Phân biệt sự giống và khác nhau giữa ung thư phổi và viêm họng
Ung thư phổi là một căn bệnh khá phổ biến, tỷ lệ người mắc bệnh, tử vong ngày một tăng. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu lại rất khó khăn. Các triệu chứng của ung thư phổi ban đầu thường giống với bệnh viêm họng thông thường do đó chúng ta rất dễ nhầm lẫn và thường bỏ qua. Bài viết sau sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn và phân biệt 2 bệnh lý này.
Phân biệt sự giống và khác nhau giữa ung thư phổi và viêm họng
Ung thư phổi và viêm họng có gì giống nhau?
Viêm họng hay ung thư phổi đều có thể bắt đầu từ những con ho. Lúc đầu có thể chỉ ngứa ở cổ họng, ho thúng thắng rồi ho kéo dài, ho dai dẳng, đau họng, đau tăng khi nuốt thức ăn kèm theo nổi hạch, sốt, đau đầu kéo dài. Do triệu chứng trong giai đoạn đầu của ung thư phổi rất giống với viêm họng nên nhiều người thường coi nhẹ, chỉ nghĩ là viêm họng thông thường, nên không chú ý tới. Đến khi bệnh tiến triển nặng thì mới đi khám và điều trị thì bệnh đã tiến triển nặng, điều trị rất khó khăn.
Làm thế nào để phân biệt được viêm họng và ung thư phổi?
Tuy cả viêm họng và ung thư phổi đều có triệu chứng ho nhưng ở mỗi bệnh, ho lại có những đặc điểm riêng mà chúng ta có thể phân biệt rõ.
- Trong viêm họng, ho thường rải rác, được điều trị hay kể cả không được điều trị thì ho cũng tự hết. Khác với ho trong viêm họng, ở ung thư phổi ho dữ dội và dai dẳng, kể cả khi dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho thì tình trạng bệnh cũng không thuyên giảm. Ngoài ra, viêm họng cũng có thể khiến người bệnh ho ra máu, tuy nhiên rất ít gặp. Còn với bệnh ung thư phổi thì tần suất ho ra máu lớn hơn nhiều, thậm chí là nôn ra máu ở giai đoạn bệnh tiến triển.
- Ngoài ra viêm họng thường hay đi kèm với triệu chứng điển hình sổ mũi, hắt hơi, đau họng rõ rết. Người bị ung thư phổi ít khi cảm thấy đau họng mà hầu hết là thấy khó thở, ho khạc nhiều.
- Với bệnh viêm họng người bệnh có thể bị phù chân tay và mặt do dùng thuốc nhưng sẽ khỏi hoàn toàn khi dừng thuốc. Với bệnh ung thư phổi do khối u chèn ép nên người bệnh thường bị phù mặt kéo dài.
Ngoài những triệu chứng không điển hình như ở viêm họng, trong ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển người bệnh còn có những triệu chứng khác như:
Khó thở
Nếu có ho kèm theo các dấu hiệu như khó thở, tức ngực, thở khò khè thì nên được thăm khám càng sớm càng tốt vì đó là những dấu hiệu cảnh báo của ung thư phổi giai đoạn đầu.
Giảm cân bất thường, ăn không ngon miệng
Nếu cân nặng giảm sút một cách nhanh chóng, bất thường thì đó là dấu hiệu sức khỏe của bạn đang có vấn đề. Sút cân không rõ nguyên nhân là một dấu hiệu chung của các dạng bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng.
Đau ngực
Triệu chứng đau ngực cảm giác như đau sâu bên trong phổi, nhất là khi làm việc nặng, ho là dấu hiệu của ung thư phổi. Nếu cơn đau xuất hiện liên tục, đó có thể là dấu hiệu khối u đã phát triển, ép chặt vào các mô và các liên kết thần kinh.
Ở giai đoạn ung thư đã di căn người bệnh có biểu hiện như nổi các khối u, hạch ở nhiều vị trí trên cơ thể, xuất hiện các triệu chứng điển hình ở mỗi cơ quan khi mà khối u di căn đến đó như vàng da vàng mắt khi tế bào ung thư di căn đến gan, đau đầu, tay chân tê bì, hoa mắt, chóng mặt khi khối u di căn lên não hay tủy sống.
Điều trị viêm họng, ung thư phổi
Viêm họng
Bệnh viêm họng không cần điều trị cũng sẽ tự khỏi. Tuy nhiên để bệnh nhanh khỏi và giảm các triệu chứng khó chịu, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm họng do virus bạn không cần dùng kháng sinh mà chỉ dùng các thuốc điều trị triệu chứng như thuốc chứa paracetamol để hạ sốt và giảm đau, thuốc giảm ho, điều trị nghẹt mũi, chảy nước mũi. Trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh.
Ngoài ra bạn nên có thói quen sinh hoạt tốt để hạn chế diễn tiến của bệnh viêm họng như súc họng bằng nước muối ấm hằng ngày; uống nước ấm; hạn chế uống rượu bia; không hút thuốc lá; rửa tay bằng xà phòng thường xuyên trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người bệnh viêm họng.
Ung thư phổi
Tùy theo từng giai đoạn của ung thư phổi mà bác sĩ sẽ lựa chọn hay kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau.
- Phẫu thuật: Đây biện pháp điều trị triệt căn nhất với những trường hợp được chẩn đoán giai đoạn sớm. Phẫu thuật thường được tiến hành để cắt bỏ toàn bộ thùy phổi chứa khối u và bóc tách hạch. Những người bệnh này tiên lượng tốt hơn.
- Điều trị hóa chất: Phương pháp này được lựa chọn cho những người bệnh giai đoạn muộn, giúp tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn sự di căn. Tuy nhiên điều trị hóa chất có nhiều tác dụng phụ và nhìn chung thời gian sống thêm bệnh thường ngắn.
- Xạ trị: Xạ trị giúp phá hủy và làm chậm sự phát triển của khối u. Với người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm có thể lựa chọn xạ trị để điều trị triệt căn cho thấy hiệu quả tương đương phẫu thuật. Với người bệnh giai đoạn III không mổ được có thể điều trị hóa xạ trị cũng mang lại hiệu quả tốt.
- Điều trị miễn dịch: Phương pháp này sẽ kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Các thuốc miễn dịch được chỉ định cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tuy hiện chưa có kết quả đánh giá chung, nhưng trên từng người bệnh ung thư được áp dụng phương pháp điều trị miễn dịch cho thấy, tình trạng bệnh được cải thiện, khối u không còn bị di căn, tuy nhiên không phải người bệnh ung thư nào nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này mà với mỗi cơ thể sẽ có các đáp ứng khác nhau, bác sĩ sẽ cân nhắc để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.
- Điều trị giảm nhẹ: Khi người bệnh ở giai đoạn cuối, các phương pháp điều trị giảm nhẹ sẽ giúp giảm triệu chứng như đau, hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh.
Như vậy qua bài viết trên các bạn có thể thấy, viêm họng và ung thư phổi giai đoạn đầu tuy có một số triệu chứng giống nhau nhưng nếu để ý kỹ thì có thể phân biệt được. Và đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ung thư phổi các bạn nên đến các cơ sở uy tín để khám và điều trị, trong giai đoạn đầu hiệu quả điều trị bệnh là rất tốt.
Xem thêm:
- Triệu chứng của viêm họng cấp
- Địa chỉ khám ung thư phổi ở đâu tốt?
- 5 dấu hiệu bất thường cảnh báo ung thư phổi