Những lời khuyên giúp bạn "sống sót" nếu bé quấy khóc về đêm triền miên

Có con là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của nhiều người. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng việc nuôi con khá dễ dàng thì thời gian sẽ có thể giúp bạn suy nghĩ lại. Bên cạnh đảm bảo đúng lịch trình cho bé ăn, ngủ, chơi và tiêm phòng, một điều khó chịu mà bạn sẽ phải đối mặt là bé quấy khóc về đêm.

Những lời khuyên giúp bạn Những lời khuyên giúp bạn "sống sót" nếu bé quấy khóc về đêm triền miên

Vậy tại sao bé quấy khóc về đêm và bạn cần làm gì khi bé quấy khóc về đêm, bài viết sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này.

Tại sao bé quấy khóc về đêm?

Dưới đây là 8 lý do phổ biến khiến bé quấy khóc về đêm mà bạn cần chú ý.

Bé bị đói

Em bé có kích thước dạ dày nhỏ nhưng lại có nhu cầu năng lượng khá cao để tăng trưởng và phát triển. Chính vì thế, em bé sẽ cần bạn cho ăn khá thường xuyên trong vài tháng đầu sau sinh. Hầu hết các bé sẽ phải được cho ăn từ 2 đến 3 giờ một lần. Theo dõi các dấu hiệu đói như em bé đưa tay vào miệng, quấy khóc hoặc ngậm môi. Bắt đầu cho bé ăn trước khi bé bắt đầu quấy khóc sẽ giúp bạn có thể phòng tránh được tình trạng bé quấy khóc về đêm khó chịu này.

vicare.vn-neu-be-quay-khoc-ve-dem-hay-de-be-khoc-mot-cach-co-kiem-soat-body-1

Bé bị chướng bụng hoặc đau đớn

Hầu hết các bé thường dễ bị chướng bụng và có thể cần phải được ợ để có cảm giác thoải mái. Nguyên nhân bé bị chướng bụng là do bé nuốt nhiều không khí trong lúc bú mẹ hoặc bú từ bình sữa và thường sẽ ợ ra ngay sau khi cho ăn để giúp bé giảm chướng bụng và đau. Việc bạn đặt bé nằm sấp xuống giường và xoa nhẹ lưng có thể làm dịu đi cảm giác đau và chướng bụng cho bé.

Tã của bé bị ướt hoặc bẩn

Một số bé có thể chịu được tã ướt hoặc bẩn trong một thời gian ngắn. Trong khi một số bé khác cần phải được thay tã ngay lập tức. Tuy nhiên, hầu hết các bé đều khó chịu với việc mặc tã ướt hoặc bẩn và sẽ thể hiện sự khó chịu này bằng cách quấy khóc về đêm. Do đó, nếu bé quấy khóc về đêm thì bạn đừng quên kiểm tra tã của bé, việc mặc tã mới thay cho tã ướt hoặc bẩn sẽ giúp bé nhanh chóng ngủ trở lại dễ dàng.

Bé cần sự an toàn

Ở một mình trong bóng tối có thể đáng sợ ngay cả đối với người lớn và hơn thế nữa đối với một đứa trẻ. Việc em bé quấy khóc về đêm có thể là do em bé cần được trấn an rằng bạn luôn ở bên cạnh và bảo vệ cho bé.

Bé cảm thấy lạnh

Khi bé cảm thấy lạnh, bé có thể quấy khóc về đêm. Việc quấn em bé của bạn ấm áp trong các lớp khăn có thể làm ấm cho bé và khiến bé ngủ trở lại ngon giấc. Tuy nhiên, bạn đừng nên quấn quá nhiều khăn vì sẽ làm bé quá nóng, điều này có thể là nguy cơ dẫn đến hội chứng SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh).

Bé bị rối loạn mọc răng

Nếu em bé quấy khóc về đêm mà bạn chưa tìm ra được nguyên nhân nào khác, bạn hãy kiểm tra xem liệu mọc răng có phải là thủ phạm hay không. Những cơn đau mọc răng có thể xuất hiện sớm nhất khi bé được 4 tháng tuổi, khiến bé bị chảy nước dãi quá mức và nhai tất cả mọi thứ mà bé cầm trên tay. Để khắc phục cơn đau mọc răng của bé, bạn có thể xoa bóp nướu nhẹ nhàng hoặc cung cấp cho bé những đồ gặm nướu an toàn và phù hợp được bán trên thị trường, bạn nên làm lạnh chúng trước khi cho bé gặm để làm giảm kích ứng nướu răng bé.

Bé bị kích thích quá mức

Đưa bé đến một nơi đông đúc hoặc ra ngoài mua sắm, đôi khi có thể làm cho bé của bạn quá phấn khích. Tình trạng quá tải cảm xúc có thể xảy ra đối với bé và nếu bạn về nhà trước giờ ngủ của bé hoặc bé ngủ trên đường về nhà, thì đó có thể là những lý do khiến cho bé quấy khóc về đêm. Đặt em bé của bạn trong một không gian quen thuộc tại nhà và sau đó ru bé vào giấc ngủ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng.

Bé bị bệnh

Bị bệnh có thể làm cho ngay cả người lớn cũng muốn khóc. Nên việc bé quấy khóc về đêm khi bị bệnh cũng là một điều khá dễ hiểu. Nếu bé khóc nhiều hơn bình thường hoặc tiếng khóc với tính chất khác thường thì đó có thể là do bé mắc một bệnh lý nào đó. Bạn hãy xem xét liệu em bé có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác hay không, chẳng hạn như sốt, ho, nôn, chán ăn... Bạn nên đưa bé đến gặp ​​bác sĩ nếu nghi ngờ nguyên nhân bé quấy khóc về đêm là do bị bệnh.

Tình trạng bé quấy khóc về đêm sẽ kéo dài bao lâu?

Bằng cách sử dụng các phương pháp thích hợp, bạn có thể làm thay đổi hành vi của bé và giải quyết được tình trạng bé quấy khóc về đêm trong vòng ít nhất 2 tuần. Tuy nhiên, mục tiêu này trở nên khó đạt được hơn khi bé của bạn ngày càng lớn.

Trẻ em từ 1 tuổi trở lên đã có khả năng chống đối lại bạn ngay cả khi chúng buồn ngủ và kiệt sức. Một đứa bé có thể khóc hàng giờ để phản đối những thay đổi trong thói quen hàng ngày mà bạn gây ra cho nó. Nếu bạn không thực hiện các biện pháp khắc phục khi con bạn còn nhỏ, tình trạng bé quấy khóc về đêm có thể kéo dài cho tới lúc bé được 3 đến 4 tuổi.

Bé của bạn có thể ngủ suốt đêm ở độ tuổi nào?

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi có khả năng thức dậy ít nhất 2 lần mỗi đêm để bú.
  • Sau 2 tháng và tối đa đến 4 tháng tuổi, bé có thể chỉ thức dậy khoảng 1 lần mỗi đêm.
  • Sau 4 tháng tuổi, bé bú sữa công thức có thể ngủ suốt đêm trong khoảng 7 giờ liền, còn đối với trẻ bú sữa mẹ thì phải đợi đến 5 tháng tuổi.

Điều này đúng với hầu hết các em bé bình thường và ở độ tuổi này, chúng có thể nằm yên và ngủ như vậy mà không cần bạn ôm, bế hoặc đong đưa để dỗ ngủ.

vicare.vn-neu-be-quay-khoc-ve-dem-hay-de-be-khoc-mot-cach-co-kiem-soat-body-2

Có xảy ra tổn thương gì cho em bé nếu bạn để chúng khóc?

Người ta tin rằng, việc để một đứa bé khóc mà không dỗ có thể gây hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần của chúng trong thời gian dài. Nhưng không có bằng chứng để chứng minh điều này là đúng.

Làm thế nào để làm dịu cơn khóc của em bé vào ban đêm?

Nếu bé quấy khóc về đêm mặc dù đã được đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu thì có khả năng em bé đã biến tình trạng này thành thói quen. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể giúp em bé trên 4 tháng tuổi của bạn bình tĩnh và ngủ ngon giấc suốt đêm:

  • Đặt em bé của bạn vào cũi hoặc trên giường khi chúng vẫn còn thức nhưng đã có cảm giác buồn ngủ. Bạn phải chắc chắn đặt con bạn vào cũi hoặc trên giường vào thời điểm này, ngay cả khi chúng chỉ vừa mới buồn ngủ, để đảm bảo rằng ký ức cuối cùng lúc còn thức của con bạn phải là giường hoặc cũi chứ không phải là bạn. Điều này sẽ khuyến khích bé tự ngủ trở lại sau khi bị thức giấc vào ban đêm.
  • Nếu em bé của bạn không chịu ngừng khóc vào giờ ngủ, hãy tiếp tục gặp mặt bé trong khoảng thời gian từ 5 đến 15 phút. Đừng để bé quá buồn. Sau đó, tiếp tục tăng khoảng cách giữa các lần gặp mặt bé và nếu em bé của bạn có vẻ cực kỳ quấy khóc hoặc sợ hãi, bạn hãy bế em bé lên cho đến khi bé ổn định lại. Bạn có thể ở lại cạnh bé một lúc cho đến khi bé hoàn toàn bình tĩnh, nhưng cố gắng rời đi trước khi bé ngủ thiếp đi.
  • Thông thường, bạn đừng nên bế em bé ra khỏi cũi hoặc giường một khi bạn đã đặt chúng nằm xuống ngủ vào ban đêm. Đong đưa em bé của bạn cho đến khi chúng ngủ hoặc đưa chúng vào ngủ chung với bạn trong một thời gian sẽ có thể làm thất bại mục đích của bài tập này.
  • Giới thiệu cho em bé của bạn biết về một "nhân vật bảo vệ" như đồ chơi mềm hoặc chiếc chăn nếu em bé của bạn từ 6 tháng tuổi trở lên. Đây sẽ là một sự an ủi cho bé nếu bé bị thức giấc vào ban đêm và bé có thể sẽ cảm thấy an toàn và hạnh phúc vì được ôm ấp những "nhân vật bảo vệ" này thay vì trông chờ sự xuất hiện của bạn.

Một số điều khác mà bạn có thể cố gắng thực hiện để đảm bảo thói quen ngủ đều đặn cho con mình, bao gồm:

  • Hạn chế cho bé ngủ trưa lâu hơn 2 giờ và giới hạn chỉ 2 giấc ngủ ngắn cho bé mỗi ngày.
  • Tránh thay tã ướt cho bé nhiều lần vào ban đêm. Nếu buộc phải thay tã, cần giữ cho đèn mờ để tránh kích thích em bé.
vicare.vn-neu-be-quay-khoc-ve-dem-hay-de-be-khoc-mot-cach-co-kiem-soat-body-3

Rèn luyện giấc ngủ cho bé của bạn như thế nào?

Rèn luyện giấc ngủ là một phương pháp được sử dụng để dạy cho em bé có thể tự ngủ. Một khi mục đích này đạt được, em bé của bạn có nhiều khả năng sẽ ngủ ngon giấc cả đêm. Trong khi một số em bé dễ dàng tiếp thu phương pháp ngủ này, một số em bé khác lại có thể phải mất nhiều thời gian hơn để đạt được hiệu quả. Có hai cách rèn luyện giấc ngủ như sau:

  • Phương pháp khóc có kiểm soát: là phương pháp đòi hỏi bạn không được dỗ dành ngay sau khi em bé khóc. Bạn cần thực hiện nhiều bước để đảm bảo con bạn có thể ngủ ngon giấc sau này. Phương pháp này thường bắt đầu có hiệu quả chỉ sau khoảng 4 đến 5 ngày áp dụng. Một trong những phương pháp khóc có kiểm soát nổi tiếng là phương pháp Cry it out.
  • Phương pháp không khóc: là phương pháp đòi hỏi bạn phải dỗ dành ngay khi em bé khóc, không được để em bé khóc không ngừng. Phương pháp này dễ được chấp nhận hơn do bạn sẽ không hề cảm thấy thoải mái nếu để em bé của bạn khóc kéo dài. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi sự kiên nhẫn của bạn do hiệu quả đạt được thường đến trễ hơn, cụ thể là phải mất đến vài tháng.

Sự lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào cả bạn lẫn em bé thông qua việc xem xét những ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp. Điều quan trọng cần nhớ là đối với một số người, một phương pháp rèn luyện giấc ngủ duy nhất có thể không đạt được hiệu quả. Do đó, bạn có thể thử áp dụng phương pháp này sau khi đã thất bại với phương pháp kia. Không có độ tuổi cụ thể nào được chỉ định để bắt đầu các phương pháp rèn luyện giấc ngủ. Nhiều phụ huynh chọn thực hiện việc rèn luyện giấc ngủ cho con mình ngay vì họ không thể chịu đựng tình trạng thiếu ngủ do bé quấy khóc về đêm kéo dài được nữa. Các chuyên gia cho rằng trẻ em hoàn toàn có thể tự ngủ sau 3 tháng tuổi. Do đó, sau 3 tháng tuổi, bạn có thể bắt đầu rèn luyện giấc ngủ cho bé.

Bạn có thể dỗ dành bé nếu bé quấy khóc về đêm không?

Có hai trường phái tư tưởng về vấn đề này. Một trường phái tin rằng, một đứa trẻ sẽ tự ngừng khóc vào ban đêm khi chúng nhận ra rằng không ai phản hồi lại tiếng khóc của chúng. Trường phái thứ hai thì lại cho rằng, mỗi khi em bé khóc, nghĩa là em bé cần được ôm, bế và dỗ dành, một em bé không nên bị bỏ rơi một mình vì bất kỳ lý do gì. Sau khi bạn đã cân nhắc những ưu điểm và nhược điểm riêng của mỗi trường phái thì quyết định áp dụng theo trường phái nào tuỳ thuộc vào bản thân bạn.

Hãy để bé khóc - Phương pháp Cry it out là gì?

Phương pháp Cry it out, còn được gọi là phương pháp Crying down hay Ferber (Hãy để bé khóc), là một phương pháp được phát minh bởi tiến sĩ Richard Ferber. Ông là một bác sĩ và là giám đốc của Trung tâm Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Boston của Hoa Kỳ. Ông đã nghiên cứu về giấc ngủ và rối loạn giấc ngủ ở trẻ em trong hơn 20 năm. Ông nổi tiếng với các phương pháp điều trị của riêng mình. Và một trong những phương pháp khá hiệu quả của ông chính là phương pháp Cry it out (hãy để bé khóc).

Phương pháp này khuyên bạn nên để bé khóc trong một thời gian ngắn trước khi bạn cho bé cảm giác thoải mái. Bác sĩ Ferber cũng đã viết một cuốn sách về phương pháp này và nó có thể được áp dụng lý tưởng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Phương pháp này được mô tả cụ thể như sau:

  • Nhẹ nhàng đặt em bé của bạn vào cũi hoặc giường riêng khi em bé còn thức nhưng đã vô cùng buồn ngủ.
  • Tặng cho bé một nụ hôn chúc ngủ ngon và sau đó bước ra khỏi phòng hoặc tránh mặt bé.
  • Nếu em bé của bạn khóc ngay sau đó, bạn hãy đợi một lát rồi mới quay lại phòng của bé hoặc gặp mặt bé.
  • An ủi bé bằng giọng nói nhỏ nhẹ và để cường độ ánh sáng của đèn ở mức thấp. Đừng bế em bé lên.
  • Sau đó, tiếp tục rời khỏi phòng hoặc tránh mặt bé, ngay cả khi bé vẫn còn khóc.
  • Bạn phải lặp lại các bước trên cho đến khi bé đã thật sự chìm vào giấc ngủ. Có thể việc này sẽ mất khá nhiều nỗ lực trước khi bạn hoàn toàn thành công.
  • Ngoài ra, bạn cần kéo dài thời gian giữa mỗi lần đi vào phòng hoặc gặp mặt bé. Điều này sẽ giúp bé có thời gian bình tĩnh hơn và cố gắng ngủ.
  • Và nếu bé quấy khóc về đêm một lần nữa, hãy lặp lại quá trình tương tự như trên.

Theo tiến sĩ Richard Ferber, trẻ khi được áp dụng phương pháp Cry it out sẽ có thể tự ngủ ngon giấc suốt đêm sau khoảng 1 tuần. Nhiều người tin rằng phương pháp này có hiệu quả tốt vì rất nhiều trẻ lớn có khả năng nhận ra được rằng, khi chúng khóc thì chúng sẽ được bế hoặc cho ăn. Vì vậy, kỹ thuật này truyền tải thông điệp rằng, việc khóc giả vờ của chúng sẽ không còn bất kỳ ai hưởng ứng nữa. Khi nhận ra điều này, chúng có thể ngừng khóc mà không cần ai đó dỗ dành.

vicare.vn-neu-be-quay-khoc-ve-dem-hay-de-be-khoc-mot-cach-co-kiem-soat-body-4

Kỹ thuật tạo khoảng cách xa dần khi bé quấy khóc về đêm

Kỹ thuật tạo khoảng cách xa dần là một trong những phương pháp được khuyên dùng để giúp chấm dứt tình trạng bé quấy khóc về đêm mà không có lý do. Sau đây là cách thực hiện kỹ thuật này:

  • Vài ngày đầu tiên, bạn có thể ở lại trong phòng của bé cho đến khi bé ngủ say, sau đó bạn mới bước ra ngoài.
  • Vài ngày sau đó, bạn phải dần dần bắt đầu rời khỏi phòng trước khi bé ngủ say.
  • Nếu em bé khóc khi thấy bạn rời đi, bạn hãy quay lại và trấn an em bé bằng giọng nói nhẹ nhàng trước khi bạn rời đi một lần nữa. Bạn không được bế em bé lên.
  • Các bước trên có thể phải lặp lại khá nhiều lần trong vài ngày đầu. Bạn sẽ phải tiếp tục rời đi và quay lại cho đến khi em bé của bạn ngủ thiếp đi.
  • Những ngày tiếp sau đó, bạn bắt đầu đặt em bé vào cũi hoặc giường riêng trong khi em bé vẫn còn thức và ngồi gần đó cho đến khi em bé bắt đầu ngủ thiếp đi.
  • Mỗi ngày, hãy tăng khoảng cách giữa nơi bạn ngồi với cũi hoặc giường riêng của bé cho đến khi bạn đến ngưỡng cửa.
  • Đi ra khỏi cửa nhưng vẫn ở gần để bạn vẫn biết nếu bé có gọi hay khóc.

Với phương pháp này, trong khoảng một vài tuần, bạn sẽ có thể đặt em bé của mình vào cũi hoặc giường riêng vào giờ ngủ và đi ra ngoài trong khi bé có thể ngủ một mình ngon giấc cả đêm.

Bạn cũng cần nhớ các mẹo sau để tận dụng tối đa kỹ thuật này:

  • Tốt nhất bạn chỉ nên thử áp dụng kỹ thuật này khi bạn cảm thấy em bé của mình có thể nhận thức được. Bốn tháng tuổi trở lên là điều kiện để thực hiện thành công kỹ thuật này.
  • Cố gắng không lùi bất kỳ một bước nào trong quá trình thực hiện kỹ thuật này vì nó có thể phá hỏng tất cả những gì mà bạn đã đạt được.

Khi nào bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ khi bé quấy khóc về đêm?

Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng bé quấy khóc về đêm có thể được khắc phục khi nhu cầu của bé được đáp ứng hoặc thông qua sự hiện diện của bạn để an ủi và dỗ dành bé. Nhưng đôi khi bé quấy khóc về đêm quá nhiều có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng nào đó, chẳng hạn như các bệnh lý. Bạn hãy đưa em bé của bạn đến gặp bác sĩ nếu bé quấy khóc về đêm không ngừng và có một trong những dấu hiệu sau đây:

  • Khó chịu về thể chất hoặc có các dấu hiệu của bệnh, chẳng hạn như sốt cao hoặc phát ban.
  • Con bạn dường như đang sợ một cái gì đó.
  • Các biện pháp khắc phục tình trạng bé quấy khóc về đêm không mang lại sự thay đổi nào, dù là nhỏ nhất trong hành vi của con bạn, trong khoảng 2 tuần.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Firstcry)

Xem thêm:

  • Bé sơ sinh hay khóc vào ban đêm: Đây là 7 lý do 90% bà mẹ không biết
  • Tuyệt chiêu cho mẹ giúp bé đi nhà trẻ không khóc nhè
  • Tại sao khi trẻ sinh ra cần phải phát mông để bé khóc