Những điều cần biết về trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là hiện tượng rất phổ biến. Phần lớn trào ngược không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến trẻ rất khó chịu, bỏ ăn bỏ bú, chậm tăng cân... một số biến chứng trào ngược có khả năng gây tử vong.

Những điều cần biết về trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em Những điều cần biết về trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là hiện tượng rất phổ biến. Phần lớn trào ngược không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến trẻ rất khó chịu, bỏ ăn bỏ bú, chậm tăng cân... một số biến chứng trào ngược có khả năng gây tử vong. Các bậc cha mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em để có cái nhìn đúng và chăm sóc tốt nhất cho con yêu của mình.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là sự trào ngược các thành phần dịch từ dạ dày vào trong thực quản một cách không tự ý. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh cho đến người già, nhưng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trẻ nhũ nhi và trẻ sơ sinh thiếu tháng. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng trong đó có thể có những biểu hiện gây tử vong cho trẻ.

Các con số liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Tỷ lệ trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em 3 tháng khoảng 50%, nghĩa là cứ 2 trẻ thì có 1 trẻ bị trào ngược và ở trẻ 4 tháng tuổi là 67%. Khi trẻ lớn hơn, tỷ lệ này giảm dần, còn khoảng 15% lúc 8 tháng và sau 12 tháng là 5%.

Khoảng 90% trẻ tự hết các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản trong khoảng 12-18 tháng. Nếu hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản tiếp tục sau khi trẻ được 12 tháng thì có thể trẻ bị bất thường về cơ thể học và có thể diễn tiến thành bệnh trào ngược dạ dày thực quản, trẻ phải được phẫu thuật nếu trào ngược vẫn tái diễn sau 16 –18 tháng.

vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-o-tre-em-body-1

Phân biệt với trớ, nôn, trào ngược sinh lý

Trớ: là hiện tượng trào ngược các chất chứa trong dạ dày của trẻ vào khoang miệng, không có sự co thắt của các cơ, căn nguyên là do thực quản.

Nôn: là hiện tượng thức ăn chứa trong dạ dày, ruột bị đẩy ra ngoài do sự co bóp của cơ trơn dạ dày ruột kèm theo sự co thắt của cơ vân thành bụng.

Trào ngược sinh lý: trào ngược thức ăn, dịch trong dạ dày vào thực quản, không có biến chứng.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: có sự xuất hiện của các biến chứng, triệu chứng khi có sự trào ngược thức ăn, dịch dạ dày vào thực quản hoặc khoang miệng.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Triệu chứng

  • Triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày thực quản (đau vùng thượng vị, ợ nóng, trớ) rất khó đánh giá ở trẻ em (nhất là trẻ còn nhỏ chưa biết nói).
  • Răng miệng: phá hủy men răng do acid, sâu răng, hơi thở hôi.
  • Các triệu chứng đe dọa tính mạng: chậm nhịp tim, xanh xao, tím tái
  • Các triệu chứng hô hấp: ho vào lúc ngủ về đêm, khò khè hoặc ho nhiều, thở rít và viêm thanh quản.

Dấu hiệu nhận biết trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Trẻ thường bú kém, bỏ bú, khóc khi bú, biếng ăn, ợ nóng (nhất là sau khi ăn), trớ, ọc sữa (dễ xảy ra khi thay đổi tư thế), nôn (xảy ra một thời gian lâu sau ăn hoặc bú sữa), có cảm giác nóng rát sau xương ức biểu hiện bằng cách khó nuốt, lăn lộn, khó ngủ, quấy khóc vô cớ, ho nhiều...

vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-o-tre-em-body-2

Biến chứng hô hấp cũng rất thường gặp với biểu hiện khò khè vào ban đêm do khi nằm sữa trào lên thực quản và trẻ có thể hít một ít vào phổi gây khò khè hoặc gây viêm phổi tái đi tái lại. Do đó, nếu trẻ nhỏ dưới 12 tháng, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi, có hiện tượng khò khè vào ban đêm, viêm phổi hay viêm phế quản tái đi tái lại thường xuyên thì các bà mẹ nên nghĩ rằng con mình có thể bị trào ngược dạ dày thực quản.

Một số ít trẻ, trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra sặc, tím tái hoặc ngưng thở. Khi gặp trường hợp sặc sữa, các bậc phụ huynh phải nhanh chóng nghiêng đầu trẻ sang một bên, dốc đầu trẻ xuống thấp so với thân mình để sữa nhanh chóng chảy ra ngoài. Một số phụ huynh thường mắc sai lầm là “dựng” thẳng trẻ lên hay cho trẻ ngồi dậy khi sặc sữa, hành động này sẽ làm cho sữa nhanh chóng chảy vào đường thở của trẻ và xuống phổi gây tím tái và thậm chí trẻ có thể ngưng thở tức thì và tử vong. Một số ít trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản vào ban đêm, hít sặc nhưng mẹ không phát hiện được, trẻ đã tử vong sau đó.

Vì sao trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em lại phổ biến?

Theo giải phẫu học, giữa thực quản và dạ dày có chỗ nối tên là tâm vị. Tại đây có cơ vòng dưới thực quản, nhiệm vụ co thắt lại để giữ thức ăn từ dạ dày không trào ngược lên thực quản. Hiện tượng co thắt cơ tâm vị của trẻ em rất yếu và chưa hoàn chỉnh nên rất dễ mở ra khi có hiện tượng co bóp của dạ dày, sữa hoặc thức ăn sẽ trào lên thực quản.

Trẻ mới sinh ra có dạ dày nằm ngang và dạ dày sẽ tự xoay để dần dần “đứng” thẳng lên sau 12 tháng. Bên cạnh đó, dạ dày của trẻ thường có kích thước nhỏ nên sau khi bú (hoặc ăn) thì sữa rất dễ trào ngược nếu mẹ cho bé nằm xuống ngay hoặc cho trẻ bú quá nhiều, lượng sữa lớn hơn dung tích của dạ dày.

Đoạn thực quản bụng (có tác dụng hỗ trợ tâm vị không cho thức ăn trào ngược) của trẻ rất ngắn ngắn, tác dụng hỗ trợ giảm nên thức ăn từ dạ dày có thể trào ngược lên.

Thức ăn của trẻ em thường là sữa hoặc thức ăn lỏng, trong khi đó thức ăn lỏng sẽ dễ dàng trào ngược hơn là thức ăn đặc.

Chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-o-tre-em-body-3

Bắt đầu từ chế độ dinh dưỡng cho trẻ

  • Chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn chậm rãi, tránh ăn quá no.
  • Làm đặc thức ăn (tùy theo lứa tuổi): cho thêm bột vào sữa (điều này có ích ở trẻ chậm tăng cân vì cung cấp thêm năng lượng nhưng làm tăng nguy cơ táo bón).
  • Chế độ ăn giảm chất béo vì thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ chậm tốc độ làm rỗng dạ dày (tuy nhiên không nên cắt giảm hoàn toàn chất béo của trẻ vì chất béo rất cần thiết để hình thành các tế bào thần kinh và não bộ của trẻ).
  • Đối với trẻ lớn: tránh các thức ăn kích thích như: chocolate, café, các thức uống có cồn, thức ăn có nhiều gia vị.
  • Tránh các thực phẩm có nhiều acid như: cam, chanh, cà chua, giấm vì kích thích dạ dày tiết acid nhiều hơn.
  • Tránh cho trẻ ăn thức ăn hoặc uống sữa quá nóng.
  • Nếu trẻ bị dị ứng sữa bò, có thể sử dụng sữa có đạm thủy phân giúp cho trẻ tiêu hóa tốt hơn, dạ dày được làm trống nhanh hơn sau bú. Có thể sử dụng sữa có bổ sung probiotic Lactobacillus reuteri.
  • Giảm cân nếu trẻ bị béo phì
  • Theo dõi cân nặng mỗi ngày
  • Theo dõi số lần, số lượng, màu sắc, tính chất dịch nôn, trớ do trào ngược dạ dày ở trẻ em.

Kiểm soát bệnh và phòng ngừa nguy cơ xảy ra biến chứng

  • Tránh các yếu tố làm tăng áp lực ổ bụng trẻ như: mặc quần áo quá chật, băng bó vùng rốn hoặc bụng, bệnh ho, bệnh táo bón.
  • Hạn chế cho trẻ bú hơi (nuốt quá nhiều không khí)

Đối với trẻ bú mẹ: thời gian cho trẻ bú không nên quá lâu.

Đối với trẻ bú bình: cho sữa xuống đều và cho trẻ ợ hơi sau mỗi lần bú được 30 – 60 ml sữa.

  • Bế thẳng trẻ sau ăn khoảng 20 – 30 phút, vỗ nhẹ vào lưng bé để bé ợ hơi.
  • Không đặt trẻ nằm ngay sau bú
  • Cho trẻ nằm ngửa, đầu cao 30 độ
  • Giữ môi trường thông thoáng, tránh khói thuốc lá.
  • Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

Thuốc bảo vệ niêm mạc thực quản đối với dịch axit từ dạ dày: Phosphalugel uống sau ăn 30 phút, Gaviscon uống sau ăn 10 phút...

Thuốc tăng áp lực cơ vòng thực quản dưới, tăng tống xuất dạ dày: Primperan, Debridat, Motilium uống trước bữa ăn.

Thuốc ức chế hay kìm hãm sự bài tiết axit: Omeprazol uống 30 phút trước bữa ăn sáng.

Xem thêm:

  • Hiện tượng trào ngược và GERD ở trẻ sơ sinh
  • Trào ngược dạ dày thực quản là gì? Dấu hiệu và biến chứng