Những điều cần "thuộc nằm lòng” khi bị chứng rối loạn giấc ngủ tấn công
Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Ngay khi nhận thấy các vấn đề về giấc ngủ, bạn không được chủ quan mà cần theo dõi và áp dụng biện pháp y tế để đẩy lùi rối loạn giấc ngủ.
Những điều cần "thuộc nằm lòng” khi bị chứng rối loạn giấc ngủ tấn công
Rối loạn giấc ngủ là gì?
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng mà cơ thể thường xuyên bị thiếu ngủ về thời gian lẫn bị suy giảm chất lượng giấc ngủ. Đó là khi cơ thể bạn gặp phải khó khăn để ngủ vào ban đêm, khi thức dậy sẽ cảm thấy mệt mỏi và thường cảm giác buồn ngủ vào ban ngày.
Thường xuyên gặp tình trạng khó ngủ khiến cho bạn cảm thấy bực bội và tinh thần suy nhược. Mặc dù thiếu ngủ làm bạn mệt mỏi và buồn ngủ nhiều vào ban ngày, nhưng sau đó, vào thời gian ban đêm bạn vẫn gặp khó khăn khi ngủ. Tình trạng mệt mỏi này nếu như kéo dài sẽ trở nên trầm trọng khiến cho cơ thể bạn suy yếu, gây ảnh hưởng đến tâm trạng, trí nhớ, công việc, học tập, các mối quan hệ và hệ miễn dịch của cơ thể. Nếu bạn muốn có 1 cuộc sống tốt cả về thể chất lẫn tinh thần, bạn cần có 1 giấc ngủ ngon mỗi đêm. Giấc ngủ ngon là yêu cầu cần thiết đối với mỗi chúng ta.
Ngay cả khi bạn đã quen với việc khó ngủ và đã dần thích nghi với nó, bạn cũng có thể điều chỉnh lại các hoạt động của bản thân để có 1 giấc ngủ tốt hơn. Để làm được điều này, hãy bắt đầu với việc theo dõi chính các giấc ngủ của bạn và những biểu hiện bất thường, sau đó tìm ra nguyên nhân và tạo ra các thay đổi về thói quen hàng ngày, điều kiện phòng ngủ cũng như thời gian ngủ của bạn. Nếu bạn đã thử nhiều cách nhưng vẫn không tự mình khắc phục được, đây là lúc bạn cần tìm đến bác sĩ để được tư vấn cũng như hỗ trợ thêm.
Nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ
Chứng rối loạn giấc ngủ hình thành do nhiều yếu tố và nguyên nhân:
- Yếu tố bên ngoài: Căng thẳng trong công việc hay tài chính; Xung đột với người xung quanh; Mệt mỏi do công việc làm theo ca kíp; Sự cố lớn trong cuộc sống.
- Mắc các bệnh lý nội khoa về tim mạch (loạn nhịp tim, mạch vành, suy tim); Hô hấp (hen phế quản hay ngưng thở khi ngủ); Đau mạn tính; Bệnh nội tiết (cường giáp, đái tháo đường); Tiêu hóa (viêm - loét dạ dày hay viêm dạ dày - thực quản trào ngược); Thần kinh (động kinh, Parkinson) và phụ nữ đang mang thai.
- Tâm thần kinh: Rối loạn tính cách (loạn thần, trầm cảm); Rối loạn lo âu; Hội chứng cai rượu, thuốc.
- Mất ngủ do sử dụng 1 số thuốc: Hạ huyết áp nhóm ức chế giao cảm; Chống động kinh; Lợi tiểu hoặc nhóm steroid và thuốc hưng phấn thần kinh.
Tùy vào mức độ và nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ, y học hiện đại có nhiều thế hệ thuốc từ thuốc kháng histamin tại thụ thể H1 thế hệ một đến thuốc an thần gây ngủ để điều trị chứng rối loạn giấc ngủ, tuy nhiên cần sử dụng theo các chỉ định của bác sĩ, không nên sử dụng kéo dài vì có thể gây ra những phản ứng ngoài ý muốn.
Triệu chứng của rối loạn giấc ngủ
Để xác định tình trạng rối loạn giấc ngủ cũng như là mức độ rối loạn giấc ngủ của bản thân, bằng 1 số cách, bạn có thể theo dõi những dấu hiệu sau đây:
- Cảm thấy khó chịu, buồn ngủ vào ban ngày
- Khi học tập, làm việc hoặc xem TV bạn cảm thấy không tỉnh táo
- Ngủ gật hoặc rất buồn ngủ và mệt mỏi khi đang ngồi, lái xe
- Mất tập trung trong các hoạt động
- Hành động 1 cách chậm chạp và ủ rũ
- Gặp rắc rối khi kiểm soát cảm xúc của mình đối với con người và các sự vật xung quanh
- Luôn cần 1 ly cà phê để giữ cho tinh thần luôn thoải mái
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trong những dấu hiệu kể trên, thì có thể bạn đang bị rối loạn giấc ngủ.
Các kiểu rối loạn giấc ngủ phổ biến
Mất ngủ (Insomnia)
Là vấn đề làm bạn không có khả năng ngủ ngon vào ban đêm. Nguyên nhân có thể do bạn bị stress, thuốc men uống cà phê, sức khoẻ kém hay uống đồ uống có ga trước khi ngủ. Mất ngủ có thể do các kiểu rối loạn giấc ngủ khác gây ra, do lo lắng và phiền muộn. Bạn có thể khắc phục chứng mất ngủ bằng cách thay đổi thói quen hàng ngày có ảnh hưởng đến giấc ngủ và tăng cường thư giãn nhằm tránh bị stress.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ (Sleep apnea)
Đây là hội chứng khiến quá quá trình thở của bạn bị dừng lại trong một giây lát lúc bạn đang ngủ khiến bạn bị thức giấc. Khi bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, bạn thường không nhớ hoặc nhận thức được những lần mình bị thức giấc vào giữa đêm vì hội chứng này, tuy nhiên nó gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ, khiến cho bạn cảm thấy hết sức mệt mỏi, kiệt sức vào ban ngày, gây giảm hiệu quả học tập và làm việc.
Restless legs syndrome (RLS)
Là hiện tượng chân (hoặc tay) của bạn thường xuyên cử động khi ngủ vào ban đêm, có thể do bạn trằn trọc hay suy nghĩ, cảm thấy chân tay không được thoải mái hay cảm thấy chân tay bị đau nhức nhẹ.
Chứng ủ rũ (Narcolepsy)
Là 1 kiểu rối loạn giấc ngủ liên quan đến việc bạn thường xuyên cảm thấy bị buồn ngủ vào ban ngày. Có thể do rối loạn các chức năng điều khiển giấc ngủ và thức giấc của bộ não. Khi bị ủ rũ, bạn thường xuyên phải đối mặt với các cơn buồn ngủ ập đến ngay cả khi mình đang học tập, nói chuyện, làm việc hay lái xe.
Những cách để thoát khỏi chứng rối loạn giấc ngủ
Nếu mức độ rối loạn giấc ngủ của bạn chưa phải quá nghiêm trọng, bạn có thể tự mình cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng 1 số cách sau:
- Thay đổi 1 số thói quen hàng ngày và tạo thói quen tốt cho giấc ngủ
- Chủ động điều chỉnh kế hoạch hàng ngày sao cho phù hợp với nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể bạn. Cần lắng nghe cơ thể bạn, theo dõi xem bạn ngủ ngon nhất khi đi ngủ lúc mấy giờ và thức dậy lúc mấy giờ. Từ đó có thể điều chỉnh kế hoạch sinh hoạt hàng ngày sao cho phù hợp.
- Tập thể dục thường xuyên liên tục.Tập thể dục là hoạt động rất cần thiết không những giúp cho bạn ngủ ngon hơn mà còn tốt cho sức khoẻ cũng như hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể bạn. Nên tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày nhưng không nên tập trước khi ngủ.
- Không nên ngủ trưa quá lâu. Việc ngủ trưa nhiều hơn 30 phút mỗi ngày có thể khiến cho bạn tỉnh táo vào ban đêm, dẫn tới rối loạn giấc ngủ về đêm.
- Không uống rượu, bia, hút thuốc đặc biệt là trước khi ngủ. Các chất kích thích luôn có ảnh hưởng không tốt tới giấc ngủ của bạn, không những thế, lạm dụng bia rượu và thuốc lá còn gây nên nhiều vấn đề tai hại khác cho sức khoẻ như bệnh về phổi, gan và dạ dày.
- Không ăn nhiều thịt đặc biệt là vào bữa tối. Trong thịt chứa 1 lượng lớn chất béo, nhiều chất béo dẫn tới béo phì, là 1 trong các nguyên nhân dẫn tới hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Cân nhắc các hoạt động trước khi lên giường ngủ
- Đảm bảo giường ngủ đủ yên tĩnh và mát mẻ
- Tránh các hoạt động gây ra cảm giác vui thái quá hay stress trước khi ngủ
- Không nhìn vào màn hình điện tử 1 - 2 giờ trước khi ngủ
Chứng rối loạn giấc ngủ không loại trừ bất kì ai. Hãy chủ động phòng tránh bằng chế độ sinh hoạt phù hợp, luôn cảnh giác trước các dấu hiệu bất thường về giấc ngủ để tận hưởng cuộc sống vui tươi, khỏe mạnh.
Xem thêm:
- Rối loạn giấc ngủ ở tuổi teen và những điều cần biết
- Rối loạn giấc ngủ gắn với nguy cơ cao gây ra rung nhĩ tim mạch