vài ngày 1 lần nhưng chất thải mềm xốp, trẻ đi dễ dàng thì chưa gọi là táo bón. Có trẻ đi ngoài đều đặn ngày 1 - 2 lần nhưng phân rắn và rặn khó khăn thì đã bị táo bón.

2. Nguyên nhân trẻ bị táo bón

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón, trong đó có thể có những nguyên nhân liên quan đến một số bệnh như phình to đại tràng, hẹp đại tràng, bệnh liên quan đến thần kinh... hay cũng có thể có những nguyên nhân rất thường gặp trong đời sống hàng ngày khác như:

- Chế độ ăn nhiều chất béo hay ăn ít xơ

- Ít vận động

- Sử dụng thuốc không đúng cách: ví dụ nhuận tràng, chế phẩm có chứa nhôm, thuốc ho có chứa codeine,...

- Cũng có thể do yếu tố tâm lý khi trẻ nhỏ mới bắt đầu tập đi vệ sinh như: không thích đi ngồi bô, không thích ngồi trong nhà vệ sinh, cố gắng nhịn đi vệ sinh (điều này khá phổ biến đối với trẻ trong độ tuổi đi học)

Phòng tránh táo bón ở trẻ em

3. Có nhiều cách để phòng tránh táo bón ở trẻ em

Việc thay đổi chế độ ăn hàng ngày cũng là một trong những cách phòng tránh táo bón ở trẻ em mà bố mẹ nên lưu tâm như: tăng cường chất xơ, rau xanh và hoa quả chín trong khẩu phần ăn của trẻ. Ngoài ra việc cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày cũng rất quan trọng. Sau đây là một số cách phòng tránh liên quan đến chế độ dinh dưỡng mà bố mẹ có thể tham khảo

- Sử dụng gạo lứt, gạo xay xát dối (gạo chà dối, không xát hết vỏ lứt bên ngoài) để tăng cường chất xơ.

- Thêm quả tươi, sấy khô vào sữa chua

- Tăng cường lượng nước, sử dụng đồ uống như nước hoa quả tươi, nước rau ép thay vì cho trẻ uống các loại nước có gas hay thức uống đóng chai.

- Hạn chế việc cho trẻ ăn đồ ăn chứa quá nhiều dầu mỡ, tuy nhiên cũng không loại bỏ hoàn toàn trong khẩu phần ăn của trẻ.

- Cho trẻ bú nhiều hơn thay vì sử dụng sữa công thức (đối với trẻ còn trong thời gian bú mẹ).

- Tăng cường hoạt động thể lực.


Phòng tránh táo bón ở trẻ em

Tuy nhiên, để phòng tránh táo bón ở trẻ em, chỉ thay đổi về chế độ dinh dưỡng hàng ngày là không đủ. Bố mẹ nên dành nhiều thời gian để rèn luyện thói quen đi vệ sinh cho trẻ, vào một khoảng thời gian nhất định nào đó trong ngày (có thể sau khi ngủ dậy, sau khi ăn sáng, trước khi đi nhà trẻ hoặc đi học...). Hay quan tâm, tìm hiểu những rào cản về tâm lý ở trẻ như: vì sao trẻ không thích đi vệ sinh ở trường học? Vì sao trẻ sợ đi vệ sinh? Tại sao trẻ sợ ngồi bô?...Bố mẹ cũng đừng quên khuyến khích hay khen ngợi khi trẻ tập được những thói quen mới.

Tóm lại, táo bón tuy là một vấn đề rất hay gặp ở trẻ nhưng phòng tránh táo bón ở trẻ em cũng không quá khó khăn nếu bạn biết cách làm đúng. Nếu đã thay đổi thói quen sinh hoạt hay chế độ ăn uống hàng ngày nhưng táo bón vẫn không cải thiện hoặc chấm dứt, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị.

Cám ơn đã đọc bài viết!

>>> Xem thêm: 6 cách điều trị táo bón cho trẻ hiệu quả và đơn giản mẹ nên biết