Phân biệt nốt chấm đỏ của sốt xuất huyết và phát ban
Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh phổ biến và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em nếu không được phát hiện kịp thời, nhất là trong mùa dịch. Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh không nắm rõ cách phân biệt và dễ bị nhầm lẫn giữa nốt chấm đỏ của sốt xuất huyết và phát ban dẫn đến cách chăm sóc sai cách, gia tăng biến chứng cho trẻ.
Phân biệt nốt chấm đỏ của sốt xuất huyết và phát ban
Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh phổ biến và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em nếu không được phát hiện kịp thời, nhất là trong mùa dịch. Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh không nắm rõ cách phân biệt và dễ bị nhầm lẫn giữa nốt chấm đỏ của sốt xuất huyết và phát ban dẫn đến cách chăm sóc sai cách, gia tăng biến chứng cho trẻ.
Bệnh sốt xuất huyết và bệnh phát ban là gì?
- Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do tác nhân virus Dengue gây ra và có thể gây thành dịch. Trong đó, virus có 4 dạng huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh có khả năng lây lan trên diện rộng là vì muỗi vằn đốt người đã nhiễm virus và truyền cho người khỏe mạnh qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn đóng vai trò trung gian truyền bệnh có tên Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do loại muỗi Aedes aegypti.
- Bệnh phát ban (hay gọi là sốt phát ban) là tình trạng người mắc bệnh có hiện tượng nóng sốt và nổi các đốm nhỏ trên bề mặt da. Sốt phát ban ở trẻ em rất thường xuyên xảy ra trong nhóm tuổi từ 6 – 36 tháng tuổi. Nguyên nhân gây bệnh là do virus herpes 6 hoặc 7. Có 2 loại sốt phát ban phổ biến là ban đào và ban đỏ.
Đâu là dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết và bệnh phát ban?
Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết:
- Sốt: trẻ thường có biểu hiện sốt liên tục, liên miên cả ngày lẫn đêm không ngừng, mặc dù có dùng thuốc hạ sốt nhưng ít có hiệu quả mà vẫn tăng lên sau một vài tiếng uống thuốc. Thường là sốt đột ngột bất thình lình, sốt cao (nhiệt độ lên tới 39 – 40 độ hoặc cao hơn).
- Xuất huyết: dấu hiệu này sẽ xảy ra sau khi đã bắt đầu sốt được một vài ngày. Hiện tượng xuất huyết khá đa dạng như xuất huyết niêm mạc, xuất huyết dưới da, ... Trong đó, xuất huyết dưới da biểu hiện bằng chấm xuất huyết ở cẳng tay, cẳng chân, thắt lưng, nách ngực, ... Xuất huyết niêm mạc thường là chảy máu răng, đại tiện kèm máu.
- Ngoài ra, dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em còn có thêm rát họng, đau bụng, nôn mửa, có thể tiêu chảy, cơ thể đau nhức, sổ mũi, quấy khóc, ...
Dấu hiệu bệnh phát ban:
- Biểu hiện chung của trẻ bị sốt phát ban là thường bị sốt sau thời gian ủ bệnh. Trẻ có thể sốt nhẹ (37,5 – 38 độ C) hoặc sốt cao (39 – 40 độ C) tùy thuộc thể trạng, nguyên nhân gây bệnh.
- Phát ban: đây là dấu hiệu bệnh phát ban thường gặp sau khi cơn sốt đã giảm. Các cơn sốt thường xuất hiện kèm theo đốm đỏ nhỏ (một số trường hợp đốm đỏ có vòng trắng bao quanh). Ngoài ra, nếu bị ban do virus sởi thì ban nổi dạng sẩn và ban đỏ, còn bị ban do virus rubella sẽ có nốt ban màu nhạt hơn ban sởi. Một số người sẽ cảm thấy sốt phát ban ngứa đến ngứa dữ dội.
- Bên cạnh đó, trẻ có thể bị tiêu chảy, cảm giác khó chịu, chán ăn hoặc phần mí mắt sưng lên, ...
Cách nào để phân biệt nốt chấm đỏ của sốt xuất huyết và phát ban?
Do dấu hiệu nhận biết của hai bệnh trên đều có nhiều nét khá tương đồng như sốt, nổi chấm đỏ trên da nên nhiều phụ huynh hay bị nhầm lẫn, chủ quan trong việc điều trị và chăm sóc trẻ đúng cách. Sai lầm này có thể khiến cho các triệu chứng bệnh trở nặng, có thể tiến triển đến các biến chứng nguy hiểm như sốt xuất huyết, tổn thương các cơ quan, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng da, ...
Chính vì vậy, việc phân biệt nốt chấm đỏ từ dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết và dấu hiệu bệnh phát ban rất quan trọng nhằm giúp trẻ được chữa trị sớm, đúng phương pháp, nhanh chóng hồi phục. Trong đó, phương pháp ấn ngón tay hoặc thời gian hồi phục màu da hay được áp dụng trong chẩn đoán bệnh.
Để phân biệt nhanh nhất, phụ huynh chỉ cần dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên tay căng vùng da quanh nốt chấm đỏ (hoặc vùng da sung huyết), sau đó quan sát để nhận biết bệnh như sau:
- Nếu thấy nốt chấm đỏ mất đi khi da bị căng nhưng sau đó lại hồi phục ngay khi buông tay ra là bệnh sốt phát ban
- Nếu thấy nốt chấm đỏ li ti sau khi căng da hoặc sau 2 giây màu đỏ mới xuất hiện lại thì đây là bệnh sốt xuất huyết
Tuy nhiên, để đảm bảo phân biệt sốt xuất huyết và phát ban chính xác tuyệt đối, cha mẹ cần đưa trẻ đi xét nghiệm máu để có cách can thiệp thích hợp.
Trẻ bị sốt xuất huyết phải làm sao?
Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết trở nặng như li bì, lừ đừ hoặc bứt rứt, đau bụng nhiều, ói nhiều, xuất huyết, tay chân mát, lạnh, tiểu ít hẳn hoặc không đi tiểu, khát nước liên tục thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất. Các bà mẹ tuyệt đối không nên tự mua thuốc về điều trị tại nhà, khi bệnh tiến triển nguy hiểm thì đã quá muộn, việc điều trị vô cùng khó khăn.
Dưới đây là một số khuyến cáo được đưa ra khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết:
- Thuốc hạ sốt chỉ nên dùng loại theo chỉ định của bác sĩ (như Paracetamol), sử dụng đúng liều lượng để không ảnh hưởng xấu đến bao tử hoặc làm tăng nguy cơ chảy máu. Nên kết hợp với lau nước ấm nếu trẻ sốt quá cao trên 39 độ C.
- Phụ huynh nên đưa trẻ tái khám mỗi ngày, không nên tự ý ngưng khám khi thấy hết sốt bởi đây là biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết đang trở nặng.
- Chăm sóc dinh dưỡng: nên cho trẻ ăn đồ lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, nui, mì, .... Trẻ sốt xuất huyết kiêng không nên ăn thức ăn quá nhiều dầu mỡ và ăn quá no. Bổ sung dưỡng chất giàu chất đạm có trong trứng, sữa, các sản phẩm từ sữa.
- Chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước để bù nước: đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 0,5 – 1,5lít/ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2 – 2,5 lít/ngày. Các loại nước dừa tươi, nước cam, chanh, nước sôi để nguội, nước suối.
- Bổ sung nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, sản xuất các tế bào lympho là ổi, dâu tây, đu đủ, kiwi, ...
Cách chăm sóc trẻ bị bệnh phát ban
- Hạ sốt đúng cách cho trẻ: cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, lau mát cho trẻ, tránh trường hợp biến chứng sốt cao gây co giật.
- Giảm ho và đau họng cho trẻ: có thể cho trẻ uống thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như gừng hấp mật ong, tắc chưng đường phèn, ... Thông mũi cho trẻ bằng nước muối loãng, khăn giấy mềm.
- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Chia nhỏ bữa ăn giúp trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng.
- Trẻ cần được uống nhiều nước hơn bình thường để cải thiện sức đề kháng. Nếu trẻ bị nhiễm sởi thì phải chú ý bổ sung vitamin A để bảo vệ đôi mắt cho trẻ.
- Giữ gìn vệ sinh da của trẻ khô thoáng, sạch sẽ, không để trẻ bị lạnh. Tuyệt đối không được kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể trẻ dẫn đến nhiễm trùng.
- Nhiều phụ huynh còn sai lầm khi kiêng ăn khiến trẻ có nguy cơ bị kiệt sức, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, dễ bị nhiễm trùng. Điều này hoàn toàn không đúng mà nên cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường, ăn nhiều bữa.
- Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu: sốt cao không hạ mặc dù đã phát ban, co giật, hôn mê, ngủ li bì, thở mệt, khó thở, thở nhanh.
Xem thêm:
- Bệnh sốt phát ban dạng sởi ở trẻ em
- Sốt xuất huyết - sự thật và biện pháp phòng chống