Những triệu chứng tiền sản giật đáng chú ý

Tiền sản giật là biến chứng nội khoa thường gặp ở phụ nữ có thai. Tỉ lệ mắc tiền sản giật là 2-8%. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong thai phụ, thai chết lưu, gây chết trẻ sơ sinh và gây bệnh tật cho trẻ sơ sinh. Theo dõi các triệu chứng tiền sản giật và điều trị kịp thời nhằm giảm thiểu các biến chứng nặng nề.

Những triệu chứng tiền sản giật đáng chú ý Những triệu chứng tiền sản giật đáng chú ý

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là 1 trong nhóm 5 rối loạn cao huyết áp thai kì (cao huyết áp thai kì, tiền sản giật, sản giật, tiền sản giật ghép trên cao huyết áp mãn tính, cao huyết áp mãn tính).

Tiền sản giật là hội chứng xuất hiện do các cơ quan bị giảm tưới máu vì mạch máu co thắt và nội mạch (mặt trong mạch máu) phù dày, thường xảy ra ở phụ nữ có con so, nhất là phụ nữ quá trẻ tuổi hoặc quá lớn tuổi, đa thai, béo phì.

Tiền sản giật thường xảy ra vào nửa sau thai kì. Tiền sản giật có 16.3% gây tử vong mẹ.

Đặc điểm của tiền sản giật

  • Bệnh lý đặc trưng của mẹ khi có thai kỳ.
  • Không xảy ra nếu không có thai kỳ.
  • Bệnh lý không thấy ở động vật.
  • Bệnh lý thường ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3.
  • Tiền sản giật bắt nguồn từ bánh nhau thai, biến mất khi cắt bỏ bánh nhau.
  • Xảy ra ngay cả khi thai không có trong tử cung, thai ngoài ổ bụng.
vicare.vn-nhung-trieu-chung-tien-san-giat-dang-chu-y-body-1

Triệu chứng tiền sản giật nhẹ

  • Protein niệu là một triệu chứng quan trọng của tiền sản giật. Chẩn đoán tiền sản giật sẽ không thể chắc chắn nếu chưa có protein niệu mặc dù có tới 10% phụ nữ gặp phải cơn co giật trước khi có protein niệu xuất hiện. Protein niệu là khi trong nước tiểu có 300 mg hoặc nhiều hơn trong 24 giờ (300mg/24h) hay que thử protein niệu xuất hiện +1. Protein niệu có thể thay đổi trong ngày, ngay cả ở trường hợp bị tiền sản giật nặng, do đó nếu chỉ xét nghiệm một lần thì không thể kết luận được.
  • Tiền sản giật thuộc nhóm rối loạn cao huyết áp trong thai kỳ, do đó triệu chứng tiền sản giật có huyết áp cao, huyết áp tâm thu cao hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ và biến mất trước 6 tuần sau đẻ.
  • Phù cũng là một triệu chứng của tiền sản giật tuy nhiên nó không đặc trưng do hiện tượng phù xuất hiện quá thường xuyên trên phụ nữ có thai. Phù được xem là tăng cân quá mức (> 500g/tuần), phù trắng hay phù mềm ở tay chân hoặc ở bụng, phù toàn thân...

Triệu chứng tiền sản giật nặng

Tiền sản giật nặng (chiếm 10%) khi có một số triệu chứng sau đây:

  • Protein niệu qua nhiều lần xét nghiệm có 2g hoặc cao hơn trong 24 giờ (2g/24h) hay que thử protein niệu +2.
  • Huyết áp lớn hơn 160/110mmHg.
  • Các dấu hiệu nặng kèm theo:
  • Đau vùng thượng vị hay bên sườn phải thường do hoại tử tế bào gan, tắc nghẽn động tĩnh mạch gan. Thường kèm theo tăng men gan, thường xảy ra ở người lớn tuổi, đa thai.
  • Giảm tiểu cầu là triệu chứng tiên lượng xấu. (<100 000)
  • Thiếu máu: da xanh xao, nhợt nhạt.
  • Mắt mờ, thị lực giảm, phù võng mạc.
  • Giảm lượng nước tiểu <20ml/giờ (khoảng < 500ml/ngày).
  • Buồn nôn, nôn, nhức đầu, rối loạn thị giác, tăng phản xạ.
  • Thai chậm phát triển.

Các yếu tố nguy cơ gây ra tiền sản giật

vicare.vn-nhung-trieu-chung-tien-san-giat-dang-chu-y-body-2
  • Yếu tố nguy cơ về phía gia đình: di truyền.
  • Yếu tố miễn dịch: phụ nữ mang thai con so cao gấp 4-5 lần so với con thứ hai trở lên, thụ tinh nhân tạo.
  • Yếu tố dinh dưỡng.
  • Yếu tố sinh lý: chủng tộc, tuổi của mẹ trên 35 tuổi nguy cơ cao gấp 4-5 lần.
  • Yếu tố thai nghén: chửa đa thai, thai dị dạng, dị dạng nhiễm sắc thể, nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Bệnh lý của người mẹ: bệnh cao huyết áp mãn tính, bệnh thận, béo phì, đái tháo đường type 2, giảm tiểu cầu, bệnh lý liên quan mạch máu.
  • Yếu tố môi trường: thuốc lá, độ cao, hoạt động thể lực, stress

Các biến chứng của tiền sản giật

  • Sản giật: xuất hiện cơn co giật liên quan đến tăng huyết áp thai nghén.
  • HC HELLP: bệnh lý vi mạch kết hợp tán huyết, giảm tiểu cầu và ly giải tế bào gan.
  • Băng huyết sau sinh.
  • Đông máu nội mạch lan tỏa (CIVD): thường xảy ra khi mắc tiền sản giật nặng và kết hợp HC HELLP.
  • Phù phổi cấp và suy thận cấp: xảy ra ở 3% ca tiền sản giật, gây tử vong thai phụ 5%.
  • Thai suy dinh dưỡng, thai chết lưu

Xử trí tiền sản giật

Nguyên tắc điều trị:

  • Quyết định thời điểm lấy thai.
  • Điều trị cao huyết áp.
  • Phòng ngừa co giật.

Tiền sản giật thường xuất hiện sau khi thai được 20 tuần tuổi trở đi. Điều trị hạ huyết áp ngay như tăng huyết áp nặng.

  • Nếu thai < 24 tuần: tiền sản giật nặng nên thảo luận để đình sản, nếu thể nhẹ: tiếp tục theo dõi và chờ đợi.
  • Nếu thai 24-34 tuần: tiền sản giật thể nặng nên cho sinh, nếu thể nhẹ có thể theo dõi và chờ đợi.
  • Nếu thai từ 34-36 tuần: thể nặng: hội chuẩn cho sinh, thể nhẹ: theo dõi và chờ đợi.
  • Nếu thai > 37 tuần: tiền sản giật nặng hay nhẹ cũng nên cho sinh.

Bên cạnh đó thai phụ cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, chế độ ăn giảm muối, truyền albumin để chống phù và dùng kháng sinh phù hợp để giảm protein niệu.

Tóm lại, điều trị hạ huyết áp trong tiền sản giật là rất cần thiết để tránh những biến chứng cho mẹ và thai nhi. Tuy nhiên vẫn phải lựa chọn những thuốc an toàn cho mẹ và thai nhi.

Xem thêm:

  • Chăm sóc và điều trị người bị tiền sản giật như thế nào cho hiệu quả?
  • Cách điều trị tiền sản giật khi mang thai mẹ bầu nên lưu tâm?