Phòng dịch tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết sau bão lũ
Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau bão lũ gồm tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... Theo đó, để phòng, chống dịch bệnh cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử ...
Phòng dịch tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết sau bão lũ
Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau bão lũ gồm tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm...
Theo đó, để phòng, chống dịch bệnh cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ.
Sau mưa lũ, người dân không chỉ đối mặt với thiệt hại về tài sản mà còn đối mặt với dịch bệnh.
Ngành y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn... Tuy nhiên, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.
Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân một số biện pháp như:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Đau mắt đỏ - một trong những dịch bệnh dễ phát sinh sau bão lũ.
- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn...
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách khử khuẩn nước sinh hoạt sạch sau mưa lũ.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh miền Trung trong khu vực bị ảnh hưởng mưa bão đề nghị Sở Y tế các tỉnh này chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi bão đã đi qua, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc, hóa chất vệ sinh môi trường... Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng bão lũ cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.
Theo: suckhoedoisong