Những yếu tố nguy cơ gây hội chứng ruột kích thích

Bạn có biết có những nhân tố khiến các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS- Irritable Bowel Syndrome) bất ngờ bùng lên, đó được gọi là các yếu tố nguy cơ. Hội chứng ruột kích thích xảy ra không giống nhau ở mọi người nên khó có giải pháp chung, nhưng bạn có thể quan sát và theo dõi phản ứng của cơ thể với các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gây bệnh.

Những yếu tố nguy cơ gây hội chứng ruột kích thích Những yếu tố nguy cơ gây hội chứng ruột kích thích

Bạn có biết có những nhân tố khiến các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS- Irritable Bowel Syndrome) bất ngờ bùng lên, đó được gọi là các yếu tố nguy cơ. Hội chứng ruột kích thích xảy ra không giống nhau ở mọi người nên khó có giải pháp chung, nhưng bạn có thể quan sát và theo dõi phản ứng của cơ thể với các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gây bệnh và học cách phòng tránh.

1. Lưu ý cho chế độ ăn của hội chứng ruột kích thích thể táo bón

Một số thực phẩm có thể làm cho hội chứng ruột kích thích thể táo bón tồi tệ hơn, bao gồm:

  • Bánh mì và ngũ cốc làm từ ngũ cốc tinh chế (không phải ngũ cốc nguyên hạt)
  • Thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên và bánh quy
  • Cà phê, đồ uống có ga và rượu
  • Chế độ ăn giàu protein
  • Các sản phẩm sữa, đặc biệt là phô mai.

Chế độ ăn uống phù hợp:

  • Tăng dần lượng chất xơ trong khẩu phần ăn của mỗi ngày khoảng 2-3g cho đến khi đạt 25g chất xơ (đối với nữ) hoặc 38g chất xơ (đối với nam) mỗi ngày. Các nguồn cung cấp chất xơ tốt bao gồm: bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và các loại ngũ cốc, đậu, trái cây và rau quả.
  • Ăn vừa phải những thực phẩm có chứa nhiều chất làm ngọt sorbitol, chẳng hạn như mận khô hay nước ép mận.
  • Uống nhiều nước lọc mỗi ngày.

2. Lưu ý cho chế độ ăn của hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy

Một số thực phẩm có thể làm cho hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy tồi tệ hơn, bao gồm:

  • Quá nhiều chất xơ, đặc biệt là các loại chất xơ không hòa tan có trong vỏ trái cây và rau quả
  • Thực phẩm và đồ uống có sô cô la, rượu, cafein, fructose hoặc sorbitol
  • Đồ uống có ga
  • Các khẩu phần ăn lớn
  • Thực phẩm chiên và béo
  • Các sản phẩm sữa, đặc biệt là ở những người không thể tiêu hóa đường lactose trong sữa, được gọi là không dung nạp lactose.
  • Thực phẩm làm từ lúa mì cho những người bị dị ứng hoặc ít dung nạp gluten.

Chế độ ăn uống phù hợp:

  • Ăn một lượng vừa phải các chất xơ hòa tan, nó sẽ trộn vào phân của bạn. Nguồn chất xơ tốt là bánh mì nguyên hạt, yến mạch, lúa mạch, gạo nâu, mì ống nguyên hạt, thịt quả (không ăn phần vỏ) và trái cây khô.
  • Không ăn đồng thời các thực phẩm có nhiệt độ trái ngược nhau, chẳng hạn như uống nước lạnh cùng lúc với ăn súp nóng.
  • Hạn chế ăn bông cải xanh, hành tây và bắp cải, các loại này sẽ sản sinh khí trong dạ dày, có thể khiến bạn thấy khó chịu trong bụng.
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ.
  • Uống nước một giờ trước hoặc sau bữa ăn, hạn chế uống nước trong khi ăn.

Để giảm bớt các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, hãy cố gắng tránh các loại thực phẩm sinh khí như: các loại đậu, bắp cải Brussels, mầm lúa mì, nho khô hay cần tây.

vicare.vn-nhung-yeu-to-nguy-co-gay-hoi-chung-ruot-kich-thich-body-1

3. Lưu ý cho hội chứng ruột kích thích do căng thẳng, lo âu (stress)

Căng thẳng và lo lắng có thể làm cho các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích tồi tệ hơn. Vấn đề căng thẳng, lo lắng có thể do rất nhiều nguyên nhân, ví dụ như:

  • Công việc
  • Vấn đề phải di chuyển quá nhiều
  • Các vấn đề trong gia đình
  • Vấn đề tiền bạc
  • Các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn

Gợi ý các cách đối phó với các căng thẳng này:

  • Có thói quen sinh hoạt lành mạnh: lựa chọn chế độ ăn uống cân bằng, phù hợp với tình trạng ruột kích thích của bạn, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.
  • Thường xuyên tạo ra những niềm vui trong cuộc sống: Nghe nhạc, đọc, mua sắm hoặc đi dạo.
  • Học hỏi những cách thức giúp bạn bình tĩnh trong mọi tình huống, có một vài cách thức như: liệu pháp thư giãn, phản xạ sinh học, liệu pháp thôi miên, liệu pháp hành vi nhận thức và tâm lý trị liệu.
  • Hãy cởi mở nói chuyện với các thành viên gia đình, bạn bè thân thiết, sếp hoặc đồng nghiệp về tình trạng hội chứng ruột kích thích của bạn. Khi đó họ có thể hiểu hoàn cảnh để hỗ trợ, tìm cách giúp giảm áp lực cho bạn tốt hơn.

4. Lưu ý những loại thuốc có thể gây hội chứng ruột kích thích

Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy, tình trạng này ảnh hưởng trầm trọng hơn đối với những người bị hội chứng ruột kích thích, ví dụ:

  • Một số loại kháng sinh
  • Một số thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc có thành phần sorbitol, chẳng hạn như xi-rô ho

Cách lựa chọn thuốc:

  • Báo với bác sĩ về tình trạng của bạn để họ cân nhắc việc chuyển sang một loại thuốc khác, tránh không làm cho các triệu chứng của bệnh bùng phát. Lưu ý không được tự ý ngừng thuốc.
  • Chọn loại thuốc chống trầm cảm phù hợp: những loại thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể gây táo bón; những hoạt chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc như fluoxetine (Prozac, Sarafem) và sertraline (Zoloft), lại có thể gây tiêu chảy. Chính vì vậy phải thảo luận kỹ với bác sĩ để tìm ra đúng loại thuốc phù hợp với thể trạng của bạn.

5. Lưu ý hội chứng ruột kích thích do chu kỳ kinh nguyệt

vicare.vn-nhung-yeu-to-nguy-co-gay-hoi-chung-ruot-kich-thich-body-2

Phụ nữ bị hội chứng ruột kích thích thường xuất hiện các triệu chứng nặng hơn khi tới chu kỳ kinh. Bạn không thể làm gì để ngăn chặn hoàn toàn điều đó ngoài việc giảm đau và giảm bớt các triệu chứng khó chịu trong những ngày có kinh. Các giải pháp có thể là:

  • Thử dùng thuốc tránh thai, thuốc có thể giúp chu kỳ kinh của bạn đều đặn hơn, nhưng thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ như: khó chịu ở dạ dày, nôn mửa, co thắt dạ dày hoặc đầy hơi, tiêu chảy và táo bón. Hãy thảo luận với bác sĩ để tìm ra loại thuốc tránh thai phù hợp, ít gây tác dụng phụ nhất.
  • Điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS-Premenstrual Syndrome) nếu cần.

6. Lưu ý các yếu tố nguy cơ khác

  • Ăn trong khi đang làm việc hoặc lái xe
  • Ăn quá nhanh
  • Nhai kẹo cao su quá nhiều
  • Ít tập thể dục

Biện pháp cải thiện là:

  • Tập trung hoàn toàn trong khi ăn.
  • Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, điều này có thể giúp bạn ngăn ngừa táo bón và giảm căng thẳng.

Hiện nay các bác sĩ cũng không thể khẳng định chắc chắn nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích, chính vì vậy việc theo dõi và tìm hiểu những yếu tố nguy cơ gây bệnh là quan trọng. Việc tìm ra chúng và điều chỉnh lại cuộc sống sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Webmd)

Xem thêm:

  • Những mẹo cần ghi nhớ về hội chứng ruột kích thích
  • Hội chứng ruột kích thích có dễ điều trị không?