Phòng tai nạn đuối nước cho trẻ bằng cách nào?
Trong lúc chơi, bé trai 5 tuổi (ở Hà Nam) chẳng may trượt chân ngã xuống hồ bơi gần nhà. Dù được phát hiện và chuyển đến bệnh viện sau đó nhưng bé không qua khỏi. Đó là một trong những trường hợp đuối nước được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư.
Phòng tai nạn đuối nước cho trẻ bằng cách nào?
Trong lúc chơi, bé trai 5 tuổi (ở Hà Nam) chẳng may trượt chân ngã xuống hồ bơi gần nhà. Dù được phát hiện và chuyển đến bệnh viện sau đó nhưng bé không qua khỏi.
Bất cẩn của người lớn
Đó là một trong những trường hợp đuối nước được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư. Trong trường hợp này, nguyên nhân gây tử vong được các bác sĩ xác định: do ngạt, gây thiếu ôxy dẫn đến phù não cấp. Một trường hợp khác là bé trai 8 tuổi, bị đuối nước khi theo anh ra bơi ở bể bơi gần nhà. Ngay khi được phát hiện, bé trai được cấp tốc chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi T.Ư và may mắn được cứu sống. Khoa Điều trị tích cực BV Nhi T.Ư cho hay, hầu như năm nào cũng vậy, khi thời tiết nắng nóng và những tháng nghỉ hè là thời điểm tiếp nhận các trẻ nhập viện do đuối nước. Các trẻ được đưa đến trong tình trạng kích thích, khó thở, phù phổi cấp do ngạt nước.
Các bác sĩ lưu ý, những trường hợp trẻ nhỏ gặp tai nạn một phần do các bé trai hiếu động nhưng điều quan trọng nữa là do sự bất cẩn của người lớn trong việc chăm nom trẻ. Có trường hợp bé trai 18 tháng tuổi (ở Hải Dương) bị trượt ngã xuống ao nhà do người lớn thiếu quan sát trẻ. Cháu được phát hiện đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, khó thở rồi nhanh chóng chuyển đến trạm xá xã, lên BV huyện, sau đó chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi T.Ư. May mắn bé trai này đã bình phục sau đợt điều trị.
Điều quan trọng nhất là đừng để tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nếu bé đuối nước, người xung quanh cần thực hiện theo các bước sau:
- Gọi người trợ giúp và nhanh chóng đưa bé ra khỏi nước, kiểm tra đường thở có thông thoáng không.
- Sau đó kiểm tra xem bé có còn thở hay không để tiến hành cấp cứu.
- Nếu trẻ đã mất ý thức và không thở được, thực hiện “cấp cứu cơ bản” bằng cách ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo để khôi phục lại hơi thở của em bé. Tiếp tục cấp cứu trong khi chờ đợi đội cấp cứu đang đến.
(Nguồn: BV Nhi T.Ư)
Cẩn trọng với “hồ nước” trong nhà
Tiến sĩ - bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực - BV Nhi T.Ư, chia sẻ đuối nước là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ em và thường tăng cao vào dịp hè. Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Trong một số trường hợp được cấp cứu kịp thời có thể qua cơn nguy kịch nhưng để lại biến chứng nặng như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ôxy kéo dài.
Bác sĩ khuyên, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với trẻ em, với các trẻ ở độ tuổi nhỏ vẫn cần người lớn trông nom, các bậc phụ huynh cần chú ý để mắt giữ trẻ, không để trẻ chơi ở ao, hồ, kênh, mương. Cần lưu ý đậy kín các loại thau, chậu, dụng cụ đựng nước trong nhà... vì đó cũng có thể là nguyên nhân gây đuối nước nếu trẻ trượt ngã vào. Mới đây, một bé gái 8 tuổi ở Hà Nội đã bị đuối nước ngay trong bồn tắm của gia đình.
Với nhóm trẻ lớn, gia đình và nhà trường, ngoài việc giáo dục ý thức tự bảo vệ khỏi các hoạt động mạo hiểm, trẻ cần được tập huấn các kỹ năng bơi và sơ cứu cơ bản trong trường hợp không có sự giúp đỡ của người lớn.
Theo Thanh Niên
>>>Xem thêm: Cách sơ cứu đuối nước cần biết trong mùa hè
>>>Xem thêm: Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ