Phân biệt viêm tuyến nước bọt mang tai và bệnh quai bị

Tuyến nước bọt là hệ thống có ở xung quanh khoang miệng, có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi tuyến nước bọt bị viêm sẽ dẫn đến không ít rắc rối cho sức khỏe. Bên cạnh đó, các triệu chứng của viêm tuyến nước bọt lại rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác.

Phân biệt viêm tuyến nước bọt mang tai và bệnh quai bị Phân biệt viêm tuyến nước bọt mang tai và bệnh quai bị

Cùng tìm hiểu rõ hơn về bệnh và biết được cách phân biệt viêm tuyến nước bọt qua bài viết sau đây.

Viêm tuyến nước bọt là gì?

Viêm tuyến nước bọt là tình trạng tuyến nước bọt bị một tác nhân nào đó xâm nhập gây viêm như vi khuẩn, virus, vi nấm hoặc phản ứng dị ứng. Ngoài ra, viêm tuyến nước bọt còn có thể do sự suy giảm lượng nước bọt do bị tắc nghẽn.

Có 3 tuyến nước bọt chính nằm ở hai bên mặt: tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Trong đó tuyến nước bọt mang tai là tuyến lớn nhất, vị trí nằm ở hai bên má (một tuyến nằm phía trước tai và một tuyến ở trên hàm, nếu một trong hai tuyến này bị viêm đều được gọi là viêm tuyến nước bọt mang tai).

Hiện tượng viêm thường xảy ra ở tuyến nước bọt mang tai và ở dưới hàm là chủ yếu. Viêm tuyến nước bọt là bệnh lý lành tính, chỉ tổn thương tại tuyến nước bọt, không lây lan qua tiếp xúc hàng ngày, thậm chí cả khi trao nụ hôn.

Những nguyên nhân gây ra viêm tuyến nước bọt thường gặp

  • Phổ biến nhất là do nhiễm vi khuẩn là Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng)
  • Sỏi tuyến nước bọt hoặc đờm nhầy làm tắc nghẽn ống tuyến nước bọt.
  • Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ.
  • Bệnh nhân đang xạ trị vùng đầu và cổ.
  • Tình trạng suy dinh dưỡng, mất nước cũng là một nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến nước bọt.

Dấu hiệu nhận biết viêm tuyến nước bọt

  • Đầu tiên, bệnh nhân thường thấy dấu hiệu tuyến nước bọt mang tai sưng to, sưng lan rộng ra xung quanh tuyến: sưng quanh hàm dưới tai, sưng dưới hàm hoặc dưới miệng.
  • Da ở vùng tuyến nước bọt (vị trí hàm ở phía trước tai, trên hàm hoặc dưới hàm) sưng tấy, đỏ, đau.
  • Nói và nuốt bị đau.
  • Có hạch viêm ở góc hàm hoặc sau tai cùng bên
  • Cổ hoặc mặt bị sưng lên.
  • Dấu hiệu toàn thân như sốt cao 38 - 39oC, mệt mỏi nhiều hoặc khó thở.
  • Hơi thở có mùi hôi và miệng cảm thấy có vị bất thường
  • Trong miệng có mủ.
  • Không thể há miệng to ra được do đau hoặc khó chịu.
  • Khó nuốt, khô miệng.

Ban đầu bệnh nhân thường có những biểu hiện giống như bệnh quai bị nên không ít người nhầm lẫn.

vicare.vn-dau-hieu-nhan-biet-viem-tuyen-nuoc-bot-body-1

Biến chứng của bệnh viêm tuyến nước bọt

Thông thường, bệnh sẽ khỏi hẳn trong thời gian hơn 1 tuần khi được điều trị bằng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu chủ quan, không nghiêm túc điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng:

  • Hình thành các ổ áp xe ở tuyến nước bọt.
  • Vùng cổ bị sưng to và làm tổn thương mang tai, phì đại mang tai.
  • Viêm tuyến nước bọt xuất phát từ khối u thì có thể gây ra phì đại tuyến nước bọt, trường hợp khối u ác tính có thể gây ung thư tuyến nước bọt. Tuy nhiên các khối u tuyến nước bọt tương đối hiếm gặp, phần lớn là u lành tính (70-80%), thường phát hiện ở tuyến nước bọt mang tai (80% - 90%), còn lại (khoảng 10%) là u ở tuyến nước bọt dưới hàm nhưng gần một nửa khối u này có thể là u ác tính.

Phân biệt viêm tuyến nước bọt mang tai và bệnh quai bị

Giống nhau

Viêm tuyến nước bọt mang tai và bệnh quai bị đều biểu hiện triệu chứng ở mang tai, những dấu hiệu thường giống nhau như: sốt cao (38 - 39oC), sưng tuyến mang tai, đau họng...

Khác nhau

Quai bị

  • Quai bị là một bệnh lý toàn thân, bệnh truyền nhiễm và lây lan trực tiếp qua dịch tiết đường hô hấp. Bệnh do virus Paramyxoviridae gây ra. Quai bị chỉ mắc 1 lần trong đời do cơ thể sẽ tự sản sinh miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.
  • Đặc điểm của bệnh quai bị rất rõ ràng: thường xảy ra vào mùa xuân (đặc biệt vào khoảng tháng 4 và tháng 5), môi trường tập thể (trường học, nhà trẻ), gặp ở mọi lứa tuổi (tuy nhiên ít gặp ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi và dễ gặp nhất ở tuổi 10-19), tỉ lệ nam mắc bệnh cao hơn nữ.
  • Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh bắt đầu cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét. Tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần, có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Trường hợp sưng cả 2 bên thì có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng do quai bị thường lan đến má, đẩy tai lên trên và ra ngoài. Có khi sưng lan đến ngực gây phù trước xương ức. Cảm giác đau ở vùng bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết. Ngoài ra còn có triệu chứng đau nhức các khớp xương.
  • Bệnh quai bị có nhiều biến chứng toàn thân nguy hiểm, tuy nhiên không thể ngăn chặn được. Các biến chứng: viêm buồng trứng, viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh, đây là biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh quai bị, nhất là với nam giới. Ngoài ra còn có thể gặp: viêm não màng não, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm đa khớp...

Viêm tuyến nước bọt mang tai

  • Đây là bệnh lý tổn thương tại chỗ ở tuyến nước bọt, bệnh không lây nhiễm qua dịch tiết đường hô hấp. Phần lớn là do vi khuẩn: Staphylococcus aureus, Influenza, Coxsackie... hoặc do sỏi gây ra. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần.
  • Bệnh thường xuất hiện sau các bệnh lý khác: viêm amidan, viêm lợi, giảm hay mất bài tiết nước bọt sau những thủ thuật, phẫu thuật đường tiêu hóa, phẫu thuật ghép tạng, sau đợt điều trị an thần kinh hoặc cường giáp, dùng thuốc giảm miễn dịch, viêm tụy hoại tử... Tuyến mang tai sưng đau nhưng ấn vẫn mềm, da bao quanh tuyến nhẵn, thường có hạch viêm. Ngoài việc bị sưng tuyến mang tai, viêm tuyến nước bọt còn có dấu hiệu: mùi bất thường hoặc mùi hôi trong miệng, đau khi mở miệng hoặc ăn, khô miệng, mủ trong miệng...
  • Viêm tuyến nước bọt rất ít khi gặp phải các biến chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến mủ tích tụ và tạo áp-xe. Bệnh tái phát nhiều lần có thể dẫn đến tuyến mang tai bị phì đại hai bên, không nhỏ lại được, làm khuôn mặt bệnh nhân bị biến dạng.

Điều trị viêm tuyến nước bọt

vicare.vn-dau-hieu-nhan-biet-viem-tuyen-nuoc-bot-body-2

Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng khác. Điều trị viêm tuyến nước bọt thường dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, giảm phù nề, thuốc giảm đau kết hợp điều trị bổ sung bằng các loại thuốc kháng enzym. Có thể tiêm trực tiếp kháng sinh và corticoid vào tuyến nước bọt qua đường ống Stenon, giúp vùng tuyến nước bọt giảm sưng nhanh và ít tái phát. Ngoài ra cũng có thể chọc hút mủ khỏi các ổ áp xe nếu có.

Bệnh nên được điều trị sớm, nếu để muộn sau 7 - 10 ngày, bệnh sẽ giảm các triệu chứng và có thể tự khỏi hoặc chuyển sang viêm mạn tính, tái phát sau một vài tháng sẽ viêm trở lại. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến mang tai được thực hiện trong những trường hợp mà tần suất viêm tái phát trên 5 lần/1 năm.

Chăm sóc người bị viêm tuyến nước bọt tại nhà

  • Uống từ 8 – 10 ly nước mỗi ngày, pha với vài giọt nước chanh để kích thích tuyến nước bọt làm việc và giúp làm sạch tuyến nước bọt.
  • Có thể ngậm thêm 1 lát chanh hoặc cà chua để kích thích tuyến nước bọt hiệu quả hơn, giúp giảm sưng.
  • Massage, xoa bóp nhẹ nhàng vùng tuyến nước bọt đang bị tổn thương.
  • Chườm ấm lên tuyến nước bọt để cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Súc miệng thường xuyên bằng nước ấm có pha chút muối.

Phòng tránh bệnh viêm tuyến nước bọt

Các biện pháp phòng tránh chủ yếu giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tuyến nước bọt gây viêm:

  • Đánh răng đều đặn 2 lần mỗi ngày (sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ).
  • Dùng chỉ nha khoa loại bỏ thức ăn thừa sau khi ăn.
  • Không ăn kẹo vào buổi tối.
  • Thường xuyên súc miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lý.

Xem thêm:

  • Viêm tuyến nước bọt mang tai phải làm sao?
  • Cách điều trị quai bị an toàn bạn nên ghi nhớ