Những điều cần lưu ý khi làm xét nghiệm ADN
Xét nghiệm AND (viết tắt của Acid Deoxyribo Nucleic) là một trong những loại xét nghiệm phổ biến hiện nay, chủ yếu phục vụ cho việc xác minh huyết thống và các thủ tục hành chính liên quan đến việc thừa kế. Nhờ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà ngày nay, thao tác thu mẫu và quy trình làm xét nghiệm ADN đã đơn giản hơn rất nhiều, theo đó, chi phí cũng được giảm đi đáng kể.
Những điều cần lưu ý khi làm xét nghiệm ADN
Tuy nhiên, để đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của kết quả xét nghiệm, có 2 yếu tố đặc biệt quan trọng cần được đảm bảo: Chất lượng mẫu xét nghiệm và uy tín củaTrung tâm xét nghiệm ADN.
1.Lấy và bảo quản mẫu xét nghiệm đúng cách:
Thông thường, khi làm xét nghiệm ADN, các loại mẫu đơn giản và dễ thu thập nhất là mẫu tóc, mẫu máu, móng tay móng chân, cuống rốn, ...
- XÉT NGHIỆM ADN BẰNG MẪU MÁU:
- Phương pháp lấy mẫu này không áp dụng cho người mới được truyền máu hoặc có tiền sử ghép tủy. Nếu có truyền máu, thì thời điểm truyền máu nên cách 3 tháng so với thời điểm lấy mẫu máu làm xét nghiệm ADN.
- Nên lấy và bảo quản mẫu máu trong bộ kit chuyên dụng (cung cấp bởi trung tâm xét nghiệm) hoặc có thể dùng tăm bông tiệt trùng, gòn tiệt trùng để thấm máu thay cho thẻ FTA như bộ kit.
- Không nhất thiết thu nhiều máu tươi rồi đựng vào ống, chỉ cần thấm vài giọt trên vải, tăm bông hoặc gạc cotton tiệt trùng và tuyệt đối không được chạm tay vào vùng thấm máu này ngay cả trước và sau khi lấy mẫu.
- Mẫu máu sau khi thu cần được bảo quản kỹ và phải được gửi đến Trung tâm xét nghiệm càng sớm càng tốt.
- Trong trường hợp chưa thể gửi ngay, có thể lưu mẫu vài ngày ở nơi khô thoáng với nhiệt độ bình thường.
Nhìn chung, xét nghiệm ADN bằng mẫu máu là phương pháp xâm lấn gây đau, đòi hỏi phải có dụng cụ chuyên dụng và điều kiện thao tác vô trùng để đảm bảo an toàn cho người bị thu mẫu cũng như độ chính xác của kết quả. Do đó, cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn loại mẫu này.
Tốt nhất, việc lấy mẫu nên được thực hiện trực tiếp tại điểm thu mẫu xét nghiệm ADN bởi đội ngũ nhân viên có chuyên môn hoặc có thể lựa chọn 1 loại mẫu xét nghiệm ADN khác như: Tóc, niêm mạc miệng, móng tay móng chân, cuống rốn,...
- XÉT NGHIỆM ADN BẰNG MẪU CUỐNG RỐN:
Với ưu điểm là dễ thu thập, bí mật và mẫu có thể trữ được hàng năm trong điều kiện bình thường nên ngay cả cuống rốn khô cũng là một trong những mẫu được dùng phổ biến trong xét nghiệm ADN.
Cuống rốn nên được thu thập ngay sau khi rụng (khoảng 5-21 ngày sau sinh) và cần được bảo quản trong phong bì giấy sạch hoặc khăn khô sạch và cất vào nơi thoáng mát. Tuyệt đối không để cuống rốn trong túi nilon.
Chú ý:
- Nếu cuống rốn vẫn còn ướt thì có thể sấy bằng máy sấy tóc ở chế độ gió, cách xa phong bì đựng mẫu khoảng 10-15cm.
- Không nên ngâm cuống rốn hoặc tẩy rửa cuống rốn bằng hóa chất lạ như cồn hoặc rượu.
- Trong trường hợp chưa thể mang mẫu đi xét nghiệm ngay thì nên trữ mẫu tại nơi khô thoáng, trong điều kiện bảo quản tốt thì mẫu có thể để đến vài năm.
- XÉT NGHIỆM ADN SỬ DỤNG MẪU MÓNG TAY HOẶC CHÂN:
Để đảm bảo thu đúng và đủ lượng mẫu cho việc xét nghiệm ADN:
- Vùng tay hoặc chân được lấy móng cần được vệ sinh kỹ và lau khô trước khi lấy mẫu.
- Nên dùng kéo hoặc bấm móng tay để cắt móng tay, móng chân, không nên dùng miệng hoặc các vật lạ để thu mẫu. Phần móng được thu làm mẫu cần được cắt sát vào phần bắt đầu mọc móng, lưu ý cẩn thận để tránh gây tổn thương cho vùng lấy mẫu.
- 3-5 móng là lượng móng tối thiểu cho một lần làm xét nghiệm. Lượng mẫu này nên được cho vào phong bì giấy sạch và có thể bảo quản được khoảng 1 tháng ở điều kiện thường (không cần bảo quản lạnh).
- XÉT NGHIỆM ADN SỬ DỤNG MẪU TÓC:
Theo nguyên lý xét nghiệm ADN, chỉ cần lấy được tế bào sống trên cơ thể người là có thể làm xét nghiệm, đối với phương pháp dùng tóc làm mẫu xét nghiệm thì chân tóc chính là phần có chứa tế bào sống.
Ưu điểm của phương pháp lấy mẫu này là:
- Thao tác lấy mẫu dễ dàng, không đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn.
- Mẫu có thể được lưu trong thời gian dài trước khi gửi được đến phòng xét nghiệm
- Mẫu có tính chất bí mật, có thể lấy mà không gây nghi ngờ gì cho người được lấy mẫu.
Yêu cầu đối với mẫu tóc xét nghiệm:
- 5 – 10 sợi là lượng tóc tối thiểu cho 1 lần xét nghiệm. Phần mẫu tóc này phải có chân (gốc) tóc*, không quan trọng tóc bạc hay tóc đen và tuyệt đối không được chạm tay vào phần chân (gốc) tóc này.
- Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ có tóc quá mảnh, thì không nên thu tóc làm mẫu xét nghiệm ADN vì khó nhổ được tóc có chân tóc.
- Mẫu tóc nếu có chân tóc tốt (to, rõ) thì có thể để bảo quản ở nhiệt độ thường được khoảng 1 tháng.
- Các mẫu loại khác thuộc hệ lông – tóc như: lông nách, râu...cũng có thể dùng làm xét nghiệm ADN, miễn là có phần chân (gốc).
*Cách nhận biết tóc có chân:
- Phần chân tóc (phần giật khỏi da đầu) sẽ có dính chút chất nhầy, đầu hơi móc câu, hoặc nhìn cảm quan sẽ thấy có phần màu trắng.
- Khi đặt lên giấy thì thấy gốc tóc dính vào giấy là đạt yêu cầu
Cách bảo quản mẫu:
Mẫu chỉ cần được gói trong giấy sạch, không nên cho mẫu tóc vào túi nilon buộc kín,
Chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ bình thường, không cần bảo quản lạnh.
2. Chọn Trung tâm xét nghiệm ADN uy tín:
Ngoài việc đảm bảo chất lượng của mẫu thử, việc lựa chọn nơi làm xét nghiệm cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm ADN, quyền lợi và các vấn đề liên quan đến người làm xét nghiệm. Do đó, để chọn được Trung tâm xét nghiệm ADN uy tín, cần đặc biệt lưu ý:
- Yêu cầu được xem Giấy phép kinh doanh
- Yêu cầu cho xem phòng xét nghiệm
- Đọc kỹ và hỏi rõ trước khi ký xác nhận các loại văn bản cho phép, đặc biệt đối với các đề xuất vô lý về việc sử dụng dữ liệu, kết quả cho việc nghiên cứu khoa học để tránh tình trạng bị bán hoặc sử dụng dữ liệu cá nhân bất hợp pháp.
- Nếu cần dùng kết quả xét nghiệm vào việc tranh tụng, nên thực hiện tại một đơn vị nhà nước để tránh tình trạng kết quả không được Toà án chấp nhận.
- Nên tham khảo giá, thủ tục và các điều khoản cam kết đối với kết quả xét nghiệm ở nhiều đơn vị khác nhau để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Sau đây là danh sách các đơn vị xét nghiệm ADN đạt chuẩn (Các đơn vị được đánh dấu (**) có kết quả được công nhận pháp lý tại toà án):
Tại Thành phố Hồ Chí Minh:
1. (**) Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công An (Địa chỉ: 258 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM)
2. (**) Bệnh viện Truyền máu và Huyết học (Địa chỉ: 118 Hùng Vương, P.12, Q.5, HCM)
3. Medic-Lab (liên hệ 0903942737, địa chỉ: 254 Hòa Hảo quận 10, TP.HCM)
Tại Hà Nội:
4. (**) Trung tâm Giám định gen (Bộ Công An, Số 99, Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội)
5. (**) Viện pháp y Quân đội (1C Phố Trần Thánh Tông, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
6. Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền (108 Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội)
7. Công ty Gentis (Phòng 1207, tòa nhà M5, 91 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội)