Những thói quen giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể
Với những người có sức đề kháng kém, khoảng thời gian giao mùa khi thời tiết đột ngột thay đổi là lúc bạn rất dễ bị cảm. Tuy nhiên, chỉ cần làm theo những cách đơn giản và tự nhiên dưới đây để tăng cường hệ miễn dịch và đẩy lùi vô số bệnh tật và các bất ổn sức khỏe khác.
Những thói quen giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể
Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh
Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc sẽ khiến cho cơ thể không thể chống lại sự xâm nhập của những loại vi khuẩn trong môi trường xung quanh. Vì vậy, khi bị ốm, cần phải đến bệnh viện để các bác sĩ khám và điều trị cho phù hợp. Chỉ nên uống thuốc khi thật sự cần thiết và phải luôn theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Giữ vệ sinh nơi ở
Nơi ở của bạn phải luôn sạch sẽ, đủ ánh sáng và thoáng khí. Đừng quên rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là trước khi ăn cơm để hình thành thói quen tránh đưa vi khuẩn vào cơ thể.
Thời gian biểu sinh hoạt cá nhân điều độ
Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc là liều thuốc tốt nhất để cơ thể tự chữa lành cũng như làm tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên. Đồng thời, mọi người cần tránh những thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu bia... Thuốc lá làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, còn hút thuốc không chỉ gây ra các bệnh hô hấp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não mà dẫn đến các bệnh khác như ung thư phổi, vòm họng và nhiều cơ quan khác. Rượu bia gây tác động xấu đến sức khỏe như ung thư gan, xơ gan... Vì vậy, mọi người cần hạn chế tối đa rượu bia và tăng cường vận động cơ thể.
Uống nhiều nước
Uống nước đầy đủ là việc cần thiết và quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Nước không những đào thải các chất thừa và độc tố ra khỏi cơ thể mà còn có chức năng làm sạch đường ruột, hỗ trợ đường tiêu hóa luôn khỏe mạnh giúp cho hệ miễn dịch của chúng ta hoạt động tốt hơn.
Sử dụng nhiều thực phẩm từ trà xanh
Trong trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh, đặc biệt là catechin, có thể tiêu diệt các virus cúm và cảm lạnh thông thường nhờ khả năng tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Duy trì thói quen dùng trà xanh ấm hàng ngày giúp bạn tránh xa bệnh tật, đồng thời là biện pháp thư giãn rất tốt cho sức khỏe tinh thần.
Ăn sữa chua hàng ngày
Sữa chua có chứa men vi sinh sống Probiotics và Prebiotics, giúp bổ sung hàng tỉ lợi khuẩn cho đường ruột và duy trì trạng thái cân bằng cần có để ngăn ngừa bệnh và hỗ trợ hệ tiêu hóa thêm khỏe mạnh. Ngoài việc tăng cường sức đề kháng, sữa chua còn là nguồn bổ sung các vitamin thiết yếu và khoáng chất như A, B, D và canxi.
Bổ sung các loại nấm trong thực đơn
Nấm là “siêu thực phẩm” giúp tăng sức đề kháng và duy trì hệ thống miễn dịch làm việc hiệu quả. Nấm tăng hoạt động và sản xuất tế bào bạch cầu của cơ thể đóng vai trò chủ chốt trong hệ miễn dịch tự nhiên. Nhiều loại nấm với thành phần dưỡng chất đa dạng, thúc đẩy xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ngoài ra nấm còn chứa axit béo không bão hòa và một lượng lớn ergosterol và fungisterol có thể chuyển hóa thành vitamin D, tác dụng rất tốt trong việc tăng đề kháng với bệnh, phòng ngừa và điều trị bệnh cúm.
Các chuyên gia sức khỏe khuyên mọi người nên ăn ít nhất 100g nấm mỗi tuần để đạt được mục đích tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Tập thể dục đều đặn
Tập luyện không chỉ giúp hệ miễn dịch chống lại vi khuẩn và vi rút mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, loãng xương và ung thư. Tập thể dục thường xuyên giúp đẩy lùi vi khuẩn khỏi phổi, hạn chế mắc bệnh cảm cúm hay bệnh lý do ô nhiễm trong không khí.
Nếu không có thời gian đến phòng gym, bạn hoàn toàn có thể tập các động tác yoga đơn giản tại nhà hoặc dành ra 10’ cho các bài tập khởi động mỗi ngày.
Tập thể dục còn giúp truyền các thể kháng và các tế bào bạch cầu (các tế bào phòng vệ) trong cơ thể nhanh hơn. Tuần hoàn máu tăng cũng giúp thúc đẩy phóng thích các hormones thông tin kịp thời cho tế bào về sự xâm nhập của vi khuẩn hay vi rút trong cơ thể.