Những kiến thức cơ bản về vắc xin Hib phòng viêm màng não

Vi khuẩn Haemophilus influenza týp B (gọi tắt là Hib) là vi khuẩn gây những bệnh lý nghiêm trọng và thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi. Từ những năm 90, nhờ sự ra đời của vắc xin Hib, trẻ em đã có một cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ cơ thể trước mối đe dọa đó.

Những kiến thức cơ bản về vắc xin Hib phòng viêm màng não Những kiến thức cơ bản về vắc xin Hib phòng viêm màng não

Bệnh Hib là gì?

Bệnh Hib là một bệnh nhiễm khuẩn xâm lấn, trước đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ nhỏ; nhiễm khuẩn xâm lấn có nghĩa là vi khuẩn lây lan đến các bộ phận của cơ thể thông thường không có mầm bệnh.

Viêm màng não là hiện tượng phần màng bao phủ não và tủy sống bị nhiễm trùng. Viêm màng não do vi khuẩn là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây sốt, suy giảm khả năng nhận thức, hôn mê và tử vong. Tỷ lệ tử vong là từ 3% - 6% trẻ em mắc bệnh này. Ngay cả trong trường hợp trẻ em qua khỏi, nhiều em trong số đó sẽ bị những hậu quả tổn thương thần kinh và não nghiêm trọng, có thể là: mù lòa, tê liệt hay chậm phát triển trí tuệ.

Ngoài viêm màng não, vi khuẩn Hib có thể gây viêm phổi; viêm nắp thanh quản (là một bệnh nhiễm trùng trong cổ họng có thể gây khó thở); nhiễm trùng máu; nhiễm trùng xương; và nhiễm trùng khớp dẫn đến viêm khớp.

Mầm bệnh Hib lây lan vào không khí bởi những giọt nước nhỏ khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho. Trước khi vắc xin được sử dụng, mỗi năm có khoảng 20.000 trường hợp mắc bệnh Hib ở trẻ em dưới 5 tuổi: 12.000 trong số đó là viêm màng não, và khoảng 1.000 trường hợp tử vong mỗi năm

vicare.vn-nhung-kien-thuc-co-ban-ve-vac-xin-hib-phong-viem-mang-nao-body-1

Vắc xin Hib có thể là nguồn gây bệnh Hib không?

Câu trả lời là không. Vi khuẩn Hib thường có lớp vỏ bao phủ; vắc xin Hib được tạo ra từ lớp vỏ này, khi vào cơ thể được gắn kết với protein tạo thành tác nhân lạ sẽ kích hoạt cơ chế phòng thủ của cơ thể, xây dựng khả năng miễn dịch với vi khuẩn Hib. Vì không sử dụng toàn bộ vi khuẩn nên vắc xin không thể là nguồn lây nhiễm và gây bệnh Hib được.

Vắc xin Hib có an toàn không, có thể tiêm cùng với các vắc xin khác không?

Vắc xin Hib thường là an toàn. Các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm đau nhức, sưng hoặc có nốt đỏ tại vị trí tiêm. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng, và hiếm có phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Có thể khi tiêm vắc xin Hib cùng với các loại vắc xin khác hoặc trong một loại vắc xin kết hợp. Vắc xin Hib thường được đưa vào kế hoạch tiêm chủng định kỳ cho trẻ nhỏ.

Đối tượng nên tiêm

CDC (trung tâm kiểm soát dịch bệnh) Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêm vắc xin Hib cho trẻ dưới 5 tuổi. Tốt nhất, nên tiêm liều đầu tiên khi được 2 tháng tuổi.

Vì bệnh Hib rất hiếm gặp ở trẻ lớn và hầu hết người lớn thường có sẵn kháng thể với Hib trong cơ thể nên vắc xin này không được khuyến cáo cho trẻ từ 5 tuổi trở lên, trừ khi những đối tượng này có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn Hib. Những trẻ lớn và người lớn có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:

  • Những người đã cắt bỏ lá lách hoặc bị bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu hoặc nhiễm HIV.
  • Những người bị ức chế hệ thống miễn dịch do đang phải điều trị bệnh, ví dụ như bệnh nhân ung thư.

Các loại liều vắc xin Hib?

Có nhiều loại vắc xin Hib khác nhau đã được cấp phép lưu hành. Các loại vắc xin này có hiệu quả tương đương và có thể sử dụng thay thế cho nhau trong trường hợp loại vắc xin cũ trẻ đã dùng đang không có sẵn.

Số lượng liều vắc xin cần dùng để đạt khả năng miễn dịch hoàn toàn là ba hoặc bốn liều, tùy thuộc vào loại vắc xin đang được sử dụng. Đối với người lớn và những trẻ lớn có nguy cơ cao và chưa bao giờ được tiêm vắc-xin, cần ít nhất một liều vắc xin để có tác dụng bảo vệ cơ thể.

vicare.vn-nhung-kien-thuc-co-ban-ve-vac-xin-hib-phong-viem-mang-nao-body-2

Khi nào nên tiêm phòng vắc xin Hib?

CDC khuyến nghị trẻ sơ sinh nên tiêm liều đầu tiên khi bé được 2 tháng tuổi, liều thứ hai ở 4 tháng tuổi và liều thứ ba lúc 6 tháng tuổi (tùy thuộc vào loại vắc xin nào đang được sử dụng). Và cần tiêm nhắc lại cho bé trong khoảng thời gian từ 12 đến 15 tháng tuổi.

Không được cho trẻ dưới 6 tuần tuổi tiêm vắc xin. Cho trẻ tiêm vắc xin trong giai đoạn 6 tuần đầu tiên của cuộc đời có thể gây ra phản ứng của cơ thể, ngăn cơ thể đáp ứng với các liều vắc xin Hib sau đó. Hầu hết trẻ sơ sinh đã tồn tại sẵn hệ thống miễn dịch tự nhiên với vi khuẩn Hib được truyền từ mẹ sang, tuy nhiên điều này không kéo dài lâu.

Cần làm gì nếu bỏ lỡ một liều vắc xin Hib?

Bé nên tiếp tục tiêm trong lần tiếp theo, không cần phải bắt đầu tiêm lại từ đầu.

Sau khi tiêm vắc xin Hib, trẻ có thể bị viêm màng não nữa hay không?

Em bé sẽ được bảo vệ khỏi bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib nếu được tiêm vắc xin. Tuy nhiên vẫn có những vi khuẩn khác có thể gây viêm màng não, vì vậy bé vẫn có thể bị nhiễm và phát triển thành bệnh viêm màng não do các vi khuẩn này, nhưng những trường hợp này ít phổ biến và ít rủi ro hơn so với nhiễm vi khuẩn Hib mà chưa được tiêm phòng.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Webmd)

Xem thêm:

  • Điều trị viêm màng não như thế nào?
  • Bệnh viêm màng não mủ có lây không?
  • Làm sao để biết con mình bị viêm màng não?