Phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào?
Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tiêu chảy nặng, phải nhập viện và thậm chí là tử vong trên toàn thế giới. Do đó, cha mẹ cần biết cách xử trí và phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào để không phải hối tiếc.
Phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào?
Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tiêu chảy nặng, phải nhập viện và thậm chí là tử vong trên toàn thế giới. Do đó, cha mẹ cần biết cách xử trí và phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ để không gặp hậu quả đáng tiếc. Tham khảo bài viết sau đây của HoiBenh để có cho mình những thông tin hữu ích trong việc phòng ngừa bệnh tiêu chảy do rotavirus ở trẻ nhé!
Rotavirus là gì?
Trước khi tìm hiểu cách xử trí và phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào, cha mẹ cần hiểu loại virus này là gì và vì sao nó lại nguy hiểm với trẻ đến vậy. Rotavirus là một loại virus gây nhiễm trùng, là một chi của virus RNA kép trong họ Reoviridae. Loại virus này là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhỏ bị tiêu chảy nặng, phải nhập viện cấp cứu và thậm chí là tử vong.
Theo thông tin từ Viện Nhi Trung ương và số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ lượt trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy và 4 triệu trẻ chết vì căn bệnh này, trong đó 80% là trẻ dưới 2 tuổi.
Tỷ lệ nhập viện của trẻ bị tiêu chảy do rotavirus cao gấp 3 lần so với trẻ bị tiêu chảy vì những nguyên nhân khác. Ở Việt Nam, có tới 55% trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp phải nhập viện là do rotavirus.
(Số liệu năm 2015, Bệnh viện Nhi Trung ương)
Dấu hiệu trẻ nhiễm rotavirus
Theo các bác sĩ, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới trẻ khi con em mình xuất hiện những dấu hiệu mất nước như quấy khóc, tiểu ít, da khô, lưỡi khô, môi khô,...
Thông thường, trẻ bị nhiễm rotavirus có các biểu hiện sau:
- Nôn ói: Trẻ thường nôn ói rất nhiều vào ngày đầu nhưng triệu chứng này sẽ giảm bớt khi trẻ bắt đầu bị tiêu chảy. Đặc biệt, chất nôn của trẻ là thức ăn chứ không lẫn các chất màu nâu, màu vàng như những trường hợp trẻ bị tắc ruột.
- Tiêu chảy cấp: Một đặc điểm của triệu chứng tiêu chảy do rotavirus ở trẻ là đi ngoài ra phân lỏng toàn nước, có thể có nhớt, đàm nhưng không có máu, có thể có màu xanh dưa cải.
- Ngoài ra, trẻ bị rotavirus còn có biểu hiện chảy nước mũi, ho, đau bụng, sốt nhẹ.
- Đi ngoài nhiều lần, đi ngoài liên tục ra phân lỏng.
- Nôn tái diễn.
- Bỏ bú hoặc ăn uống kém.
- Trẻ trở nên rất khát.
- Tình trạng của trẻ không tiến triển sau 2 ngày tự điều trị tại nhà.
Phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào?
Cách phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ tốt nhất là cho bé dùng vắc-xin. WHO khuyến cáo, phụ huynh nên tiêm chủng cho tất cả trẻ nhỏ để có thể phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, vắc-xin ngừa tiêu chảy do rotavirus cho trẻ cần được uống từ lúc 6 tuần tuổi, uống 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng và nên uống trước 6 tháng tuổi. Trường hợp bé nhà bạn vẫn đang trong độ tuổi có thể chủng ngừa, bạn nên cho trẻ tới gặp bác sĩ để được tư vấn thêm.
Ngoài ra, trẻ có thể bị nhiễm rotavirus qua đường tiêu hoá, nên nếu còn đang băn khoăn “Phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào?”, cha mẹ cần thực hiện theo đúng những lời khuyên dưới đây:
- Hàng ngày dùng nước sạch vệ sinh cho trẻ cẩn thận, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi tắm nên nhắc trẻ không mở miệng để tránh nước tắm vào bên trong cơ thể.
- Thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi. Chỉ cho trẻ ăn thực phẩm nấu chín và không để quá lâu; cần hâm kỹ thức ăn nếu là đồ từ bữa ăn trước còn lại. Chỉ cho trẻ ăn trái cây do chính tay cha mẹ bóc vỏ và phải ăn ngay sau khi bóc.
- Phụ huynh cũng nên rửa tay với nước sạch và xà phòng; nên rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn cho trẻ, sau khi đi vệ sinh, làm vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và bú mẹ càng lâu càng tốt.
- Cho trẻ uống vitamin A định kỳ theo đúng lịch hẹn của nhân viên y tế, uống vắc-xin ngừa rotavirus, chủng ngừa sởi.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh.
- Tránh cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi.
Cách xử trí, chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do rotavirus
Bên cạnh vấn đề “Phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào?”, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm đến cách xử trí và chăm sóc trẻ khi bị nhiễm rotavirus. Dưới đây là những điều phụ huynh cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do rotavirus.
Bù nước
Điều quan trọng nhất mà phụ huynh cần nhớ khi trẻ bị tiêu chảy do rotavirus là bù nước, bù điện giải và tốt nhất là bằng dung dịch Oresol. Phụ huynh cần lưu ý pha Oresol vào nước theo đúng quy định, thể nước phải đong chính xác tới từng ml, trường hợp pha quá đặc hoặc quá loãng đều có thể gây rối loạn nước và điện giải, khiến trẻ bị tiêu chảy nặng hơn và có thể tử vong. Cha mẹ nên đút Oresol từng thìa nhỏ một cho trẻ, cứ 2 phút 1 lần và không nên cho uống hoặc tu liên tục.
Chế độ dinh dưỡng
Nhiều bậc phụ huynh thường có quan niệm sai lầm rằng khi trẻ bị tiêu chảy cần kiêng sữa, đường, chất tanh, cá, thịt,... Tuy nhiên điều này vô tình làm sụt giảm khả năng chống đỡ bệnh tật của trẻ, khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài và nguy cơ suy dinh dưỡng rất cao.
Vì vậy, cha mẹ cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, cho bú sữa mẹ bình thường, ăn những thức ăn dễ tiêu hoá như sữa, chuối tiêu, cháo loãng,... và ăn thành nhiều bữa nhỏ. Trường hợp trẻ dùng sữa mà bị tiêu chảy quá nhiều thì không nên dùng loại sữa có lactose.
Đặc biệt, không cho trẻ bị tiêu chảy do rotavirus ăn các loại quả chát và lá chứa nhiều tanin như hồng xiêm xanh, ổi xanh, lá ổi xanh, lá nhọ nồi,... Chất này có công dụng làm săn màng ruột ngay tức khắc, giúp trẻ cầm tiêu chảy ngay lập tức song thực chất đây chỉ là cách làm tạm thời. Bệnh chỉ đang đỡ "giả tạo" khiến phụ huynh dễ lơ là, chủ quan. Không những thế đây còn là tác nhân gây nhiều bệnh như nấm, vi khuẩn, virus,...; thải hồi chậm do màng ruột đã bị săn khiến bệnh tình ngày càng kéo dài hoặc thậm chí nặng hơn.
Truyền dịch
Liên quan tới vấn đề xử trí và phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào, các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ nôn nhiều, mệt mỏi, đi ngoài liên tục, không ăn uống, nằm li bì, không chơi, có hiện tượng mất nước như da nhăn nheo, mắt lõm thì cha mẹ cần lập tức đưa bé tới bệnh viện để truyền dịch kịp thời.
Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy, kháng sinh
Khi trẻ bị tiêu chảy do rotavirus, phụ huynh tuyệt đối không được cho bé dùng thuốc kháng sinh bởi vừa khiến bệnh không khỏi lại dễ làm trẻ có nguy cơ bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hoá. Điều này làm bệnh tình của trẻ kéo dài và nặng hơn, chưa kể tới tác dụng phụ do kháng sinh gây ra.
Cha mẹ cũng tránh cho bé dùng thuốc cầm tiêu chảy vì chúng không có khả năng diệt virus mà còn làm giảm nhu động ruột, gây liệt ruột khiến phân không thể thải ra ngoài được. Vì vậy, trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy nhưng phân không bài xuất ra ngoài được, ứ đọng trong ruột lâu ngày gây chướng bụng, tắc ruột, thủng ruột hoặc thậm chí là tử vong.
Minh Thùy