Phát hiện sớm suy thận cấp
Suy thận là nỗi ám ảnh của nhiều người. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị suy thận cấp nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì có thể hồi phục lại chức năng thận. Sớm để ý các triệu chứng ban đầu của suy thận cấp, người bệnh sẽ có khả năng phát hiện được bệnh sớm, dẫn tới tăng hiệu quả điều trị.
Phát hiện sớm suy thận cấp
Suy thận là nỗi ám ảnh của nhiều người. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị suy thận cấp nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì có thể hồi phục lại chức năng thận. Sớm để ý các triệu chứng ban đầu của suy thận cấp, người bệnh sẽ có khả năng phát hiện được bệnh sớm, dẫn tới tăng hiệu quả điều trị.
Bệnh suy thận cấp là gì?
Thận là một cơ quan trong cơ thể chịu trách nhiệm lọc máu và các chất trong cơ thể, bài xuất các chất cặn bã ra nước tiểu và thải ra ngoài cơ thể. Thông qua hoạt động này thận giúp điều hòa các chất hòa tan, các ion trong cơ thể, cân bằng kiềm toan. Khi có sự rối loạn của chức năng thận thì gây ra các bệnh lí đối với cơ thể.
Bệnh suy thận cấp là tập hợp các triệu chứng thể hiện sự suy giảm hoặc mất chức năng tạm thời, cấp tính của thận, từ đó dẫn đến chức năng lọc của thận bị suy giảm. Điều này khiến lượng nước tiểu bị giảm, dẫn tới thiểu niệu hoặc vô niệu. Ngoài ra nó còn dẫn tới các rối loạn trong cơ thể về điện giải, rối loạn cân bằng kiềm-toan...
Tình trạng suy thận cấp diễn ra từ vài giờ đến vài ngày, cần được nhận biết và điều trị sớm. Điều trị chậm trễ có thể dẫn tới tình trạng bệnh tăng nặng, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh suy thận cấp
Có 3 nhóm nguyên nhân gây bệnh chính:
Suy thận trước thận
Do sự giảm đột ngột lượng máu đến thận làm thận không thực hiện được chức năng lọc máu của mình. Những nguyên nhân gây giảm lượng máu đến thận
- Chảy máu: sau chấn thương nặng, sau các phẫu thuật mất nhiều máu, ... là lượng máu trong cơ thể giảm làm lượng máu tới thận ít đi dẫn đến suy thận cấp.
- Mất nước: những người bị nôn nhiều, tiêu chảy, mất nước qua mồ hôi nhiều cũng làm lượng máu trong cơ thể ít đi, tình trạng mất nước để kéo dài mà không được cung cấp bù nước có thể dẫn đến bệnh.
Suy thận tại thận
Nguyên nhân gây bệnh được xác định là do bản thân tại thận. Sự suy giảm chức năng của thận gây ra do
- Các chất gây độc cho thận: kim loại nặng, các nhiễm độc rượu, các thuốc gây độc cho thận sử dụng trong điều trị bệnh, chất cản quang...
- Các bệnh lí tại thận: những bệnh lí viêm cầu thận. viêm thận kẽ, các tắc nghẽn trong thận do các tinh thể urat, ...
Suy thận sau thận
Các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiểu làm đường thoát nước tiểu bị ngưng trệ đều có thể dẫn tới suy thận cấp. Những tắc nghẽn thường gặp trong các bệnh lí: sỏi niệu quản, sỏi thận, u chèn ép đường tiểu, ....
Triệu chứng của suy thận cấp
Suy thận cấp có biểu hiện rõ rệt nhất là thiểu niệu hoặc vô niệu kéo dài, trung bình từ 1-3 tuần. Sự không đào thải được nước tiểu ra ngoài làm cơ thể có những triệu chứng của rối loạn điện giải, mất cân bằng kiềm toan...
Những triệu chứng sớm dễ nhận biết của suy thận cấp có thể bao gồm:
- Tiểu ít: đây là dấu hiệu đặc trưng và luôn có của bệnh. Sự suy giảm chức năng lọc của thận, lượng nước tiểu được sản xuất ít và đào thải ít ra ngoài cơ thể.
- Mệt mỏi: là dấu hiệu mơ hồ, không rõ ràng do người bệnh chỉ cảm thấy mệt mỏi, đôi khi thấy đau đầu, nôn, buồn nôn kèm theo. Đây là những biểu hiện của tình trạng các chất độc không được đào thải ra ngoài cơ thể.
- Phù: do sự tích nước lại trong cơ thể do không đào thải được ra ngoài. phù xuất hiện tại mí mắt, phù tay chân, phù mắt cá chân....
- Khó thở, đau tức ngực: khi tình trạng bệnh nặng hơn thì có sự tích tụ dịch trong các khoang của cơ thể, tại khoang màng phổi gây triệu chứng khó thở, kèm theo có thể đau tức ngực.
- Hôn mê, co giật: đây là những triệu chứng ở giai đoạn muộn của bệnh, thể hiện sự rối loạn của các cơ quan trong cơ thể, không chỉ ở tại thận mà còn ở hệ thần kinh, tim mạch....
Điều trị bệnh suy thận cấp
Suy thận cấp có thể dẫn đến tử vong, Vì vậy cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm giúp chức năng thận có thể phục hồi hoàn toàn. Hiện nay phương pháp điều trị tốt nhất với bệnh suy thận cấp là lọc máu bằng thận nhân tạo, kết hợp với điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, những biểu hiện lâm sàng và giai đoạn của bệnh.
- Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Việc phân loại 3 nhóm nguyên nhân suy thận cấp giúp cho việc tìm nguyên nhân và lựa chọn phương pháp điều trị được đơn giản hơn. Bác sỹ có thể cầm máu, bù dịch với tình trạng suy thận trước thận.
Ngoài ra, bác sĩ có thể lựa chọn thêm các phương pháp: tán sỏi, phẫu thuật để giải quyết các tắc nghẽn đường tiểu
- Lọc máu nhân tạo: với những rối loạn nặng thì người bệnh suy thận cấp được chỉ định lọc máu cấp cứu để đảm bảo chức năng sống.
- Thuốc lợi tiểu: thuốc giúp làm tăng lượng nước tiểu được sản xuất ra để đào thải các chất độc, ngăn chặn tình trạng nặng lên của suy thận cấp.
- Cân bằng điện giải, cân bằng kiềm toan: việc giữ cân bằng này là rất quan trọng với hoạt động sống bình thường của cơ thể. Vì vậy khi nằm viện điều trị bạn sẽ được làm các xét nghiệm cần thiết để điều chỉnh điện giải, thăng bằng kiềm toan.
- Dinh dưỡng hợp lí: cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong giai đoạn bệnh để nâng cao thể trạng người bệnh.
Những chú ý với người bệnh suy thận cấp
Thói quen sinh hoạt có ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Vì vậy duy trì lối sống khoa học, lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lí là một cách phòng tránh bệnh.
- Chế độ ăn hạn chế đạm: protein là một chất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên cần hạn chế đối với những bệnh nhân suy thận. Tăng cường sử dụng rau xanh, trái cây thay thế là một lựa chọn hợp lí.
- Điều trị các bệnh lí toàn thân tốt: bệnh lí tăng huyết áp, bệnh lí tim mạch, bệnh tiểu đường... đều là những bệnh có nguy cơ dẫn đến suy thận cấp. Vì vậy hãy tuân thủ điều trị thuốc theo đơn của bác sĩ.
- Hạn chế sử dụng các thuốc gây độc cho thận: một số thuốc kháng sinh để điều trị bệnh có thể gây tác dụng phụ là độc cho thận, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng này.
- Hãy đến bệnh viện khi bạn có dấu hiệu của dị ứng do bất kể nguyên nhân gì, do ong đốt, do dị ứng, do ăn thức ăn lạ...
- Khi có các dấu hiệu bất thường: tiểu ít, đau đầu, đau cơ, nôn, buồn nôn,... thì hãy đến bệnh viện để được thăm khám.
Xem thêm:
- Điều trị chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân suy thận
- Bệnh suy thận là gì và bệnh suy thận có mấy giai đoạn?