Những điều cần biết về tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em
Tiêu chảy nhiễm khuẩn là một trong những loại bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, trẻ sẽ bị tiêu chảy, phân nhầy, biếng ăn, sụt cân, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển về thể chất và cân nặng của trẻ.
Những điều cần biết về tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em
Tiêu chảy nhiễm khuẩn là bệnh phổ biến thường xảy ra do, các bé thường xuyên tiếp xúc với các đồ vật hay ổ chứa các vi khuẩn gây bệnh như thú cưng, gia cầm và gia súc. Tuy đây không phải là căn bệnh quá nguy hiểm nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Do đó các bậc phụ huynh nên tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh cũng như cách điều trị, phòng ngừa để có thể chăm sóc và bảo vệ con một cách tốt nhất.
Vì sao trẻ em dễ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn?
Bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em xảy ra thường do các vi khuẩn Campylobacter và vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây ra. Ðây cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ hay mắc vì hệ tiêu hóa của trẻ trong những năm đầu đời còn non yếu, sức đề kháng còn yếu.
Bị tiêu chảy nhiễm khuẩn là do tiếp xúc với các đồ vật có chứa vi khuẩn, ổ chứa vi khuẩn là động vật, gia súc và gia cầm. Sự gần gũi của trẻ với các đồ vật và các dạng vật nuôi khi kháng thể chưa phát triển hoàn thiện là điều kiện khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh.
Biểu hiện và những triệu chứng của bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn
Tiêu chảy nhiễm khuẩn thường diễn ra từ vài ngày đến vài tuần. Bệnh có những triệu chứng như: đau bụng, chán ăn, mệt mỏi, sốt, buồn nôn và nôn.
Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 – 5 ngày, cũng có thể là từ 1 – 10 ngày, tùy theo thể trạng của từng người. Khi bị tiêu chảy nhiễm khuẩn, trẻ đi đại tiện phân lỏng, có thể lẫn với chất nhầy và có bạch cầu. Đối với những trường hợp không được chỉ định điều trị kháng sinh sẽ có thể đào thải vi khuẩn ra ngoài trong vòng từ 2-7 ngày.
Chế độ ăn uống dành cho trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn?
Để hồi phục và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé trong quá trình bị tiêu chảy nhiễm khuẩn, các bà mẹ nên chú ý đến chế độ ăn uống của con như sau:
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
- Nấu các món ăn mềm, dễ tiêu hóa, hấp thu, giàu dinh dưỡng như: cháo, súp, sữa, nước trái cây.
- Để kích thích vị giác cần thường xuyên thay đổi món ăn để hợp với khẩu vị của trẻ.
- Bổ sung thêm men tiêu hóa từ thực phẩm: giá đỗ, các hạt nảy mầm để tăng thêm năng lượng, hóa lỏng thức ăn.
- Trẻ còn bú mẹ: Nên tăng thêm bữa bú và thời gian bú cho trẻ. Nếu trường hợp trẻ không bú được nên vắt sữa mẹ và cho uống bằng thìa.
- Bổ sung nước cho trẻ như: nước hoa quả tươi, bù nước nước và điện giải: oresol pha đúng cách.
- Khi khỏi ốm cho trẻ ăn tăng thêm bữa và ăn như bình thường
Những loại thực phẩm được sử dụng khi trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn?
Việc sử dụng thực phẩm phù hợp cho hệ tiêu hóa của trẻ khi mắc bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn là điều rất quan trọng. Nếu các bậc phụ huynh không sử dụng các loại thực phẩm đúng cách sẽ làm tình trạng tiêu chảy của bé nặng thêm. Dưới đây là một số loại thực phẩm nên và không nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn.
Thực phẩm nên dùng khi trẻ mắc bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn như: gạo, khoai tây, các loại rau quả có màu vàng và đỏ, xanh thẫm, giá đỗ xanh. Các loại thịt như: thịt bò, thịt gà thịt thăn lợn, hay trứng, sữa. Dầu thực vật, mỡ gà, mỡ lợn. Bổ sung các loại hoa quả tươi như: cam, bưởi, chuối, xoài, đu đủ, nước dừa...
Thực phẩm cần tránh là các thức ăn thô nhiều chất xơ như: ngô hạt, đậu đỗ nguyên hạt, rau cần, rau bí, măng... Nước ngọt có ga, tránh các thức ăn nguội lạnh.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện khi bị tiêu chảy nhiễm khuẩn?
Đối với trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống bù nước, dung dịch oresol, nước trái cây pha loãng, nước cháo muối; ăn uống bình thường theo nhu cầu. Phần lớn, tiêu chảy nhiễm khuẩn đều có khả năng tự biến mất, không cần chữa trị. Lúc này, điều quan trọng nhất đó là bệnh nhân phải đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu bất thường hoặc bệnh nặng hơn như: tiêu chảy kèm sốt, phân có nhầy lẫn máu, trẻ có biểu hiện lừ đừ mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân lạnh, bỏ bú, không ăn uống được, nôn mửa nhiều. Tiêu chảy nhiều lần (5-6 lần/giờ), phân toàn nước, nước phân đục, không tiểu tiện hoặc tiểu rất ít... cần đi khám bác sĩ ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đây là trường hợp người bệnh bị mất nước quá nhiều, chúng ta cần đến ngay bệnh viện để thực hiện việc truyền lại lượng nước đã mất trong suốt giai đoạn tiêu chảy, lúc cơ thể bị nôn mửa và sốt.
Ngoài ra, phụ thuộc vào loại vi khuẩn, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc phù hợp. Trường hợp nhiễm trùng do ký sinh trùng gây bệnh, thì bệnh có thể sẽ được chữa trị bằng thuốc chống ký sinh trùng. Bên cạnh đó, người bệnh cần uống nhiều nước, bổ sung chất dinh dưỡng qua khẩu phần ăn như ăn súp, cháo và dùng nước trái cây không đường nhằm giúp tăng cường hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ, chống lại sự tấn công của các nhân tố gây bệnh.
Phòng bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn
Để phòng bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn cần ăn chín, uống sôi, nấu chín kỹ các thức ăn có nguồn gốc từ gia cầm, gia súc; chỉ uống sữa đã tiệt trùng, tránh để thức ăn bị nhiễm khuẩn lại sau khi đã nấu chín.
Khi các vật nuôi trong nhà bị ốm không để trẻ ôm ấp và gần gũi chúng. Luôn thực hiện yêu cầu rửa tay sạch khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng diệt khuẩn.
Xem thêm:
- Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao?
- Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà
- Trẻ bị tiêu chảy ăn gì thì tốt nhất?