Những điều cần biết về vi khuẩn HP - thủ phạm gây viêm loét dạ dày
Vi khuẩn HP là thủ phạm chính gây bệnh viêm loét dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày... Vậy bạn đã biết gì về vi khuẩn HP? Triệu chứng nhiễm vi khuẩn này là gì? Có thuốc điều trị vi khuẩn này không?... Và nhiều câu hỏi khác liên quan đến vi khuẩn này sẽ được giải đáp tất tần tật trong bài viết sau đây.
Những điều cần biết về vi khuẩn HP - thủ phạm gây viêm loét dạ dày
Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh viêm loét dạ dày mạn tính chiếm 50% dân số thế giới, trong đó viêm dạ dày mạn tính do vi khuẩn HP chiếm đến 95%. Tại Việt Nam, tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn HP lên đến 70% nhưng đa số không có triệu chứng gì, vi khuẩn HP âm thầm phát triển. Đây là thủ phạm chính gây bệnh viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày... Vậy bạn đã biết gì về vi khuẩn HP? Triệu chứng nhiễm vi khuẩn này là gì? Có thuốc điều trị vi khuẩn này không?... Và nhiều câu hỏi khác liên quan đến vi khuẩn này sẽ được giải đáp tất tần tật trong bài viết dưới đây.
1. Vi khuẩn HP và những tác hại cho dạ dày
Được phát hiện năm 1982, vi khuẩn HP có tên khoa học là Helicobacter pylori, là một xoắn khuẩn gram âm có hình chữ S, ở đầu có các lông mao, sống phổ biến trong niêm mạc dạ dày. Để tồn tại được trong môi trường acid, chúng tiết ra men Urease trung hòa acid dạ dày. Men Urease này xúc tác phản ứng chuyển hóa Ure trong thức ăn thành NH3 và CO2. Lượng NH3 này cùng các sản phẩm khác của quá trình chuyển hóa sẽ gây độc cho tế bào.
2. Những tác hại chính mà vi khuẩn HP gây ra cho dạ dày
- Viêm loét dạ dày cấp tính: là phản ứng viêm loét dạ dày khởi phát và diễn tiến nhanh. Các biểu hiện lâm sàng trong giai đoạn này là: đầy bụng, buồn nôn, chán ăn.
- Viêm loét dạ dày mạn tính: là giai đoạn sau của viêm loét dạ dày cấp tính, tổn thương này kéo dài và tiến triển chậm, có thể lan tỏa hoặc khu trú tại một vùng nào đó ở dạ dày.
- Loét dạ dày, tá tràng: thường gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa, và có thể tái phát nhiều lần.
- Ung thư dạ dày: viêm dạ dày mạn tính kéo dài không được điều trị sau 10-20 năm sẽ làm mất các tuyến bình thường của dạ dày thay vào đó là các tổ chức xơ còn gọi là viêm teo, niêm mạc bình thường được thay bằng biểu mô niêm mạc ruột còn gọi là dị sản ruột. Chính tình trạng viêm teo mạn tính nặng và dị sản ruột lan tỏa sẽ dẫn tới ung thư dạ dày.
3. Triệu chứng thường gặp khi bị nhiễm vi khuẩn HP
- Đau vùng thượng vị
- Cảm giác chướng bụng, đầy hơi
- Ợ nóng và trào ngược acid dạ dày
- Buồn nôn, nôn ói thường xuyên
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy
- Hôi miệng
- Mệt mỏi, cơ thể suy nhược
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
4. Vi khuẩn HP lây nhiễm qua những con đường nào?
- Lây nhiễm qua đường miệng - miệng: vi khuẩn HP còn được tìm thấy trong nước bọt và mảng bám răng người bệnh. Do đó với thói quen ăn uống dùng đũa gắp thức ăn chung, chấm nước mắm chung... hoặc hôn nhau làm tăng nguy cơ lây nhiễm khuẩn HP.
- Lây nhiễm qua đường dạ dày - miệng: khi các dụng cụ và thiết bị y tế như ống soi, dụng cụ nha khoa, dụng cụ tai mũi họng.... không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người có bệnh sang người lành.
- Lây nhiễm qua đường phân - miệng: do vi khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi đi vệ sinh không rửa sạch tay, hoặc qua các nguồn trung gian như côn trùng -tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó bám vào thức ăn.
5. Những phương pháp chẩn đoán vi khuẩn HP
Để biết bạn có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không, ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán sau:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu tìm kháng thể HP để có thể kết luận có bị nhiễm HP hay không.Tuy nhiên, phương pháp này chưa tối ưu vì vài trường hợp kháng thể HP trong máu giảm chậm dẫn đến trường hợp vi khuẩn đã tiêu diệt hết nhưng nồng độ kháng thể HP vẫn còn.
Phương pháp Clo – Test
Phương pháp này thường được áp dụng với bệnh nhân sau khi nội soi dạ dày có tổn thương viêm hoặc loét. Mẫu thử lấy được bằng phương pháp nội soi sẽ đem tiếp xúc với hóa chất để theo dõi hiện tượng, nếu xuất hiện đổi màu chứng tỏ dương tính với khuẩn HP.
Phương pháp test hơi thở
Là biện pháp cho hiệu quả chẩn đoán chính xác lên tới 98%. Tuy nhiên phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không áp dụng được phương pháp này. Trước khi tiến hành test 1 tháng, bệnh nhân cần ngưng dùng các loại thuốc kháng sinh. Quy trình tiến hành theo các bước sau:
- Bệnh nhân uống 1 viên thuốc Ure 14C.
- Ngồi nghỉ trong 15 phút để thuốc có hiệu quả.
- Tiến hành kiểm tra hơi thở: bệnh nhân thổi liên tục vào thẻ xét nghiệm trong vòng 3 đến 5 phút.
- Nhờ vào thiết bị chuyên dụng bác sĩ đưa ra kết luận có nhiễm khuẩn HP hay không.
Xét nghiệm nước bọt, nước tiểu hoặc phân của người bệnh
Xét nghiệm này được thực hiện với bệnh nhân thường xuyên có triệu chứng đau bụng, đầy hơi, thường xuyên buồn nôn và ợ chua...Vì vi khuẩn HP có thể ở trong nước bọt, nước tiểu và phân nên thông qua các xét nghiệm phân tích có thể xác định được vi khuẩn HP có nằm trong đường tiêu hóa hay không.
6. Cách điều trị vi khuẩn HP hiệu quả
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ:
Phác đồ điều trị vi khuẩn HP được thực hiện từ 10 đến 14 ngày, có thể gồm các loại thuốc sau:
- Kháng sinh diệt vi khuẩn: Amoxicillin, Clarithromycin, Tetracycline, hoặc Metronidazole
- Thuốc ức chế bơm proton H+, giảm tiết acid: Omeprazole, Lansoprazole, hoặc Esomeprazole
- Thuốc băng che ổ loét: Bismuth subcitrate, Nhôm silicate...
Uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, đủ liều lượng, đủ thời gian và không được tự ý ngưng thuốc.
Sau thời gian điều trị nên làm test hơi thở để kiểm tra xem đã diệt hết vi khuẩn HP chưa. Nếu chưa hết, bạn có thể được bác sĩ tư vấn điều trị với phác đồ kháng sinh khác.
7. Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý tránh tái phát bệnh
Nên dùng thực phẩm chín, đảm bảo vệ sinh, dễ tiêu và tốt cho hệ tiêu hóa. Tránh các loại thức ăn chua, cay, nhiều dầu mỡ, rượu, bia, cà phê, thuốc lá...
- Không dùng chung vật dụng ăn uống, chấm chung đồ ăn với nhiều người.
- Chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya, làm quá sức, căng thẳng, lo âu kéo dài.
- Đặc biệt cần kiểm tra trong gia đình có ai bị lây nhiễm HP để tránh việc bệnh tái phát sau khi đã được điều trị.
Bên cạnh việc điều trị dứt điểm vi khuẩn HP cho bạn và cả gia đình, bạn nên thăm khám sức khỏe thường xuyên tại một cơ sở y tế đảm bảo và bác sĩ chuyên khoa nội tiêu hóa để được tư vấn và tầm soát các bệnh lý đường tiêu hóa đi kèm, phòng biến chứng ung thư dạ dày.
Xem thêm:
- Ai dễ bị viêm loét, ung thư dạ dày do vi khuẩn HP?
- Có phải cứ nhiễm vi khuẩn HP là ung thư dạ dày?
- Nguy cơ vi khuẩn Hp kháng thuốc và các giải pháp điều trị mới