Phòng ngừa nhồi máu cơ tim dù già hay trẻ cũng phải biết
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra với mỗi người do nhiều nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhưng nếu chúng ta tìm ra cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim cho bản thân thì có thể kiểm soát được nguy cơ mắc bệnh hiệu quả.
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim dù già hay trẻ cũng phải biết
1. Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành (động mạch cung cấp máu nuôi tim) một cách đột ngột.
Tắc nghẽn có thể do việc hình thành cục máu đông khi mảng xơ vữa cấu tạo bởi chất béo bị bong tróc trong thành mạch.
Tim chúng ta hoạt động giống như một cái bơm, có nhiệm vụ bơm máu đi khắp cơ thể và được nuôi dưỡng bằng một hệ mạch máu gọi là hệ mạch vành.
Các mô tim cũng cần được cung cấp máu và dinh dưỡng liên tục giống như bất kỳ mô cơ nào trong cơ thể. Có hai nhánh động mạch vành lớn cung cấp oxy cho cơ tim. Nếu một trong các động mạch lớn hay các nhánh nhỏ bị tắc đột ngột sẽ làm ngưng trệ dòng máu đến nuôi dưỡng cơ tim, khiến một phần tim sẽ bị thiếu oxy (tình trạng này gọi là thiếu máu cơ tim). Nếu thiếu máu cơ tim quá lâu, mô cơ sẽ bị hoại tử gây tử vong (nhồi máu cơ tim).
2. Những đối tượng dễ bị nhồi máu cơ tim?
- Người hút thuốc lá: Thuốc lá là kẻ thù số 1 của tim mạch, Nicotin trong thuốc lá làm đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch. Thống kê cho thấy 67,5 % bệnh nhân nhồi máu cơ tim nghiện thuốc lá.
- Người mắc bệnh tiểu đường: Theo thống kê cứ 5 người bị nhồi máu cơ tim thì có đến 2 người mắc bệnh đái tháo đường. Ở Việt Nam tỷ lệ người mắc đái tháo đường bị nhồi máu cơ tim là hơn 70%.
- Người có mức cholesterol trong cơ thể cao
- Người có huyết áp cao
- Người thừa cân hoặc béo phì: Ngày càng có nhiều người bị thừa cân hoặc béo phì. Và người béo phì có nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn 40% so với người bình thường. Béo phì cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim. Trên thế giới có hơn 19,5 triệu người béo phì chết vì nhồi máu cơ tim mỗi năm.
- Người cao tuổi
- Người bị tăng mỡ máu
- Người bị xơ vữa mạch máu
Hiện nay, đối tượng của bệnh nhồi máu cơ tim không chỉ gồm những đối tượng kể trên mà nó xuất hiện ở nhiều đối tượng. Có những trường hợp không bị tăng mỡ máu, không bị xơ vữa mạch nhưng vẫn bị nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân được xác định là do stress nặng. Vì thế, ngày nay những người làm việc quá nhiều và bị stress thường xuyên là đối tượng mới của nhồi máu cơ tim.
4. Phòng ngừa nhồi máu cơ tim bằng cách nào?
Theo các bác sĩ, cách thức tốt nhất để phòng ngừa nhồi máu cơ tim là:
4.1 Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Có hai nhân tố gây nên nguy cơ bệnh mạch vành mà không hề có triệu chứng ở giai đoạn đầu là mỡ máu cao và tăng huyết áp. Nhiều người có nguy cơ tiềm ẩn này nhưng vẫn có thể sống bình thường mà không có triệu chứng nào bộc lộ ra cả. Do đó, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khi nó còn chưa gây ra bệnh lý nguy hiểm. Khi kiểm soát được những nguy cơ này thì chúng ta có thể khống chế và giảm thấp nhất nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Những chỉ số cần được kiểm tra thường xuyên là: cholesterol toàn phần, cholesterol LDL (cholesterol xấu) và cholesterol HDL (cholesterol tốt) bắt đầu từ độ tuổi 20. Nếu xét nghiệm cho thấy mức cholesterol toàn phần dưới 200mg/dl và cholesterol HDL trên 35mg/dl, thì bạn nên kiểm tra lại máu sau 5 năm. Với người có nồng độ cholesterol toàn phần cao nên kiểm tra thường xuyên hơn. Huyết áp cũng nên kiểm tra định kỳ 2 lần/năm. Bởi có nhiều lúc huyết áp tăng lên mà chúng ta không nhận biết được. Kiểm tra sức khỏe định kỳ còn rất cần thiết đặc biệt là đối với những người có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình nhiều người bị nhồi máu cơ tim.
4.2 Loại bỏ các yếu tố nguy cơ
Các nghiên cứu cho thấy khi thay đổi lối sống, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, người bị bệnh mạch vành sẽ có cuộc sống lâu dài hơn. Dưới đây là một số thay đổi trong lối sống có thể giúp bạn có trái tim mạnh khỏe hơn:
Không hút thuốc lá
Nếu bạn chưa hút thuốc lá thì đừng nên thử. Còn nếu bạn đang hút thuốc thì hãy hạn chế dần rồi bỏ hẳn. Không hút thuốc lá là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, ung thư phổi và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Giữ cân nặng ở mức phù hợp
Tăng cân sẽ kéo theo hàm lượng cholesterol trong máu tăng, triglycerid, huyết áp tăng và dễ bị đái tháo đường, đồng thời khiến hàm lượng HDL trong máu giảm. Vì vậy, hãy giữ cân nặng của bạn ở mức tốt nhất. Nếu bạn đang bị thừa cân, hãy bắt đầu chương trình giảm cân để có trái tim khỏe mạnh, tránh được bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim.
Ăn thức ăn ít chất béo
Mỡ máu thường có xu hướng tăng lên khi tuổi tác tăng. Chế độ ăn ít chất béo và hàm lượng cholesterol thấp sẽ giúp bạn hạn chế xu hướng này. Chế độ ăn sau đây có thể ngăn ngừa được nhồi máu cơ tim:
- Thiết lập định mức cho loại thức ăn và lượng thức ăn bạn ăn hàng ngày.
- Hạn chế nạp vào quá nhiều thịt, cá và thịt gia cầm trong 1 ngày.
- Ăn nhiều hơn các thức ăn như rau, cơm, mì, đậu cùng với một lượng nhỏ thịt, cá hoặc thịt gia cầm.
- Chỉ nên tiêu thụ 5 - 8 thìa cà phê dầu hoặc mỡ dùng để chế biến thức ăn trong 1 ngày.
- Sử dụng các phương pháp chế biến thức ăn ít hoặc không có chất béo như luộc, hấp, kho, hạn chế dùng đồ chiên, rán.
- Bỏ qua phủ tạng động vật như gan, não, thận, tim...
- Ăn nhiều rau, quả, củ đa dạng.
Tập luyện đều đặn
Tập thể dục, thể thao đều đặn có thể giúp bảo vệ bạn khỏi nguy cơ nhồi máu cơ tim. Bất cứ hình thức tập luyện nào cũng cần thiết và nên duy trì. Cố gắng tập thể dục 3 - 4 lần/tuần, mỗi lần từ 30 - 60 phút.
Các môn thể thao tốt nhất cho bạn là chạy, bơi, đạp xe và đi bộ. Trước khi tập luyện, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ, đặc biệt là khi bạn đã vào tuổi trung niên hoặc đã lớn tuổi và có bệnh tim hoặc một bệnh lý nào đó.
Tránh căng thẳng
Stress, căng thẳng có thể làm hại tim hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Để hạn chế điều này, hãy thư giãn một chút trong giờ làm việc, vào ban đêm và trong những ngày nghỉ.
Hạn chế rượu, bia
Một số nghiên cứu cho thấy dùng bia rượu với mức độ vừa phải (1 - 2 ly/ngày) có thể giúp bảo vệ quả tim của bạn. Tuy nhiên, nếu uống nhiều hơn sẽ làm hại đến cơ thể. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp, tăng cân, tăng triglyceride máu và có thể gây rối loạn nhịp tim.
Nếu bạn vốn không uống thì không nên thử. Nếu bạn đang uống, thì nên hạn chế và từ từ bỏ rượu và hãy chú ý đến những tác dụng phụ của nó (suy gan, bệnh cơ tim do rượu, tai nạn khi điều khiển xe...).
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm ai cũng có thể mắc phải. Để có trái tim khỏe, cần thăm khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm các nguy cơ giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về nhồi máu cơ tim
- Bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì để nhanh hồi phục sức khỏe
- Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim