Nổi mề đay mùa đông cần làm gì?

Bệnh nổi mề đay là một trong những bệnh phổ biến ở những nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Thời tiết thay đổi thường xuyên, đột ngột làm cho cơ thể chưa kịp thích ứng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng ửng đỏ trên da.

Nổi mề đay mùa đông cần làm gì? Nổi mề đay mùa đông cần làm gì?

Bệnh nổi mề đay là một trong những bệnh phổ biến ở những nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Thời tiết thay đổi thường xuyên, đột ngột làm cho cơ thể chưa kịp thích ứng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng ửng đỏ trên da. Hay nói cách khác, khi bị dị ứng với nhiệt độ lạnh, bệnh nhân sẽ bị nổi mề đay. Bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng dẫn đến ngất, sốc và tử vong. Mùa đông, nhất là những ngày giá rét, những người bị dầm mưa, dầm nước... thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Do đó, việc nhận biết những dấu hiệu đầu tiên của bệnh sẽ giúp người bệnh phát hiện sớm và cần phải làm gì để điều trị kịp thời nhằm tránh hệ lụy xấu về sau.

1. Nổi mề đay

Nổi mề đay là một phản ứng viêm của da, có cơ chế phức tạp, trong đó có sự can thiệp của chất trung gian hóa học chính là histamin. Hay nói cách khác mề đay là một dạng dị ứng da gây nên cảm giác ngứa ngáy khó chịu và làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và cuộc sống của người bệnh.

Gió mùa về nổi mề đay thường gặp ở những người sợ lạnh, không chịu được lạnh hoặc chịu lạnh kém hơn những người bình thường. Khi gặp thời tiết lạnh, cơ thể người bệnh nổi những nốt ban trên da, thường các nốt mẩn giống màu da hoặc nhạt hơn, đôi khi có nốt màu hồng ở vùng da tiếp xúc với lạnh (không được giữ ấm cẩn thận) hoặc ở khắp cơ thể. Đó chính là hiện tượng nổi mề đay do thay đổi thời tiết.

vicare.vn-noi-me-day-mua-dong-can-lam-gi-1

Bệnh thường xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ lạnh (dị ứng thời tiết), cũng có thể do di truyền, do nhiễm virus hoặc mắc một số bệnh lý liên quan. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng nổi mề đay thường là do yếu tố cơ địa. Cơ thể người bệnh nhạy cảm, dễ bị kích thích bởi yếu tố nhiệt độ và môi trường.

Khi cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ sản xuất ra nhiều histamin và các hóa chất khác của hệ thống miễn dịch. Chúng là lý do dẫn đến hiện tượng nổi mề đay, gây ra mẩn ngứa và dẫn đến nhiều triệu chứng khác.

Nghiêm trọng hơn, nếu bị ngâm trong nước lạnh hay dầm mưa, nó còn gây ra các triệu chứng nặng, dẫn đến sốc, thậm chí là tử vong... Bởi vậy, việc bảo vệ cơ thể khi trời lạnh, mưa là vô cùng quan trọng.

2. Nhận biết bệnh mề đay

Những triệu chứng của nổi mề đay khi trời lạnh (nhất là vào mùa đông) thường xuất hiện ngay sau khi da tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ thấp. Nó gây ra các mảng mẩn đỏ trên da, kích cỡ từ nhỏ (đường kính khoảng vài mm) đến lớn (lan thành mảng). Bệnh nhân còn có thể bị sưng tay khi cầm các vật lạnh, sưng môi khi ăn đồ ăn lạnh. Bên cạnh đó, phần da bị nổi mề đay còn bị ngứa dữ dội (là triệu chứng điển hình nhất của bệnh), càng gãi càng ngứa, thậm chí còn dẫn tới chảy máu.

vicare.vn-noi-me-day-mua-dong-can-lam-gi-2

Xuất hiện những nốt phù có kích thước không đều nhau, có màu hồng nhạt và khi ấn vào có cảm giác căng da rất khó chịu, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng da nào. Đa số các phản ứng nổi mề đay lạnh xảy ra khi da tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, từ 4 - 10°C, nhưng cũng có một số người nổi mề đay với nhiệt độ ấm hơn. Điều kiện lạnh ẩm và gió có thể làm tăng nguy cơ nổi mề đay.

Triệu chứng nổi mề đay trên da thường kéo dài khoảng nửa giờ. Tuy nhiên, nếu không xử lý kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, dẫn tới phù nề hầu họng và đường hô hấp với các biểu hiện như sưng lưỡi, họng. Khi tới giai đoạn nguy hiểm, người bệnh sẽ có các biểu hiện như nhịp tim nhanh, đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy, phù não cấp tính, khó thở cấp tính và dẫn tới mất mạng.

3. Nổi mề đay cần làm gì?

- Tránh phơi nhiễm với nhiệt độ: Chú ý giữ ấm cơ thể, tuyệt đối không tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.

- Sử dụng thuốc ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng: Có thể nhờ tới sự trợ giúp của các loại thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa và nổi mề đay như loratadine, fexofenadine, cetirizine... Nếu mề đay xảy ra do nguyên nhân bệnh khác thì cần dùng thuốc dành riêng cho bệnh đó. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc.

- Người bị bệnh mề đay nên kiêng các loại thức ăn dễ gây bệnh như tôm, cua, ốc, lạc, dứa... Không nên uống rượu, bia bởi các thức uống này là các yếu tố thuận lợi cho bệnh mề đay xuất hiện hoặc tái phát.

- Khi bị nổi mề đay, tuyệt đối không nên gãi bởi điều này có thể gây ra tình trạng xây xát, chảy máu, dẫn đến bội nhiễm da, mưng mủ và gây biến chứng nặng.

- Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng nổi mề đay, bệnh nhân không nên chần chừ mà phải tìm đến ngay các phòng khám chuyên khoa để được hỗ trợ, làm thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

4. Phòng tránh nổi mề đay khi trời lạnh

vicare.vn-noi-me-day-mua-dong-can-lam-gi-3

Khi mùa đông đến, nhiệt độ sẽ thay đổi và xuống thấp. Chính vì vậy cần đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ da. Chủ động phòng tránh nổi mề đay mùa đông là cực kỳ cần thiết. Bởi vì mọi người đều có thể bị nổi mề đay do lạnh, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, vùng, miền. Vì vậy, ai cũng cần đề phòng mắc bệnh, nhất là trong mùa đông giá rét.

- Trước hết cần xem xét bản thân có bị mẫn cảm với nhiệt độ lạnh hay không. Người có cơ địa dễ dị ứng với lạnh thì khi da tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ thấp sẽ có một vòng mề đay xuất hiện kèm theo ngứa. Cần chú ý giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ thay đổi, nhất là các vùng dễ bị lạnh như mũi, cổ, tay, chân... Cẩn thận khi ra ngoài vào những ngày giá lạnh. Không có cách nào để tránh bị nổi mề đay do lạnh ở lần đầu tiên, nhưng có thể giúp ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, đặc biệt là để vùng da hở tiếp xúc với lạnh.

- Những người có tiền sử nổi mề đay nên hạn chế ăn các món ăn dễ gây dị ứng khi trời lạnh.

- Giữ vệ sinh răng miệng, đường hô hấp, mũi, hầu họng... để phòng tránh các bệnh do vi khuẩn, virus... Hàng ngày, nên đánh răng sau bữa ăn và sau khi ngủ dậy; súc miệng bằng nước muối sinh lý.

- Hiện tượng nổi mề đay khi gió mùa về không quá nguy hiểm nhưng lại gây ra khó chịu cho người bệnh. Bệnh khó có thể phòng tránh được vì bản chất cơ địa bên trong cơ thể không thể thay đổi để thích ứng. Do đó, chỉ có thể làm giảm bớt triệu chứng khi mắc bệnh và bệnh cũng không kéo dài quá lâu đối với những trường hợp nổi dị ứng thời tiết.

Hy vọng với bài viết trên thì đã phần nào giải đáp được thắc mắc về những vấn đề xung quanh bệnh “nổi mề đay” khi mùa đông đến. Những người có cơ địa đặc trưng và biết mình bị dị ứng với thời tiết lạnh thì nên lựa chọn cách phòng tránh bệnh phù hợp. Khi mắc bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhanh chóng bình phục và được điều trị một cách thích hợp.