Những thay đổi của mẹ và bé khi thai nhi 30 tuần
Khi thai nhi 30 tuần - các bà bầu sẽ càng cảm thấy lo lắng, hồi hộp vì con sắp chào đời. Thông thường sẽ có những thay đổi nào trên cơ thể mẹ và em bé trong bụng vào thời điểm thai nhi 30 tuần?
Những thay đổi của mẹ và bé khi thai nhi 30 tuần
Khi thai nhi 30 tuần, nghĩa là chỉ còn một khoảng thời gian ngắn nữa thôi em bé sẽ chào đời. Các bà bầu sẽ ngày càng cảm thấy lo lắng, hồi hộp. Vậy sẽ có những thay đổi nào trên cơ thể mẹ và em bé trong bụng vào thời điểm thai nhi 30 tuần? Chế độ dưỡng thai của mẹ vào giai đoạn cuối thai kỳ có điều gì cần lưu ý?
Sự phát triển của thai nhi 30 tuần
- Bước vào tuần thứ 30, thai nhi đã đạt được trọng lượng khoảng 1,3 - 1,5 kg và chiều dài cơ thể ở mức 40 cm. Lúc này có hơn 700ml nước ối trong túi thai có chức năng bao quanh nâng đỡ cơ thể bé. Con số này sẽ ngày càng giảm xuống khi em bé phát triển lớn hơn, chiếm không gian trong tử cung của mẹ.
- Thai nhi 30 tuần đã có thể quay đầu từ bên này sang bên kia và các bộ phận như tay, chân, thân mình dần trở nên đầy đặn hơn (quá trình tích tụ chất béo dưới da đã bắt đầu). Đặc biệt hơn cả là mẹ cảm nhận rõ rệt khi bé đạp và ngọ nguậy bên trong. Mọi cử động của bé lúc này đều thể hiện rằng bé khỏe mạnh và lanh lợi. Bé ít nhiều đã có phân chia ra thời gian nghỉ ngơi, hoạt động khác nhau và duy trì theo nhịp độ tương tự qua mỗi ngày.
- Em bé ở tuần 30 rất hay liếm, nuốt, nhăn mặt và nhíu mày, nhắm mắt hoặc mở mắt liên tục trong ngày. Mức độ phản xạ với sự thay đổi ánh sáng của thai nhi 30 tuần đã nhìn rõ trong khoảng vài cm (bằng 20/400 thị lực thường).
- Phổi của thai nhi đã hình thành nước bên trong để chuẩn bị cho quá trình hô hấp trao đổi khí khi ra bên ngoài. Hệ xương của bé cũng chắc hơn vì chứa nhiều canxi.
- Các cơ quan giới tính đã có nhiều chuyển biến: tinh hoàn (nếu là bé trai) đã di chuyển từ thận về gần tới háng, âm vật (nếu là bé gái) đã phát triển lên phía trên. Và việc này sẽ hoàn thiện trước khi sinh một vài tuần.
Mẹ thay đổi như thế nào khi bước vào tuần 30 của thai kỳ?
Các cơn gò sinh lý xuất hiện
Mẹ bầu ở tuần 30 đã khá quen thuộc với các cơn gò sinh lý Braxton Hicks (không làm giãn cổ tử cung mà thúc đẩy lưu lượng máu đến nhau thai). Đây có thể là cách cơ thể của mẹ tập luyện cho hành trình vượt cạn sắp tới. Những cơn gò này thường xuất hiện khi mẹ bầu mệt mỏi, mất nước, vận động hoặc quan hệ.
Để khắc phục các mẹ có thể áp dụng những biện pháp như: đi bộ hoặc thay đổi vị trí, uống nhiều nước, nghỉ ngơi đầy đủ, tắm bằng nước ấm để cơ thể thoải mái và làm dịu tử cung.
Đặc biệt, hãy bình tĩnh trước tình huống này, cố gắng kiểm soát nhịp thở, chuyển tư thế và uống chút nước đến khi cơn gò kết thúc. Nếu nó không biến mất, có thể đó là dấu hiệu dọa sinh non, hãy gọi bác sĩ và đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức.
Khó ngủ hơn
Cơ thể mẹ khó khăn để có một giấc ngủ sâu và trở nên mệt mỏi hơn. Sự vụng về, lóng ngóng sẽ khiến nhiều mẹ bối rối bởi lúc này bà bầu không chỉ tăng cân mà trọng lượng dồn về trước bụng làm trọng tâm cơ thể thay đổi.
Các biến đổi khác của cơ thể
- Các dây chằng, khớp xương lỏng lẻo hơn trước do sự thay đổi của hormone. Điều này khiến bà bầu dễ bị mất thăng bằng. Đồng thời khi ở giai đoạn thai nhi 30 tuần, các dây chằng giãn ra cùng với cơ thể tích nước khiến chân thai phụ dễ phù lên.
- Bụng và bầu vú cũng to lên, khó nhìn thấy đầu gối, rốn lồi ra.
- Đôi khi bạn sẽ nhận thấy sữa non có thể rỉ ra.
- Đi kèm với hiện tượng tăng cân là các mẹ thấy mình hay “xì hơi” khi ngồi xuống. Điều này là nhằm giảm trọng lượng đè lên đôi chân nên cơ thể tự xả hơi. Mẹ không nên xấu hổ mà hãy tập đi lại thong thả, nghỉ ngơi, thư giãn.
Một số chị em sẽ khó kiểm soát cảm xúc khi thai nhi ngày càng lớn trong bụng dẫn đến tâm trạng thất thường. Các triệu chứng khó chịu cùng rối loạn nội tiết sẽ thường xuyên quấy rầy các mẹ bầu. Nhiều mẹ còn suy nghĩ và trở nên nhạy cảm hơn do cơ thể tăng cân, không còn tự tin, lo lắng cho em bé, suy nghĩ về cách chăm sóc con về sau, ... Đôi khi tình trạng ủ rũ, chán nản, cáu kỉnh có thể gây ra trầm cảm trong thai kỳ. Lúc này mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn nhằm can thiệp kịp thời.
Những lưu ý về vấn đề dưỡng thai của mẹ khi thai nhi 30 tuần tuổi
- Khi thai nhi 30 tuần trở đi có thể được xem là giai đoạn đỉnh cao của chuyện dưỡng thai. Lúc này mẹ cần rất nhiều protein, axit folic, sắt, canxi và vitamin C để trẻ có đủ nguồn dưỡng chất phát triển tối ưu vào 3 tháng cuối thai kỳ. Cảm giác thèm ăn cũng vì thế mà tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu của thai nhi.
- Do đó, mẹ bầu phải xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để kiểm soát cân nặng, hạn chế mắc phải một số bệnh lý nguy hiểm cho mẹ và bé. Tránh ăn đồ ngọt, các loại thức ăn nhanh, tuân thủ các quy định về dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn mang thai. Tăng omega-3 vào thực đơn hàng ngày để giúp não bộ của bé phát triển. Nhóm thực phẩm giàu omega-3 có thể kể đến như cải bó xôi, dầu cá, quả hạch, các loại đậu, dầu oliu, ...
- Đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ hàm lượng chất sắt bởi sắt sẽ giúp tạo hồng cầu máu cho hệ huyết mạch của em bé. Ngoài việc bổ sung nguồn sắt từ thực phẩm, bà bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ để uống thêm viên sắt. Hiện tượng táo bón có thể xảy ra, vì vậy hãy ăn nhiều rau lá xanh, thịt nạc, ngũ cốc và một số thức ăn khác giàu chất xơ.
- Thời điểm chuyển dạ sắp đến, hãy chuẩn bị tốt nhất cho cuộc vượt cạn bằng cách tập luyện một số bài tập thư giãn, làm mềm cơ. Các bài tập này nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển dạ sắp tới, hạn chế căng cơ và chứng chuột rút. Hãy tận dụng thời gian để nghỉ ngơi, tận hưởng thời gian khi chưa phải chăm con để chăm sóc bản thân, làm những điều mình thích cùng với chồng và những người yêu thương.
- Cần khám thai định kỳ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa. Việc khám thai sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những bất thường của trẻ, theo dõi những phát triển bên trong và đánh giá được tình hình chung của cả mẹ và bé. Dựa trên đó sẽ có những hướng dẫn tiếp theo nhằm giúp thai phụ yên tâm hơn về mặt tâm lý và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Xem thêm:
- Cân nặng thai nhi 30 tuần bình thường là bao nhiêu?
- Cân nặng thai nhi qua các tuần tuổi: Thế nào là phù hợp nhất?
- Thai nhi 30 tuần đạp nhiều có tốt không và đạp bao nhiêu là vừa?