Phải làm sao khi trẻ bị lở miệng?
Bệnh lở miệng ở trẻ còn được gọi là “đẹn” lưỡi miệng. Khi trẻ bị lở miệng sẽ xuất hiện những vết lở loét nhỏ bên trong miệng/khoang miệng, môi hoặc trên lưỡi. Tình trạng này khiến cha mẹ khá bối rối - nhất là khi trẻ còn nhỏ tuổi. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý trong bài viết dưới đây.
Phải làm sao khi trẻ bị lở miệng?
Bệnh lở miệng ở trẻ còn được gọi là “đẹn” lưỡi miệng. Khi trẻ bị lở miệng sẽ xuất hiện những vết lở loét nhỏ bên trong miệng/khoang miệng, môi hoặc trên lưỡi. Tình trạng này khiến cha mẹ khá bối rối - nhất là khi trẻ còn nhỏ tuổi. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân khiến trẻ bị lở miệng
Đôi khi các bác sĩ không biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, nhưng họ đã phân loại nhiều yếu tố được cho là khiến trẻ bị lở miệng. Đó là:
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
- Tình trạng dị ứng với loại thực phẩm nào đó, ví dụ như: cà phê, chocolate, phô mai, các loại hạt và trái cây, loại hải sản, thịt, ...
- Căng thẳng, stress
- Bị nhiễm virus và vi khuẩn
- Có vết thương trong miệng
- Dinh dưỡng không đầy đủ
- Một số loại thuốc
- Bị kích ứng do dụng cụ chỉnh nha (niềng răng)
Các vết lở loét miệng thường được thấy nhiều ở đối tượng trẻ em và trẻ trong độ tuổi thiếu niên (từ 10- 19 tuổi), với tỷ lệ khoảng 3/10 trẻ bị bệnh, vấn đề này sẽ tái phát nhiều lần sau lần đầu bị bệnh. Ngoài ra bệnh có thể lây truyền từ đứa trẻ này sang đứa trẻ khác.
Những trường hợp trẻ bị lở miệng tái đi tái lại có thể liên quan đến bệnh celiac (một bệnh lý đường ruột do tình trạng nhạy cảm với gluten trong bánh mì), các bệnh lý viêm nhiễm đường ruột khác hoặc nhiễm HIV.
Các triệu chứng khi trẻ bị lở miệng
Mỗi đứa trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau một chút. Dưới đây là các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lở miệng ở trẻ:
- Xuất hiện các vết lở loét, gây đau ở trong khoang miệng, thường ở bên trong môi, trên phần má trong hoặc ở trên lưỡi
- Các vết loét có nền màu đỏ, được phủ một lớp màu vàng, bóng
- Trẻ bị khó ăn, khó nói vì các vết loét gây đau
- Trẻ không bị sốt (trong hầu hết các trường hợp)
Các vết lở loét trong miệng thường kéo dài trong khoảng từ 7- 14 ngày, chúng dễ có xu hướng quay trở lại.
Chẩn đoán lở miệng ở trẻ em
Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dựa trên tiền sử sức khỏe của bé và bằng việc khám sức khỏe trực tiếp. Ngoài ra các bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng để loại trừ các nguyên nhân khác:
- Xét nghiệm máu
- Nuôi cấy vết loét
- Sinh thiết vết loét, kỹ thuật này thực hiện bằng cách lấy một mảnh mô nhỏ từ vết lở trong miệng, làm tiêu bản và soi nó dưới kính hiển vi.
Điều trị bệnh lở miệng cho bé
Cách thức điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng bệnh, tuổi và tình trạng sức khỏe chung của trẻ, ngoài ra các bác sĩ cũng sẽ cân nhắc mức độ nghiêm trọng của tình trạng lở miệng. Mục tiêu của việc điều trị là nhằm giảm bớt các triệu chứng, các cách điều trị có thể bao gồm:
- Cho trẻ uống nhiều nước
- Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau acetaminophen khi trẻ lên cơn sốt hoặc bị đau
- Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách
- Sử dụng thuốc giảm đau dạng bôi ngoài da
- Dùng nước súc miệng để giảm đau
Hạn chế cho trẻ ăn những loại thức ăn có vị cay, mặn hoặc chua, những thực phẩm này có thể làm cho miệng bị kích thích nhiều hơn.
Trường hợp trẻ bị lở miệng cần đi khám bác sĩ
Hãy cho bé đi khám bác sĩ ngay nếu tình trạng bệnh của bé gặp phải các vấn đề sau:
- Vết lở loét gây đau
- Vết lở loét kéo dài hơn một vài tuần
- Vết lở loét lan rộng hoặc có kích thước rất lớn
- Tình trạng bệnh lặp lại nhiều lần
Cách phòng chống bệnh lở miệng
- Nếu xác định được nguyên nhân cụ thể khiến trẻ bị lở miệng, bạn nên tránh tối đa những tác nhân đó. Cha mẹ nên có một cuốn nhật ký, ghi lại các vấn khi con bị bệnh: các triệu chứng, tình trạng, những đồ ăn bé ăn hay các đồ dùng cho răng miệng (ví dụ, kem đánh răng, nước súc miệng, ...) trước và trong thời điểm bị bệnh, và bất kỳ loại thuốc nào đang được sử dụng cho bé, có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân.
- Khi không tìm được nguyên nhân khiến trẻ bị lở miệng, có thể cho bé sử dụng nước súc miệng hoặc kem đánh răng có thành phần triclosan, đây là một chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm thường được sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng.
- Natri lauryl sulfate (SLS), là một chất phụ gia có tác dụng tạo bọt, là thành phần có trong nhiều nhãn hiệu kem đánh răng và nước súc miệng, được cho là có thể gây ra loét ở một số người bị viêm miệng dị ứng tái phát, vì vậy có thể hạn chế sử dụng các sản phẩm không chứa SLS cho bé.
- Ngoài ra không nên để miệng bé bị khô, hạn chế các thực phẩm sắc nhọn (như bánh quy, bim bim), và sử dụng bàn chải đánh răng loại mềm để tránh làm trầy xước niêm mạc miệng của trẻ em.
(HoiBenh chuyển ngữ từ Verywellhealth - URMC)
Xem thêm:
- Triệu chứng khi trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng
- Cách chăm sóc trẻ bị bệnh chân tay miệng