Phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm

Hiện nay, các bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi như: cúm A (H7N9), Mers-CoV, sốt vàng, dịch hạch... vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia. Mùa đông - xuân, thời tiết lạnh, độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, liên cầu lợn...

Phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm Phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm

Vì vậy, nguy cơ xâm nhập và bùng phát dịch bệnh ở nước ta trong thời gian tới là rất lớn.

Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Ðắc Phu cho biết, trong năm 2017, Việt Nam không có người mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi như: cúm A (H7N9), Mers-CoV, sốt vàng, dịch hạch... Tuy nhiên, năm 2017, bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố, với hơn 183 nghìn người mắc, trong đó có 30 người chết; bệnh tay, chân, miệng (TCM), cũng có gần 106 nghìn người mắc, trong đó có một người chết; có 431 người phát ban nghi sởi, số người mắc chủ yếu tại các tỉnh miền bắc và một số tỉnh miền nam. Cả nước có gần 39 nghìn người mắc bệnh thủy đậu, tăng 45,9%, so với năm 2016; có 571 trường hợp mắc bệnh ho gà, trong đó có ba trường hợp chết... Tại TP Hà Nội, năm 2017, có 125 trẻ mắc ho gà, phân bố tại 99 xã, phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã. Kết quả điều tra cho thấy: 114 trong số 125 ca bệnh (chiếm 91,2%) chưa được tiêm chủng đầy đủ ba mũi vắc-xin phòng bệnh ho gà, trong đó có 46 trường hợp là trẻ dưới hai tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng.

vicare.vn-phong-chong-dich-benh-ngay-tu-dau-nam-body-1

Nhận định về tình hình dịch bệnh năm 2018, nhất là dịch bệnh trong mùa đông - xuân ở nước ta hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ xâm nhập và bùng phát thành dịch. Trong mùa đông - xuân, do thời tiết lạnh, độ ẩm cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các lễ hội đầu xuân tập trung đông người làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng mới đạt hơn 95% quy mô xã, phường; chưa quản lý tốt các đối tượng tiêm chủng, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có số dân biến động lớn sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng...

Ðể chủ động phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018 trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Ðồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, các ổ dịch, nhất là các bệnh nguy hiểm và mới nổi, xử lý ngay, không để bùng phát. Giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch tại các cửa khẩu, phát hiện sớm trường hợp mắc tại cộng đồng; tiến hành rà soát đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang phục, phương tiện phòng chống dịch và sẵn sàng các đội cơ động chống dịch cho tuyến dưới. Triển khai sử dụng phần mềm tiêm chủng tại 100% các xã, phường, thị trấn, thực hiện quản lý chặt chẽ đối tượng tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm dịch vụ; thông báo cho người dân biết và sử dụng gói dịch vụ nhắc lịch tiêm chủng, để đưa trẻ đi tiêm đầy đủ và đúng lịch...

vicare.vn-phong-chong-dich-benh-ngay-tu-dau-nam-body-2

Ngành y tế các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành có liên quan, chính quyền các cấp đẩy mạnh các hoạt động quản lý, kiểm soát việc buôn bán, lưu thông gia cầm, các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Tập trung tuyên truyền phòng chống các bệnh truyền nhiễm lưu hành và các bệnh phòng được bằng vắc-xin.

Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cũng đề nghị các cơ sở điều trị xây dựng kế hoạch phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực cách ly tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp chết do mắc bệnh truyền nhiễm. Xây dựng tài liệu, chương trình đào tạo thống nhất và tổ chức tập huấn về chẩn đoán, điều trị bệnh, phân tích ca lâm sàng, nhất là cho các bác sĩ trẻ, bác sĩ mới được phân công điều trị bệnh dịch. Các bệnh viện tuyến cuối tăng cường công tác chỉ đạo tuyến theo phân công, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới bảo đảm công tác điều trị tại chỗ phòng lây nhiễm...

Theo Báo Nhân Dân